Lâm Đồng: Giải pháp nào để cứu “lá phổi xanh” ngưng chảy máu
Trong những năm gần đây, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị suy giảm do hoạt động vi phạm lâm nghiệp. Việc mất rừng đã gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, hệ sinh thái và tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Liên tục xảy ra những vụ việc phá rừng
Thời gian gần đây, ngành chức năng các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đã liên tục phát hiện các vụ phá hoại rừng nghiêm trọng. Điển hình, ngày 15/7, trên địa bàn xã Đạ Chais xảy ra 1 vụ phá rừng trái pháp luật nghiêm trọng tại lô a1, khoảnh 2, tiểu khu 124, lâm phần do Vườn Quốc Bidoup - Núi Bà quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định có 54 cây thông 3 lá (nhóm IV) đã bị cưa hạ có khối lượng lâm sản thiệt hại là 29,456 m3 trên tích rừng bị phá 3.345 m2, thuộc đối tượng rừng đặc dụng. Bước đầu xác định đối tượng vi phạm ông Sơ Kết Ha Hùng (72 tuổi, ngụ xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương).
Sau khi xem xét báo cáo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Bidoup - Núi Bà khẩn trương phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan huyện Lạc Dương tổ chức khám nghiệm, theo dõi và kiểm tra hiện trường, xem xét khởi tố vụ án hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành; đồng thời, truy tìm thêm các đối tượng vi phạm liên quan nếu có để củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cũng trong tháng 7, tại Khoảng 6, Tiểu khu 438A rừng cộng đồng thuộc xã Lạc Dương, huyện Bảo Lâm cũng xảy ra một vụ triệt phá thông 3 lá bằng nhiều hình thức. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định có 28 cây thông bị cưa hạ, tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại là hơn 8,2 m3. Trong đó, có 8 cây thông bị đốn hạ tại hiện trường và cưa thành 65 lóng rồi chôn lấp phi tang, với khối lượng lâm sản thiệt hại là 2,502 m3; có 20 cây thông 3 lá bị ken gốc, khoan lỗ, chặt rễ nổi của cây đổ hóa chất cho cây chết dần, với khối lượng gỗ bị thiệt hại ban đầu là 5,729 m3.
Để điều tra, làm rõ vụ phá rừng, cơ quan CSĐT Công an huyện Bảo Lâm phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân và Hạt Kiểm lâm huyện khám nghiệm hiện trường, thu giữ đồ vật, tài liệu liên quan; đồng thời, làm việc với những người có liên quan để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, cơ quan Công an huyện và các đơn vị liên quan đang tiếp tục củng cố hồ sơ, điều tra, đấu tranh để truy tìm đối tượng đã gây ra các hành vi phá rừng xảy ra tại khu vực nêu trên để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Gần đây nhất, ngày 5/8, trong quá trình tuần tra quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng chức năng TP Đà Lạt phát hiện vụ phá rừng trái pháp luật tại khu vực khoảnh 2, tiểu khu 163, lâm phần nằm trên địa bàn xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt). Thời điểm phát hiện rừng thông bị cưa hạ, lực lượng chức năng đã lập biên bản hiện trường, ghi nhận 13 cây thông 3 lá đường kính gốc từ 35 - 40cm, cao 15m bị cưa hạ, cắt khúc, lăn xuống khe núi rồi đốt phi tang. Mở rộng kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cạnh khu vực rừng bị phá 50m có một lán trại bằng gỗ rộng 9m2, bên trong có 2 cưa điện và 1 cưa xăng, 1 búa bổ củi, nhưng chưa xác định được chủ nhân của số thiết bị, vật dụng này… Chỉ một ngày sau, cơ quan công an TP Đà Lạt đã bắt được đối tượng tình nghi Nguyễn Đình Hùng (SN 1969, quê Nghệ An), tại cơ quan chức năng, ông Hùng đã khai nhận là người cưa hạ trái phép 13 cây thông tại khu vực trên để lấy đất. Cơ quan chức năng TP Đà Lạt hiện đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi phá hoại rừng để xử lý nghiêm theo quy định.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 7/2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện 27 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 4 vụ (tăng 17,4%); diện tích thiệt hại 5,52 ha, tăng 2,9 ha, lâm sản thiệt hại 210,5 m3, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, phát hiện 159 vụ vi phạm, giảm 146 vụ (giảm 48%); diện tích thiệt hại 28 ha, tăng 9,3 ha (tăng 49,7%); lâm sản thiệt hại 784 m3, giảm 5,72 m (giảm 7,3%) so với cùng kỳ. Tổng số vụ đã xử lý 135 vụ, trong đó xử lý hành chính 117 vụ, xử lý hình sự 18 vụ; tịch thu 239 m3 gỗ tròn, xẻ các loại; thu nộp ngân sách hơn 1.898 triệu đồng.
Giải pháp nào để giữ gìn “lá phổi xanh”?
Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2018 đến hết Quý I/2022, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, xử lý 2.856 vụ vi phạm; diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn này là 204,21 ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại do phá rừng là 12.240,5 m3; đã phát hiện, lập hồ sơ 1.410 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 431,8 ha.
Trước thực trạng nạn phá rừng có chiều hướng ngày càng phức tạp, thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giữ rừng. Trong đó, hàng năm tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện những chương trình, kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Bổ sung nhân lực, tập trung đào tạo chuyên môn, trang bị thiết bị phục vụ việc giám sát, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng chuyên trách.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được đẩy mạnh; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân vận ở cơ sở, xã hội hóa hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR tại các vùng dân cư sinh sống gần rừng; vận động để các cấp, các ngành và nhân dân hiểu rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng yếu; phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết, nghiêm minh đúng pháp luật các hành vi vi phạm, phải tập trung chỉ đạo thực hiện thường xuyên.
Thực hiện rà soát, giám sát, đánh giá thường xuyên đối với việc chuyển nhượng đất rừng, các dự án thuê môi trường rừng, kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, làm mất rừng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng sẽ phải lập tức tổ chức kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời các vụ việc; làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng vi phạm, nhất là những cán bộ thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay các vi phạm.
Phân công theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện hàng tháng, quý, năm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp; đồng thời, biểu dương, khen thưởng và xử lý các địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu để xảy ra vi phạm theo quy định của pháp luật,….
Rừng cần phải được đặt đúng vị trí quan trọng vốn có
Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về những giải pháp để bảo vệ rừng trong thời gian tới, PGS. TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: “Rừng cần phải được đặt đúng vị trí quan trọng vốn có, bởi rừng liên quan đến việc biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, tôi đề nghị các tỉnh, địa phương có rừng rà soát một cách nghiêm chỉnh, để có thống kê, phân loại chính xác hiện trạng để báo cáo thực với Chính phủ.
Nên có đánh giá về diện tích rừng bị mất theo từng giai đoạn, công bố công khai số liệu các vụ việc, nguyên nhân bị mất rừng, công tác quản lý, kết quả xử lý các vụ vi phạm để thể hiện sự nghiêm túc trong việc quản lý, bảo vệ rừng của từng địa phương.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách cho những lực lượng bảo vệ rừng. Cụ thể, đối với lực lượng bảo vệ rừng (ngành kiểm lâm – PV), người dân trồng rừng phải đảm bảo được cuộc sống cho họ, phải có chế độ để họ gắn bó, yên tâm giữ rừng, trồng rừng và yêu rừng.
Ngoài ra, cần kịp thời tuyên dương, khen thưởng đối với những địa phương, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ rừng. Bởi vì, ngoài vật chất thì câu chuyện tinh thần đối với những người trồng rừng, giữ rừng là rất quan trọng. Ngược lại, nếu địa phương nào chưa làm tốt công tác bảo vệ rừng, xảy ra mất rừng cần phải công khai danh tính, xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ tất cả những cơ sở chế biến gỗ, xem nguồn nguyên liệu được nhập từ đâu, nhập như thế nào? Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm hoặc đang tiêu thụ gỗ không rõ nguồn gốc từ rừng cần phải xử lý nghiêm. Đồng thời, cơ quan chức năng phải giám sát chặt những cơ sở chế biến gỗ, thực hiện kiểm tra đột xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ phải có nguồn gốc rõ ràng. Có như vậy thì nạn phá rừng mới được đẩy lùi”.
Thanh Tùng