Chủ nhật, 28/04/2024 01:20 (GMT+7)
Thứ hai, 21/08/2023 06:51 (GMT+7)

Rừng Amazon - “Lá phổi xanh của Trái Đất” đang kêu cứu

Theo dõi KTMT trên

Được ví là “lá phổi xanh của Trái Đất” song những năm gần đây, rừng Amazon liên tục bị tàn phá bởi nạn phá rừng, khai thác khoáng sản tràn lan, đốt rừng để làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.

Rừng Amazon - “Lá phổi xanh của Trái Đất” đang kêu cứu - Ảnh 1

Lần đầu tiên sau 14 năm, Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon (ACTO) của các quốc gia Nam Mỹ có chung lưu vực sông Amazon đã họp hội nghị thượng đỉnh tại Brazil.

Trước tình trạng nạn phá rừng đang đẩy khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới đến gần "điểm tới hạn," ACTO đã nhất trí thành lập liên minh chống phá rừng ở Amazon.

Hội nghị lần này cũng được coi là sự kiện "tổng duyệt" cho các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc mà Brazil dự kiến đăng cai vào năm 2025.

Rừng Amazon - “Lá phổi xanh của Trái Đất” đang kêu cứu - Ảnh 2

Rừng rậm nhiệt đới Amazon có diện tích gần 7 triệu km2, trải dài trên lãnh thổ của 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname, trong đó phần lớn diện tích rừng nằm trên lãnh thổ của Brazil.

Đây là nơi sinh sống của 50 triệu người và nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động, thực vật khác nhau - chiếm khoảng 10% đa dạng sinh học của Trái Đất.

Amazon có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2, giúp giảm sự ấm lên của Trái Đất. Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất và hấp thu 26.000 tấn vật chất gây ô nhiễm không khí mỗi năm.

Rừng Amazon - “Lá phổi xanh của Trái Đất” đang kêu cứu - Ảnh 3

Được ví là “lá phổi xanh của Trái đất” song những năm gần đây, rừng Amazon liên tục bị tàn phá bởi nạn phá rừng, khai thác khoáng sản tràn lan, đốt rừng để làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc... Nhiều diện tích bị xóa sổ, đẩy một số loài động vật, thực vật quý hiếm vào nguy cơ tuyệt chủng.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science, các nhà khoa học từ Đại học Louisiana Lafayette cho biết, rừng Amazon bị tàn phá nghiêm trọng hơn nhiều so với những số liệu được thống kê trước đây.

Nạn phá rừng tại Brazil, quốc gia chiếm 60% diện tích Amazon, tăng vọt trong giai đoạn 2019-2022. Dù Brazil đã ghi nhận tình trạng phá rừng Amazon giảm mạnh (hơn 66%) trong tháng Bảy vừa qua, thời gian "cao điểm" diễn ra tình trạng phá rừng, so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, trái với diễn biến tích cực này, diện tích trảng cỏ Cerrado đa dạng sinh học ở phía Nam Amazon bị phá trong tháng 7 lên đến 612km2, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích thảm thực vật nhiệt đới này bị tàn phá trong 12 tháng qua đã tăng lên mức cao kỷ lục 6.359km2.

Cũng theo báo cáo hơn 1/3 rừng nhiệt đới Amazon đã bị suy thoái do hoạt động của con người và hạn hán.

Các nhà khoa học đã xem xét những tác động của các vụ cháy rừng, hoạt động khai thác gỗ, hạn hán và thay đổi môi trường sống dọc theo ranh giới rừng.

Rừng Amazon - “Lá phổi xanh của Trái Đất” đang kêu cứu - Ảnh 4
Khói bốc lên từ hiện trường cháy rừng Amazon ở Apui, bang Amazonas, Brazil, ngày 27/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nghiên cứu cho thấy các vụ cháy rừng, khai thác gỗ và thay đổi môi trường sống dọc theo ranh giới rừng đã làm suy giảm ít nhất 5,5% diện tích rừng Amazon còn lại, tương đương 364.748km2, từ năm 2001 đến 2018. Tuy nhiên, nếu tính cả tác động của hạn hán, diện tích rừng Amazon bị suy thoái tăng lên 2,5 triệu km2, tương đương 38% diện tích rừng Amazon còn lại.

