Thứ bảy, 27/04/2024 09:24 (GMT+7)
Thứ năm, 24/12/2020 07:17 (GMT+7)

Lấy đất rừng xây dựng sân golf Đắk Đoa là đi ngược với chủ trương trồng 1 tỉ cây xanh

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chủ trương trồng rừng quan trọng nhất là giữ được vốn rừng hiện có. Việc dự án sân golf Đắk Đoa lấy hàng trăm ha đất rừng là đi ngược với chủ trương trồng 1 tỉ cây xanh của Chính phủ.

Mới đây, chỉ sau hơn 1 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mục tiêu Việt Nam sẽ trồng thêm 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, UBND tỉnh Gia Lai đã cung cấp thông tin cho một số cơ quan báo chí về việc chọn Tập đoàn FLC là chủ đầu tư sử dụng khoảng 174 ha đất rừng thông để làm dự án sân golf Đắk Đoa.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, dự án sân golf Đắk Đoa đã được đưa vào quy hoạch từ năm 2009. Khi được xây dựng, đây sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch và tạo ra quỹ đất xanh, các công trình hiện đại đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe.

Lấy đất rừng xây dựng sân golf Đắk Đoa là đi ngược với chủ trương trồng 1 tỉ cây xanh - Ảnh 1
Dự án sân golf Đắk Đoa có 155,93 ha đất có rừng,18,08 ha chưa có rừng. Ảnh minh họa. 

Trong 174 ha đất thực hiện dự án có 155,93 ha đất có rừng, 18,08 ha chưa có rừng, dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỉ đồng, thời hạn thuê đất là 50 năm. Tỉnh này khẳng định việc chuyển đổi 155,93 ha rừng trồng sang thực hiện dự án sân golf không ảnh hưởng đến độ che phủ rừng chung của địa phương.

Trước đó, tháng 11/2018, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định chọn Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đắk Đoa thuộc địa bàn các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa. Đây là dự án được tỉnh Gia Lai chào đón, ủng hộ vì những lợi ích lớn trong quá trình phát triển.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế Môi trường, chuyên gia Khương Bá Tuân – Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc Thủ tướng đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh là chủ trương đúng đắn, giúp phát triển ngành lâm nghiệp, cải thiện môi trường sống. Hiện nay, việc quan trọng nhất là phải giữ được vốn rừng hiện có, không đươc phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhất là rừng đã có, rừng tự nhiên gồm rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Sau đó mới chú trọng đến việc trồng mới, nếu như không giữ được rừng thì việc trồng mới cũng không có ý nghĩa.

Lấy đất rừng xây dựng sân golf Đắk Đoa là đi ngược với chủ trương trồng 1 tỉ cây xanh - Ảnh 2
Chuyên gia Khương Bá Tuân – Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa. 

Chính vì vậy, ông Tuân kiên quyết phản đối việc dự án sân golf Đắk Đoa lấy đi hàng trăm ha đất rừng. Không chỉ dự án sân golf mà theo ông Tuân, bất cứ hành động nào phá rừng để sử dụng vào mục đích khác, kể cả việc trồng cây cũng cần phải lên án bởi đó là hành vi hủy hoại môi trường, đánh đổi kinh tế lấy môi trường.

“Dự án sân golf lấy hàng trăm ha đất rừng thì chắc chắn phải dừng lại, sẽ bị người dân phản đối. Bởi đó là vi phạm chủ trương trồng 1 tỉ cây xanh. Rừng phù hợp với việc trồng cây lâm nghiệp, cây dài ngày nhưng lại phá đi để làm sân golf phục vụ ăn chơi là không hợp lý. Việc ăn chơi, văn hóa cũng cần thiết nhưng cần phải tính toán về lợi ích lâu dài, không được đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, ông Tuân nói.

Theo ông Tuân, chủ trương trồng 1 tỉ cây xanh là công trình rất lớn sau nhiều năm Việt Nam triển khai chương trình trồng rừng quốc gia. Nếu trồng 2.000 cây/ha thì Việt Nam sẽ có được 5 triệu ha rừng từ chủ trương trồng 1 tỉ cây xanh.

Ông Tuân cho rằng, việc quan trọng cần làm trước hết là bảo vệ được vốn rừng hiện có, nhất là rừng tự nhiên. Đối với những vị trí từng có rừng nhưng đã bị tàn phá thì cần phục hồi lại và trồng đa dạng thêm bằng cách trồng đúng loại cây phù hợp với địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng.  

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Lấy đất rừng xây dựng sân golf Đắk Đoa là đi ngược với chủ trương trồng 1 tỉ cây xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới