Thứ sáu, 22/11/2024 22:42 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/12/2019 16:17 (GMT+7)

Làm điện gió ngoài khơi: Lợi ích đi cùng lợi thế

Theo dõi KTMT trên

Việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi và kinh tế biển sẽ góp phần đảm bảo nguồn năng lượng, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải.

Chính phủ và Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xác định, từ năm 2020 – 2023, Việt Nam sẽ xảy ra thiếu điện nghiêm trọng. Nếu các dự án trong Quy hoạch Điện VII (hiệu chỉnh) tiếp tục bị chậm tiến độ, sẽ dẫn tới việc thiếu điện sẽ tiếp tục đến năm 2030, kéo theo tình hình kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Điện gió ngoài khơi đang được quan tâm

Tại Hội thảo ThangLong Wind - Sự cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam do Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cùng Tập đoàn Enterprize Energy tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nguồn thủy điện không còn khả năng phát triển; nhiệt điện than, khí không được khuyến khích đầu tư, các dự án điện hạt nhân đã tạm dừng, thì việc sớm bổ sung các dự án điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có tiềm năng khai thác vào Quy hoạch phát triển điện Quốc gia là vô cùng cần thiết.

Làm điện gió ngoài khơi: Lợi ích đi cùng lợi thế - Ảnh 1
Hội thảo về dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind.

Với lợi thế là quốc gia có bờ biển dài, tiềm năng gió cực lớn với tổng công suất gió ước tính đạt khoảng 513.360MW, nhưng hiện nay Việt Nam mới chỉ đưa vào một số dự án điện gió với tổng công suất hơn 300 MW, khá chậm so với mức 800MW vào năm 2020 được đưa ra trong Quy hoạch Điện VII (hiệu chỉnh).

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - ông Trần Viết Ngãi nhận định, sau điện mặt trời, điện gió trong những năm tới sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian gần đây, xu hướng phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi đang rất được quan tâm.

Ông Ngãi cũng cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã đồng ý chủ trương cho Tập đoàn Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió ThangLong Wind - khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận với công suất 3.400MW, tổng số vốn lên đến 11,9 tỉ USD. Hiện nay, nhà đầu tư đã hoàn thành lập quy hoạch điện lực bổ sung, trình Bộ Công Thương thẩm định.

“Dự án điện gió ThangLong Wind nếu được triển khai thành công, ngoài việc góp phần bù đắp nguồn năng lượng thiếu hụt của Việt Nam còn cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Chính phủ cần xem xét, bổ sung các dự án điện gió có tiềm năng khai thác vào quy hoạch phát triển điện quốc gia, tạo thuận lợi cho dự án bước vào giai đoạn ký kết các hợp đồng điện và đầu tư, giúp phân định rõ việc đầu tư hệ thống truyền tải điện, đường dây, các trạm điện...”, ông Ngãi nêu rõ.

Làm điện gió ngoài khơi: Lợi ích đi cùng lợi thế - Ảnh 2
Ông Ian Hatton, Chủ tịch tập đoàn Enterprize Energy.

Các chuyên gia năng lượng cũng nhận định, sau các dự án điện gió ở Sóc Trăng, Bạc Liêu,… dự án ThangLong Wind tại tỉnh Bình Thuận sẽ là dự án có tiềm năng rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, việc xây dựng dự án điện gió ngoài khơi sẽ tránh lãng phí diện tích đất đai rất lớn, lại không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống, an sinh xã hội của người dân vùng dự án.

Theo ông Hà Lê Thanh Chung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh Bình Thuận ủng hộ và thống nhất về chủ trương bổ sung Dự án điện gió ThangLong Wind, tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.

“Việc đầu tư dự án điện gió ngoài khơi là phù hợp với định hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh Bình Thuận trong Đề án “Trung tâm năng lượng Bình Thuận”, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Dự án điện gió ThangLong Wind vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia”, ông Chung cho biết.

Còn trở ngại ở hợp đồng mua bán điện

Cùng với việc giải quyết bài toán năng lượng lâu dài cho quốc gia, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi và kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà thầu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Khi triển khai dự án còn có thể tận dụng công nghệ và thiết bị xây dựng trong nước, góp phần chuyển giao, bổ sung chiến lược và lao động hiện có của các ngành vận tải biển và cảng, thăm dò và khảo sát biển.

Đại diện liên danh Vietsovpetro & PVC- MS cho biết, dự án nếu thành công sẽ tối ưu hoá nguồn nội lực của Việt Nam về các ngành công nghiệp thiết kế, gia công, chế tạo với kỳ vọng sử dụng từ 6 - 8,3 tỉ USD vốn đầu chi cho các nhà thầu tại Việt Nam trong quá trình khảo sát, thiết kế, gia công, chế tạo,… có khả năng tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 600 triệu USD cho các nhà thầu Việt Nam trong quá trình vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng.

“ThangLong Wind là dự án sẽ có tỉ lệ nội địa hoá lên đến 50%, điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn. Trong đó, Vietsovpetro & PVC- MS có nhiệm vụ đảm nhiệm toàn bộ phần công việc thiết kế thi công, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt các chân đế ngoài khơi và các phần việc khác liên quan mà liên danh này có thể đảm nhận được” ông Vũ Mai Khanh, Phó Tổng giám đốc VietsovPetro cho hay.

Làm điện gió ngoài khơi: Lợi ích đi cùng lợi thế - Ảnh 3
Đại diện các Bộ, ngành góp ý kiến về dự án.

Theo thông tin từ Tập đoàn Enterprize Energy, dự án ThangLong Wind sẽ có vốn đầu tư toàn bộ dự án khoảng 11,9 tỉ USD; trong đó khoảng 70-75% vốn vay, còn lại 25-30% là vốn đối ứng.

Dù đồng tình với việc cần sớm đưa dự án này vào Quy hoạch vì tính hiệu quả kinh tế, song nhiều chuyên gia cũng lưu ý, với số vốn vay khoảng hơn 8 tỉ USD, đây sẽ là con số không dễ để các nhà đầu tư thu xếp trong bối cảnh đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch HĐKH Hiệp hội năng lượng Việt Nam khuyến cáo, nhà đầu tư cần tính tới việc chi phí đầu tư sẽ bị tăng lên do nhiều yếu tố phát sinh trong quá trình triển khai thi công. Đặc biệt là việc thu xếp nguồn vốn vay chủ yếu từ nguồn của ngân hàng nước ngoài.

Đại diện Ngân hàng Societe Generala tại Việt Nam, đơn vị thực hiện tư vấn, thu xếp vốn vay của dự án cho biết, ở Việt Nam số lượng các dự án năng lượng tái tạo hiện vẫn còn rất nhỏ. Hơn nữa, việc thu xếp vốn cho các dự án điện sạch ở Việt Nam vẫn còn gặp trở ngại ở hợp đồng mua bán điện PPA, truyền tải...

“PPA quy định trọng tài tại Việt Nam, trong khi các chủ đầu tư và Ngân hàng quốc tế lại muốn thực hiện theo thông lệ quốc tế. Khi đầu tư xây dựng dự án, ngồn vốn được tính theo USD, nhưng chủ đầu tư nhận về lại là tiền Việt Nam. Do vậy, PPA phải được sớm chuẩn hoá, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và được các tổ chức tài chính chấp nhận”, đại diện ngân hàng Societe Generala băn khoăn.

Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương): Hiện Bộ Công Thương đã nhận được đề nghị của địa phương và chủ đầu tư về dự án ThangLong Wind. Bộ đang tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, trong đó có cả tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam... sau khi tổng hợp các ý kiến sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ trong thời gian tới.

Làm điện gió ngoài khơi: Lợi ích đi cùng lợi thế - Ảnh 4
Bạn đang đọc bài viết Làm điện gió ngoài khơi: Lợi ích đi cùng lợi thế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới