Lâm Đồng: Cần quản lý hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tại nông thôn
Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tại nông thôn nhiều hộ dân đã được sử dụng nước sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 169 công trình, bao gồm 154 công trình giếng khoan và 15 công trình cấp nước tự chảy đã được đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc với tổng kinh phí đầu tư khoảng 95,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số hộ dân nông thôn được sử dụng nước từ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn chỉ là 6.889/12.215 hộ, đạt 56,39% công suất thiết kế. Qua đó cho thấy hiệu quả sử dụng và mức độ bền vững của các công trình này là không cao và trên thực tế số công trình phát huy hiệu quả chỉ có 65/169 công trình, chiếm tỷ lệ 38,46%.
Nguyên nhân chủ yếu là do thu phí dịch vụ không đủ bù đắp phí vận hành, bảo trì, không có cán bộ quản lý, vận hành công trình. Đầu tư thiếu đồng bộ, nguồn kinh phí hạn chế nên các công trình chưa được nâng cấp, sửa chữa kịp thời dẫn đến ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Công tác quản lý, vận hành các công trình phần lớn không được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý vận hành. Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, địa hình cao, hiểm trở nên gặp không ít khó khăn trong việc dẫn ống nước về các hộ dân. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc sử dụng nước và bảo vệ các công trình còn kém, công tác quản lý tại một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên. Nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm vì vậy thiết bị xử lý nước đòi hỏi phải tốt, trong khi chi phí thì hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu cũng là nguyên nhân các công trình không phát huy hiệu quả lâu dài.
Để các công trình cấp nước tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới UBND các huyện cần thực hiện việc chuyển giao các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và vận hành như chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt. Thường xuyên đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt.
PV TT Tây Nguyên