Hạn hán khắc nghiệt cũng ngày càng trở nên thường xuyên ở Amazon do thay đổi sử dụng đất và biến đổi khí hậu do con người gây ra, ảnh hưởng đến tỷ lệ cây chết, tỷ lệ cháy rừng và lượng phát thải carbon vào khí quyển gây hậu quả thảm khốc cho khí hậu.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh các vụ cháy rừng gia tăng trong những năm hạn hán và nguy cơ xảy ra những vụ cháy rừng sẽ lớn hơn nhiều trong tương lai.

Các nhà khoa học cảnh báo, rừng Amazon có nguy cơ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn bị suy thoái và biến đổi do nạn chặt phá rừng trong khu vực cùng với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Những thay đổi này đang diễn ra quá nhanh khiến các loài động, thực vật, người dân và hệ sinh thái ở Amazon không kịp thích nghi. Do vậy, cần phải ban hành ngay các chính sách nhằm ngăn chặn hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Trước lời kêu cứu khẩn thiết từ “Lá phổi xanh của Trái đất”, Hội nghị thượng đỉnh ACTO nhóm họp vào ngày 8 và 9/8 tại thành phố Belem, miền Bắc Brazil.

Rừng Amazon - “Lá phổi xanh của Trái Đất” đang kêu cứu - Ảnh 5

Tại hội nghị, 8 nước thành viên ACTO, gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela, đã thảo luận về vấn đề bảo tồn rừng và an ninh dọc khu vực biên giới giữa các nước, đồng thời đề ra các dự án tái tạo khoảng 30 triệu hecta rừng.

8 quốc gia khu vực Nam Mỹ đã nhất trí thành lập liên minh chống phá rừng ở Amazon, cam kết ngăn chặn không để khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới rơi vào tình trạng bị tàn phá đến mức không thể khắc phục được.

Rừng Amazon - “Lá phổi xanh của Trái Đất” đang kêu cứu - Ảnh 6

Hội nghị đã thông qua "chương trình nghị sự chung mới và đầy tham vọng", theo cách mô tả của nước chủ nhà Brazil, nhằm cứu khu rừng Amazon.

Cụ thể, 8 nước thành viên ACTO, đã ký tuyên bố chung, trong đó vạch ra lộ trình thúc đẩy phát triển bền vững, chấm dứt nạn phá rừng, chống tội phạm có tổ chức. Tuyên bố cũng khẳng định các quyền của người bản địa, đồng thời nhất trí hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước, sức khỏe, quan điểm đàm phán chung tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu.

Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định hội nghị vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu mạnh mẽ nhất của các nhà môi trường và các nhóm bản địa, trong đó có yêu cầu tất cả các nước thành viên nhất trí và làm theo cam kết của Brazil chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, hay đề xuất của Colombia về ngừng tất cả hoạt động thăm dò và khai thác dầu mới.

Chi phí cũng là một trong những bài toán khó trong nỗ lực tiếp thêm sức sống cho rừng Amazon. Nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới và Ủy ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu cho thấy, để bảo vệ và biến Amazon thành động lực tăng trưởng kinh tế bền vững, Brazil cần đầu tư khoảng 533 tỷ USD từ nay đến năm 2050.

Trong bối cảnh đó, tại hội nghị, Chính phủ Colombia kêu gọi cần xem xét lại nền kinh tế toàn cầu, kêu gọi đưa ra chiến lược kiểu "Kế hoạch Marshall", trong đó xóa nợ cho các nước đang phát triển để đổi lấy hành động bảo vệ khí hậu.

Dù hành trình giải cứu rừng Amazon còn dài và nhiều chông gai, song sự chung tay, góp sức của các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon (ACTO) đã thúc đẩy các nỗ lực cùng hành động để bảo tồn rừng nhiệt đới này và thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực đang bị đe dọa.

Rừng Amazon - “Lá phổi xanh của Trái Đất” đang kêu cứu - Ảnh 7

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Rừng Amazon - “Lá phổi xanh của Trái Đất” đang kêu cứu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

10 dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023
Khép lại năm 2023, trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật.

Tin mới