Thứ sáu, 29/11/2024 11:42 (GMT+7)
Thứ năm, 24/12/2020 14:00 (GMT+7)

Kỳ 2: Giữ lấy đại ngàn

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, Tây Nguyên có tốc độ suy giảm rừng khá nghiêm trọng cả về diện tích và chất lượng. Vì vậy, để cứu lấy rừng Tây Nguyên, cần có sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, các địa phương, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm.

Xử lý nghiêm sai phạm

Chủ trương đóng cửa rừng ở Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ đưa ra từ năm 2016. Thế nhưng, rừng Tây Nguyên vẫn mất, diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Ðiều khiến dư luận băn khoăn là những năm gần đây rừng bị phá nhiều, tăng cả tính chất, quy mô và thủ đoạn nhưng ngoài những đối tượng phá rừng coi thường luật pháp, liều lĩnh, manh động…, vẫn có những đơn vị, cá nhân được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ, tái tạo, phát triển rừng lại nhận tiền hối lộ của lâm tặc, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng, xâm chiếm đất rừng, hủy hoại đất lâm nghiệp… trục lợi bất chính nhưng chưa được xử lý nghiêm.

Kỳ 2: Giữ lấy đại ngàn - Ảnh 1
Rừng thuộc địa phận xã Ia Dreh, huyện Krông Pa, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai với Ðắk Lắk bị tàn phá.

Mới đây, trong quá trình đi kiểm tra thực tế trên lâm phần của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp - thương mại Hợp Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðắk Glong, tỉnh Ðắk Nông Trần Nam Thuần phát hiện có tình trạng đưa máy cơ giới vào rừng để múc mương, ao hồ, hủy hoại đất lâm nghiệp. Ðồng chí đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, tạm giữ người và phương tiện để xử lý. Quá trình điều tra cho thấy, khi phát hiện máy cơ giới vào lâm phần của HTX dịch vụ nông nghiệp - thương mại Hợp Tiến múc mương, hủy hoại đất lâm nghiệp, hai nhân viên QLBVR có tên H.V.C. và L.V.X. đã báo cáo lãnh đạo đơn vị. Sau đó, được sự đồng ý của một lãnh đạo tên H.V.H. nên C. và X. đã trực tiếp nhận ba triệu đồng của chủ phương tiện, thỏa thuận không lập biên bản xử lý và trả phương tiện. Khi nhận tiền xong, C. và X. đem tiền về giao cho lãnh đạo tên H. Ðến khi phương tiện và người bị các cơ quan chức năng tạm giữ để xử lý, chủ phương tiện đã tố cáo hành vi của nhân viên và lãnh đạo đơn vị chủ rừng.

Ngày 28/4/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Ðồng đã khởi tố vụ án, khởi tố ba bị can, gồm: nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tỉnh Lâm Ðồng Lê Văn Minh (đã về hưu); nguyên Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Ðồng Lê Quang Nghiệp (hiện là Phó trưởng Phòng tổ chức cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Ðồng) và Chủ tịch HÐTV kiêm Giám đốc Công ty lâm nghiệp Lộc Bắc Mai Hữu Chanh, để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý rừng". Vụ việc xảy ra tại Công ty lâm nghiệp Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng do Bộ Công an chuyển giao cho Công an tỉnh Lâm Ðồng điều tra, xác minh từ năm 2017. Kết quả điều tra bước đầu xác định, ông Nghiệp (thời điểm là Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh) biết rõ trong hồ sơ dự án chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao-su tại một phần các tiểu khu 398, 418, 419 của Công ty lâm nghiệp Lộc Bắc nằm tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa đúng các quy định khác của pháp luật, nhưng vẫn tham mưu cho ông Minh (khi đó là Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Ðồng) ký quyết định cấp phép khai thác tận dụng lâm sản (đợt 4) cho công ty này. Hậu quả, diện tích rừng tự nhiên nghèo bị khai thác để chuyển sang trồng cao-su trái pháp luật hơn 75,7 ha; cấp phép khai thác lâm sản trái pháp luật, tổng trữ lượng gỗ hơn 3.509 m3. Liên quan đến việc khai thác rừng để trồng cao-su tại Công ty lâm nghiệp Lộc Bắc, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Ðồng đã bốn lần cấp phép cho đơn vị này khai thác tận thu lâm sản trên 200 ha "rừng tự nhiên nghèo" với tổng khối lượng gỗ khoảng 15.000 m3…

Ngoài những vụ việc trên, qua tìm hiểu tại các địa phương trong khu vực cho thấy, dư luận rất bức xúc trước việc nhiều chủ rừng buông lỏng công tác QLBVR và có nhiều sai phạm nhưng chưa được xử lý hoặc chỉ xử lý qua loa, hình thức, chiếu lệ. Ðơn cử như ở tỉnh Gia Lai, trong năm 2018, qua thanh tra tại 10 đơn vị QLBVR gồm bảy ban quản lý rừng và ba công ty lâm nghiệp, lực lượng chức năng phát hiện 5.100 ha rừng bị mất; hàng chục nghìn mét vuông đất được hợp thức hóa thành đất của cán bộ, nhân viên ban quản lý; hàng chục tỉ đồng ngân sách chi cho công tác QLBVR đã bị làm chứng từ khống, có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi. Cụ thể như Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Biển Hồ để mất hơn 2.400 ha rừng, sử dụng trái phép gần 95.000 m2 đất lâm nghiệp và có dấu hiệu tham nhũng, để ngoài sổ sách gần 2,5 tỉ đồng; BQLRPH Ia Grai để mất gần 400 ha rừng, gây thất thoát hơn

12 tỉ đồng, giả mạo chữ ký trong việc giao khoán trồng rừng để trục lợi gần bảy tỉ đồng; BQLRPH Ia Grai có dấu hiệu tham nhũng số tiền 16,5 tỉ đồng; BQLRPH Ðắk Ðoa bị phát hiện với số tiền chi sai hơn 5,4 tỉ đồng…

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm năm tỉnh Tây Nguyên, trong năm 2019 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xảy ra 3.299 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có hơn 840 vụ phá rừng trái phép, 449 vụ khai thác lâm sản trái phép…, làm thiệt hại hàng trăm héc-ta rừng, tịch thu hàng nghìn mét khối gỗ các loại. So với năm 2018, số vụ phá rừng trái phép ở các tỉnh đều giảm nhưng tình trạng phá rừng và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên toàn khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Chi cục trưởng Kiểm lâm vùng IV Hà Công Tài cho rằng: Xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng là do chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm và thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong khâu kiểm tra, giám sát. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và các lực lượng QLBVR chưa đồng bộ. Phần lớn các chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng được giao, nhất là các công ty lâm nghiệp. Nhiều chủ rừng chưa thực hiện hết trách nhiệm, còn buông lỏng công tác QLBVR để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn trong thời gian dài mà không có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.

Trong số diện tích rừng tự nhiên còn lại ở Tây Nguyên thì diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khá lớn, nhưng lực lượng kiểm lâm còn mỏng, công cụ hỗ trợ thiếu và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở địa phương chưa chặt chẽ... Trong khi đó, dân di cư tự do đến Tây Nguyên làm ăn, sinh sống khá lớn, thiếu đất sản xuất nên phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Do gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm, giá trị cao nên lâm tặc và các đối tượng phá rừng rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng khiến cho công tác QLBVR ở Tây Nguyên thêm khó khăn, gian khổ, thậm chí là đổ máu.

Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ðức Hòa, huyện Ðắk Song, tỉnh Ðắk Nông Lại Thế Bình chia sẻ: Hiện nay công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực và hệ lụy của các vụ việc phá rừng, xâm canh đất lâm nghiệp trước đó chưa thể giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng hoạt động chung của đơn vị. Trong nhiều vụ việc, lâm tặc manh động tổ chức lực lượng đông người chống đối lực lượng bảo vệ rừng của công ty để cướp gỗ tang vật, phương tiện vận chuyển rồi tẩu thoát nhưng đơn vị không đủ khả năng khống chế… Còn lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho rằng, diện tích rừng của tỉnh còn rất lớn, nhất là rừng tự nhiên, phân bố trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp nhưng lực lượng kiểm lâm mỏng. Thí dụ như tại huyện Ia H’Drai, một kiểm lâm địa bàn phải quản lý hơn 30.000 ha rừng. Trong khi đó, một bộ phận nhân dân ở gần rừng thiếu việc làm, nhu cầu đất sản xuất cao; giá cả các loại nông sản như cao-su, cà-phê, tiêu… sụt giảm mạnh, thu nhập không ổn định khiến người dân vào rừng khai thác lâm sản. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho lực lượng bảo vệ rừng còn thấp, chưa thu hút người lao động gắn bó với công việc. Cơ sở vật chất, phương tiện trang bị phục vụ công tác QLBVR còn thiếu; lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng còn hạn chế về nghiệp vụ điều tra, xác minh, xử lý và trấn áp tội phạm.

Cùng quan điểm này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Huân cho biết: Rừng bị phá, trách nhiệm trước hết thuộc về lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp, các ban quản lý rừng… Tuy nhiên, cũng phải thấy một vấn đề là hiện lực lượng kiểm lâm khá mỏng, trong khi diện tích rừng giao quản lý, bảo vệ khá lớn, lại nằm ở vùng sâu, vùng xa giao thông cách trở… Thu nhập thấp, áp lực công việc, nhiều cán bộ, nhân viên kiểm lâm, xin nghỉ việc cũng gây nhiều khó khăn cho ngành. Còn Giám đốc Khu BTTN Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Ðắk Lắk, Lê Ðắc Ý cho biết: Cùng với những khó khăn chung trong công tác QLBVR ở Tây Nguyên hiện nay thì tại Khu BTTN Ea Sô có những khó khăn, đặc thù riêng. Ðó là rừng của khu bảo tồn nằm giáp ranh giữa ba tỉnh nhưng công tác phối hợp tuần tra, ngăn chặn, xử lý việc phá rừng giữa các tỉnh chưa chặt chẽ và thiếu hiệu quả. Tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra tại đơn vị chưa được giải quyết.

Từ khi Khu BTTN Ea Sô được thành lập vào năm 1999 đến nay đã xảy ra 12 vụ chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên chỉ mới có một trường hợp cán bộ kiểm lâm được hưởng chính sách thương binh, các trường hợp còn lại có ba người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, tám trường hợp được kết luận không có căn cứ để xác định. Ðiều này ảnh hưởng không tốt đến tinh thần cũng như tư tưởng của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị...

5 năm trở lại đây, Tây Nguyên có tốc độ suy giảm rừng khá nghiêm trọng với tổng diện tích có rừng giảm 312.416 ha, độ che phủ của rừng giảm 5,8%, tỉ lệ rừng giàu chỉ còn 10,4%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m3 (tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng)... Công tác QLBVR bộc lộ nhiều bất cập trong hệ thống tổ chức và trách nhiệm của những đơn vị được Nhà nước giao. Vì vậy, các bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần có những quyết sách mới về công tác QLBVR, nếu không diện tích rừng ở Tây Nguyên tiếp tục bị thu hẹp.

Lý Hòa-Yên Bảo Thắng

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 2: Giữ lấy đại ngàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới