Thứ sáu, 26/04/2024 20:08 (GMT+7)
Thứ ba, 16/03/2021 09:46 (GMT+7)

Lai Châu: Rừng nghiến bị chặt hạ, kiểm lâm lập biên bản xong thì mất gỗ

Theo dõi KTMT trên

Trong lúc Hạt Kiểm lâm huyện và UBND xã Phìn Hồ làm thủ tục để vận chuyển về nơi tạm giữ thì toàn bộ số cây gỗ nghiến có tuổi đời hàng trăm năm bị các đối tượng tẩu tán mất.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép ở xã Phìn Hồ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), UBND tỉnh Lai Châu đã có Công văn số 27/UBND – KTN về việc kiểm tra, xác minh, xử lý. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu cũng có Công văn số 39/SNN – KL yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Lai Châu báo cáo sự việc.

Liên quan đến sự việc trên, ông Đỗ Văn Bình, Phó Hạt trưởng Phụ trách Hạt Kiểm Lâm huyện Sìn Hồ cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ đã có Báo cáo số 06/BC – HKL xác minh thông tin về tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép ở xã Phìn Hồ.

Theo nội dung báo cáo, tình hình khai thác gỗ nghiến trái phép trên địa bàn xã Phìn Hồ diễn ra hết sức phức tạp, chủ yếu trên địa bàn các bản Seo Lèng 1, Seo Lèng 2 và bản Tà Ghênh. Có tổng cộng 7 cây gỗ nghiến bị chặt phá, trong đó có 2 cây (cây số 01 và 06) thuộc lô 18, khoảnh 2, tiểu khu 117; 5 cây (cây số 2,3,4,5,7) thuộc lô 34, khoảnh 11, tiểu khu 103. Các cây này được Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ và UBND xã Phìn Hồ phát hiện bị chặt phá và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 30/8/2020 đến ngày 12/12/2020.

Lai Châu: Rừng nghiến bị chặt hạ, kiểm lâm lập biên bản xong thì mất gỗ - Ảnh 1
Hàng loạt gốc cây gỗ nghiến trăm tuổi trên địa bàn xã Phìn Hồ, Sìn Hồ bị chặt phá. 

Trong lúc các cơ quan chức năng lập hồ sơ vi phạm, làm thủ tục thuê người xẻ để vận chuyển tang vật về trụ sở cơ quan chức năng để tạm giữ thì 5 trong tổng số 7 cây gỗ nghiến bị các đối tượng lâm tặc xẻ trộm, đưa đi tiêu thụ trót lọt. Một cây được đưa về trụ sở UBND xã Phìn Hồ tạm giữ. Riêng cây số 7 vẫn còn nguyên, chưa bị chặt hạ, mới chỉ bị các đối tượng lâm tặc cắt một phần rễ.

Theo lý giải của Hạt kiểm lâm huyện Sìn Hồ về việc để các đối tượng lâm tặc xẻ trộm cây trong thời gian chờ Hạt kiểm lâm huyện Sìn Hồ và UBND xã Phìn Hồ thuê người xẻ do nhiều cây bị chặt hạ ở xa, không tập trung, điều kiện đi lại còn khó khăn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ thì toàn bộ 7 cây gỗ nghiến có tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm bị các đối tượng lâm tặc chặt phá đều do UBND xã Phìn Hồ quản lý, giao cho cộng đồng các bản Seo Lèng 1, Seo Lèng 2, Tà Ghênh quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Lai Châu: Rừng nghiến bị chặt hạ, kiểm lâm lập biên bản xong thì mất gỗ - Ảnh 2
Những cây nghiến trăm tuổi nằm trong khu vực rừng được bảo vệ, chi trả tiền DVMTR.

Cũng theo báo cáo nói trên, khu vực rừng bị chặt phá nằm trong khu vực rừng phòng hộ thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Sìn Hồ và UBND xã Phìn Hồ quản lý. Hiện tại giao cho cộng đồng bản Seo Lèng 2 và Tà Ghênh quản lý và hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Tổng số tiền Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Sìn Hồ và UBND xã Phìn Hồ chi trả cho bà con 2 bản hàng năm khoảng 1,2 tỉ đồng để quản lý bảo vệ 1.217,87 hecta rừng.

Về công tác tuần tra kiểm soát lâm sản: Trong thời gian từ ngày 1/8 – 31/12/2020 cán bộ Kiểm lâm địa bàn xã Phìn Hồ đã tổ chức được 43 cuộc họp bàn với 2.278 lượt người tham gia; tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng được 92 lượt.

Trước đó, trả lời báo chí về tình trạng phá rừng trên địa bàn ông Đỗ Văn Bình, Phó hạt trưởng Phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ thừa nhận có sự việc khai thác trái phép gỗ nghiến tại đây nhưng lại đổ lỗi cho lực lượng mỏng nên dẫn đến tình trạng khai thác trái phép như vậy (!?)

Lai Châu: Rừng nghiến bị chặt hạ, kiểm lâm lập biên bản xong thì mất gỗ - Ảnh 3
Theo ông Đỗ Văn Bình, Phó hạt trưởng Phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ do lực lượng mỏng nên để xảy ra tình trạng khai thác trái phép gỗ nghiến trên địa bàn.

“Hạt đã nắm bắt tình hình và đó là điểm nóng của huyện về tình trạng khai thác gỗ nghiến làm thớt. Người dân lợi dụng trời mưa đêm tối để khai thác, mỗi tối cắt khoảng độ 4 đến 5 cái. Về số lượng cây thì chỉ có 5 cây. Trạng thái rừng một số là rừng sản xuất và một số là rừng phòng hộ, khai thác chủ yếu làm thớt chứ không phải làm nhà, cứ nhỏ lẻ nên rất khó xử lý”, ông Bình nói.

Trái ngược với những lời thanh minh của ông Đỗ Văn Bình, khi thâm nhập thực tế hiện trường không chỉ bắt gặp hàng chục gốc gỗ nghiến với khối lượng lớn, phóng viên còn nghe tiếng cưa gầm rú giữa ban ngày của lâm tặc xẻ gỗ. Nhưng kiểm lâm lại cho rằng đối tượng chỉ lén lút khai thác vào ban đêm làm "vài ba cái thớt" nên rất khó xử lý? Nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan như thế nào?

Chặt phá rừng là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, môi trường môi sinh bị ô nhiễm, lũ lụt, cháy rừng… Nạn chặt phá rừng cũng là nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái, bão, lũ quét, sạt lở đất, dịch bệnh phát sinh. Mùa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng, trở thành mối đe hoạ nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế nước nhà.

Theo báo cáo của Tổ chức FAO, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ, cháy rừng. Thống kê trong số hàng chục vụ cháy rừng gần đây, trong đó có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Mùa A Vảng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người dân ở những địa bàn không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là nhiều nơi ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên thay cho chi phí trồng rừng để người dân có trách nhiệm tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Nơi nào để xảy ra cháy rừng thì giảm trừ tiền hỗ trợ, khi đó người dân tự thấy việc tham gia phòng, chống cháy rừng là bảo vệ đời sống của họ.

Hà Cường

Bạn đang đọc bài viết Lai Châu: Rừng nghiến bị chặt hạ, kiểm lâm lập biên bản xong thì mất gỗ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới