Kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV: Cho ý kiến 2 dự thảo Nghị quyết
Sáng 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết phát triển thành phố Cần Thơ.
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 7/1, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, cụ thể như: Tăng bội chi ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; trong đó năm 2022 khoảng 102.800 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua).
Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.
Thảo luận tại tổ về nội dung này, đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là những chính sách bổ sung ngoài khung khổ của chính sách tài chính tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, kế hoạch tài chính, kế hoạch vay trả nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm của giai đoạn 2021-2025; đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề của dịch COVID-19.
Đối với nền kinh tế, gói tài khóa tiền tệ này nhằm mục đích kích thích và tạo sự đột phá, giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn cũng như không để lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế của thế giới.
Cơ quan thẩm tra nội dung này là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị xác định rõ và bổ sung quan điểm: Việc nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách Nhà nước để chi đầu tư phát triển; Nguồn lực đưa ra phải hấp thụ được ngay trong 2 năm triển khai Chương trình (2022-2023)...
Nội dung này sẽ được các đại biểu thảo luận đến 15h30 cùng ngày. Tại phiên thảo luận, thành viên Chính phủ có liên quan sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thời gian còn lại của phiên làm chiều, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Dự thảo Nghị quyết bao gồm các nội dung về: quản lý tài chính-ngân sách Nhà nước; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ; khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Thành phố Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (sau khi thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i, và q khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách Nhà nước, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo TTXVN/Vietnam+