Lâm Đồng: Thắt chặt công tác bảo vệ rừng
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2022, công tác lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai một cách đồng bộ và có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả khả quan.
Đạt nhiều kết quả khả quan trong công tác lâm nghiệp
Vừa qua, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng) đã có văn bản báo cáo kết quả thực hiện công tác lâm nghiệp 9 tháng năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2022, công tác lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai một cách đồng bộ và có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả khả quan.
Điển hình như cơ quan chức năng tỉnh đã kịp thời có biện pháp, giải pháp để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về lâm nghiệp được chú trọng, nên đã đạt được một số kết quả tích cực, đó là: số vụ vi phạm giảm 163 vụ (tương ứng giảm 43%); lâm sản thiệt hại giảm 270 m 3 (tương ứng giảm 19%) so với cùng kỳ năm 2021.
Về công tác trồng rừng, trồng 50 triệu cây xanh, trồng cây phân tán/che bóng trong năm 2022, tiếp tục được các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và kế hoạch đã xây dựng.
Công tác hướng dẫn xây dựng, thẩm định phương án quản lý rừng bền vững, rà soát điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng, theo dõi, hướng dẫn doanh nghiệp trong thực hiện dự án thuê đất, thuê rừng, bồi thường tài nguyên rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng (PCCCR), thực hiện Đề án 1836 và một số nhiệm vụ khác cơ bản được triển khai đúng tiến độ, đạt chất lượng.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, khu vực còn tồn tại một số hạn chế như: Trong 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiếp tục xảy ra tình trạng phá
rừng nên diện tích rừng bị phá tăng 2,04 ha (tương ứng tăng 07%); số vụ vi phạm phức tạp tăng 02 vụ (tương ứng tăng 10%); số vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng còn chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm 27%).
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai thường xuyên liên tục nhưng hiệu quả mang lại chưa cao; nội dung, hình thức, biện pháp triển khai chưa phong phú, chưa thật sự đến mọi người dân, mọi đối tượng, nhất là những người dân sinh sống, canh tác trong và ven rừng vùng giáp ranh.
Các đơn vị chủ rừng chưa hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững (hiện nay, còn 02 đơn vị Ban Chỉ huy quân sự huyện Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc) và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; do đó chưa có cơ sở xem xét thẩm định các dự án xin thuê môi trường rừng của các tổ chức, cá nhân.
Một số diện tích rừng trồng trên đất giải tỏa bị phá hoại (nhổ bỏ), làm chết cây nhưng việc phát hiện bắt quả tang đối tượng vi phạm còn rất hạn chế; do đó, việc ngăn chặn, xử lý đạt hiệu quả chưa cao;…
Triển khai trồng 50 triệu cây xanh trong 2022
Trao đổi với Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Để tiếp tục đẩy mạnh và đưa ra phương hướng thực hiện trong thời gian tới, Chi cục Kiểm Lâm đã có văn bản đốc thúc cơ quan các cấp thực hiện tốt công tác QLBVR nhằm hoàn thành chỉ tiêu ngành lâm nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025. Tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan công tác lâm nghiệp 7.”
Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ diện tích rừng hiện có, quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; tăng cường công tác QLBVR và PCCCR, ngăn chặn và xử lý kịp thời có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
“Ngoài ra, tỉnh sẽ chú ý hơn trong việc rà soát, xử lý các vụ phá rừng; trước mắt tập trung rà soát xử lý các vụ phá rừng trên địa bàn huyện: Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đà Lạt, Bảo Lộc,… phấn đấu trong năm 2022, giảm 20% trở lên về diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại so với năm 2021”, ông Sơn chia sẻ.
Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Lâm Đồng còn yêu cầu các đơn vị phối hợp giải tỏa và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mới; số vụ không phát hiện đối tượng vi phạm giảm dưới 15%; tiếp tục đôn đốc chủ rừng trồng rừng để tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các tổ chức, chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp có hiệu quả.
Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình, lập kế hoạch kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; trong đó, tập trung tại các địa bàn giáp ranh trọng điểm về phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật; xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các khu vực rừng giáp ranh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm đặc biệt là đối tượng đầu nậu, cầm đầu.
Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Công an các địa phương trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phức tạp nổi cộm, các tin báo tội phạm trong lĩnh vực QLBVR trên địa bàn; đồng thời, tổ chức hướng dẫn lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tuần tra thường xuyên tại vùng giáp ranh; xác định nhiệm vụ QLBVR là nhiệm vụ chung không phân biệt địa điểm mỗi bên để công tác phối hợp được nhịp nhàng, hiệu quả.
Tổ chức thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về lâm nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý rừng giữa các tỉnh, các huyện giáp ranh trong công tác QLBVR; tiếp tục tham gia các tổ thanh tra của Thanh tra tỉnh trong việc thanh tra công tác rà soát quy hoạch 03 loại rừng tại các địa phương; tiến hành các hoạt động giám định thiệt hại tài nguyên rừng theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Lâm Đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đặc biệt yêu cầu các đơn vị tiếp tục đôn đốc, tổng hợp, tham mưu báo cáo UBND tỉnh về kết quả và tiến độ thực hiện Đề án 1836, Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh của các địa phương, đơn vị theo quy định.
Huỳnh Mai