Khám phá rừng tràm, đất than bùn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng
Hoạt động khám phá rừng tràm giúp du khách tìm hiểu về nguồn gốc và đời sống cây tràm của Vườn Quốc gia U Minh Thượng; tìm hiểu sự phục hồi đa dạng sinh học và rừng tràm sau vụ cháy năm 2002.
Để từng bước đưa du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương, trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, Vườn Quốc gia U Minh Thượng tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Hoàng Chịa - Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường (Vườn Quốc gia U Minh Thượng) cho biết để từng bước nâng chất lượng hoạt động du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu khoa học, giáo dục, Vườn Quốc gia U Minh Thượng tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp.
Trước hết là hoạt động khám phá rừng tràm, giúp du khách tìm hiểu về nguồn gốc và đời sống cây tràm của Vườn Quốc gia U Minh Thượng; tìm hiểu và nghiên cứu sự phục hồi đa dạng sinh học và rừng tràm sau vụ cháy rừng năm 2002, những khu rừng tràm phục hồi bằng tái sinh tự nhiên; tìm hiểu, tham quan các sinh cảnh rừng tràm; khám phá các sinh cảnh phân bố động vật rừng...
Bên cạnh đó là khám phá đất than bùn U Minh. Vườn Quốc gia U Minh Thượng hiện là một trong số ít nơi còn tồn tại đất than bùn ở Nam Bộ và của Việt Nam. Sự tồn tại của đất than bùn ở rừng tràm là một quá trình kỳ diệu về phân hóa tự nhiên và chống chọi với lửa rừng, đến nay vẫn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học và con người.
Trên đất than bùn còn sót lại những cảnh quan tự nhiên của rừng U Minh xưa với những cây tràm cổ thụ, đường nước cổ, dòng nước đỏ của vùng U Minh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Chịa, trung tâm cũng kết hợp hoạt động giáo dục truyền thống với tham quan cộng đồng dân cư địa phương. Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Bộ Văn hóa đã công nhận Di tích lịch sử căn cứ U Minh Thượng ở huyện An Biên, An Minh và huyện Vĩnh Thuận.
Với chức năng là mẫu chuẩn quốc gia về hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất than bùn, Vườn Quốc gia U Minh Thượng là nơi duy nhất ở Việt Nam có hệ sinh thái này. Đây là điều kiện thuận lợi để Trung tâm kết hợp hoạt động du lịch với nghiên cứu khoa học.
Vườn quốc gia U Minh Thượng xây dựng các điểm đến theo hình thức trải nghiệm với các hoạt động truyền thống mang đậm những nét đặc trưng của người dân Nam Bộ như canh tác lúa nước, đánh bắt cá truyền thống, gác kèo ong, làm bánh truyền thống, làm các đồ dùng sinh hoạt truyền thống...
Vườn cũng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng homestay trong vùng đệm để du khách khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa theo phương châm 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm," qua đó tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của người dân vùng đệm và du khách; tạo ra sự giao lưu văn hóa, phong tục tập quán giữa người dân vùng đệm và các quốc gia khác nhau.
Những loại hình và sản phẩm du lịch này sẽ góp phần khai thác các giá trị về đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường của rừng ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng và vùng đệm để góp phần thực hiện chiến lược phát triển du lịch và quy hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh Kiên Giang.
Năm 2020, Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường đón 43.202 lượt khách đến tham quan, đạt 61,17% kế hoạch.
Lê Sen