Thứ sáu, 29/03/2024 04:07 (GMT+7)
    Thứ tư, 23/12/2020 12:59 (GMT+7)

    Thực trạng phát triển sân golf tại Việt Nam và những nguy cơ tác động đến môi trường

    Theo dõi KTMT trên

    Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cả nước hiện có khoảng 144 dự án sân golf trên 39 tỉnh, thành, có mục đích kinh doanh sân golf đã được cấp phép hoặc cấp chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện dự án.

    Thực trạng phát triển sân golf tại Việt Nam

    Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cả nước hiện có khoảng 144 dự án sân golf trên 39 tỉnh, thành, có mục đích kinh doanh sân golf đã được cấp phép hoặc cấp chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện dự án. Trong đó, kinh doanh golf thuần tuý chỉ khoảng 20 dự án, các dự án còn lại là kết hợp giữa golf-kinh doanh bất động sản và dịch vụ. Tổng diện tích đất cho các dự án này lên đến 49.000 ha, trong đó khoảng 15.000 ha dành cho sân golf, diện tích còn lại là kinh doanh bất động sản, nhà nghỉ, biệt thự, nhà hàng …

    Số liệu về quy hoạch các dự án sân golf cũng cho thấy, tổng diện tích của 9 dự án sân golf đang triển khai tại Lâm Đồng lên đến trên 4.200 ha, trong đó chưa đến 20% diện tích được dành cho sân golf, phần diện tích còn lại chủ yếu được sử dụng vào mục đích xây dựng nhà nghỉ, biệt thự cao cấp để bán và cho thuê. Nếu so sánh với năng lực các sân golf hiện có và sự phát triển của bộ môn thể thao này tại Việt Nam, thì trong khoảng thời gian 20 năm nữa, số sân golf hiện đang có vẫn đủ để phục vụ cho người chơi golf. Có thể thấy việc Chính phủ ngừng cấp phép cho các dự án sân golf là việc làm cần thiết.

    Theo thống kê sơ bộ, khu vực có số lượng sân golf nhiều nhất là Nam Trung bộ với 27 sân, kế đến là đồng bằng Bắc bộ với 25 sân, các tỉnh miền núi phía bắc – 11 sân, khu vực Tây Nguyên – 11 sân, Bắc Trung bộ - 7 sân, khu vực Tây Nam bộ có 6 sân.

    Thực trạng phát triển sân golf tại Việt Nam và những nguy cơ tác động đến môi trường - Ảnh 1
    Ảnh minh họa

    Những nguy cơ tác động tiêu cực của hoạt động sân golf đến môi trường

    Nhìn từ góc độ rộng, thì golf dường như là một môn thể thao không gây hại, thậm chí còn mang lại một nguồn lợi nhuận lớn và là phương án phát triển việc sử dụng đất, giữ nước và là nơi kết nối chặt chẽ nhiều thành phần của tự nhiên, cảnh quan sông hồ, đại dương, núi non và cả cộng đồng trong đó. Tuy nhiên, việc xây dựng các sân golf, bao gồm một số hoặc tất cả các công việc có thể gây tác động xấu đến môi trường, ví dụ như làm mất một diện tích rất lớn đất canh tác, xoá sạch lớp phủ thực vật tự nhiên, gây ra cháy rừng, huỷ hoại tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan môi trường sống, tạo ra đất và lớp cỏ ngoại lai, gây ra những biến đổi về địa hình và nguồn nước ngầm địa phương…

    Sân golf làm mất đất sản xuất

    Theo chủ trương của Chính phủ, việc cấp phép sân golf phải tuân thủ là không lấy đất nông nghiệp, đặc biệt lấy đất lúa để làm sân golf và nếu có sử dụng đất nông nghiệp thì phải là đất bạc màu (không có khả năng canh tác nông nghiệp hoặc canh tác không hiệu quả). Trên thế giới và tại các nước châu Á, sân golf thường chỉ được xây dựng ở những nơi mà đất không canh tác được, ở vùng đồi núi, thậm chí trong sa mạc. Ví dụ, Nhật Bản quy định làm sân golf rất nghiêm ngặt, đó là phải xây dựng trên sườn núi, không lấy đất có khả năng canh tác, đất rừng …

    Tuy nhiên, một thực tế là hầu hết các sân golf được quy hoạch và cấp phép triển khai tại Việt Nam đều nằm trên các vùng đất tương đối bằng phẳng, thường có sẵn cảnh quan thiên nhiên lý tưởng và các điều kiện giao thông thuận lợi nên nguy có chiếm dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp là rất cao. Cụ thể: Dự án sân golf tại xã Mỹ Phú (Thủ Thừa) là dự án được triển khai ngay tại vùng đất làm hai vụ lúa mỗi năm. Theo ông Châu Hải Ngạt, chủ tịch UBND xã Mỹ Phú thì toàn xã có 777 ha đất lúa thì bị thu hồi mất 256,3 ha để làm sân golf nên đã làm ảnh hưởng đến khoảng 600 hộ nông dân mà trước đây chỉ sống nhờ ruộng lúa. Tương tự, tại vùng lúa Hậu Giang có một dự án sân golf với diện tích 232 ha cũng đã được chính quyền địa phương chấp thuận và sân golf sẽ được xây dựng trên ngay vùng đất lúa của xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành. Sân golf Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội đã chiếm 128 ha, trong đó đất nông nghiệp là 93 ha, khiến 600 hộ gia đình mất đất, nhưng chỉ có 500 lao động địa phương được đưa vào làm việc.

    Ngoài việc mất đất trực tiếp cho triển khai các dự án sân golf, thì một phần đất lớn khác xung quanh các sân golf của người dân cũng bị chủ đầu tư ép bán luôn hoặc không có khả năng khai thác đất do việc đi lại quá khó khăn hoặc không thể đưa các công cụ sản xuất đến ruộng vườn.

    Có thể thấy, việc ồ ạt triển khai các dự án sân golf tại Việt Nam thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước đã và đang gây nên sự lãng phí tài nguyên dất, đất được sử dụng không đúng mục đích, trong khi đó giá đất đền bù cho người dân quá thấp, làm thất thoát đáng kể một nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

    Gây tác động tiêu cực tới môi trường

    Hoạt động tại các sân golf là hoạt động nhân sinh nên nguy cơ có những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, như môi trường đất, nước và không khí là điều không thể tránh khỏi. Ba loại chất hoá học được coi là “bảo bối” mà các chủ sân golf dùng để giữ màu xanh và phục hồi bề mặt cỏ sân golf chỉ trong khoảng thời gian ngắn 24 giờ là Chlorpyrifos, Diazinon và Isazofos. Điều đáng nói là tại nhiều quốc gia thì 3 nhóm hoạt chất hoá học này đều nằm trong danh mục hoá chất nhạy cảm với môi trường và sức khoẻ con người nên được khuyến cáo hạn chế sử dụng.

    Các số liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trung bình mỗi năm một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hoá chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp), trong đó axit silic, ôxít nhôm và ôxít sắt (các tác nhân có tiềm năng gây ung thư). Chất xúc tác làm cứng đất để gia cố nền và bờ các hồ nhân tạo ở sân golf có sử dụng Acrylamide là một chất cực độc đối với sinh vật và con người. Tất các các loại hoá chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm, chảy tràn khi mưa hoặc tưới sẽ đưa đến các vùng đất, nước mặt lân cận, gây nên ô nhiễm môi trường, khiến người dùng nước, nông sản có thể bị nhiễm độc và rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, khi phun hoá chất vào các thảm cỏ sân golf, một phần chúng phát tán vào môi trường không khí làm ô nhiễm không khí và nguy cơ tác động trực tiếp lên người chơi golf và công nhân làm việc trên sân golf là không thể tránh khỏi.

    Các nghiên cứu về tác động tiêu cực của sân golf đến sức khoẻ con người tại bang Florida, Hoa Kỳ cũng cho thấy việc sử dụng một số loại hoá chất độc hại chứa hàm lượng asen (thạch tín) cao trên bề mặt cỏ sân golf, với thời gian sử dụng lâu dài sẽ làm suy thoái đất và thẩm thấu vào nguồn nước ngầm đang là một hiểm hoạ đến môi trường sống. Nếu lạm dụng thái quá sẽ gây tổn hại và hiệu ứng ngược đến hệ thần kinh, kích ứng mạnh đối với con người sống trong môi trường bị ô nhiễm và nhiều loại côn trùng có lợi cho môi trường cũng sẽ bị tiệu diệt hoàn toàn.

    Theo giáo sư Samuel Epstein (Đại học Yllinois), những người chơi golf thường là nhóm có nguy cơ tổn hại cao nhất vì thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp và hấp thu những loại hoá chất và thường hay mắc các vấn đề về hệ hô hấp, tiêu hoá và da. Tiếp xúc hoá chất này trong một thời gian dài liên tục sẽ bị các triệu chứng suy giảm trí nhớ, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, nôn nao … và thậm chí còn nhiều chứng bệnh nghiêm trọng hơn như sinh con có khuyết tật bẩm sinh, tâm thần và ung thư.

    Những tác động tiêu cực của sân golf đến môi trường đất:Ngoài việc mất đất nông nghiệp, thì đất rừng cũng có nguy cơ bị chiếm dụng rất cao vì sân golf tập trung tại các khu vực thuận tiện giao thông, cảnh quan đẹp, chủ động nước tưới; việc tạo ra các thảm cỏ nhân tạo, các hồ chứa trên các dạng địa hình khác nhau nên nguy cơ làm xói mòn, lở đất rất cao. Độ dốc tự nhiên cùng mực nước ngầm sẽ bị thay đổi và hậu quả là nền đất sẽ bị suy yếu, dễ bị huỷ hoại bởi mưa gió và động đất; chế độ canh tác cỏ tại các sân golf là chế độ độc cạnh có sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng (chế độ thâm canh cao) nên khả năng đất bị thoái hoá và ô nhiễm là rất cao.

    Những tác động tiêu cực của sân golf đến tài nguyên và môi trường nước:Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, các sân golf trên thế giới sử dụng gần 9,5 tỉ lít nước/ngày, lượng nước đủ cung cấp nước uống trong một ngày cho 4,7 tỉ người (chiếm hơn 50% lượng nước uống cho toàn thể dân số thế giới). Theo kết quả khảo sát các sân golf ở Đông Nam Á, bình quân 1 sân golf 18 lỗ tiêu thụ 150.000 m3 nước sạch/ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 20.000 hộ gia đình. Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, trung bình 1 sân golf 18 lỗ ở Việt Nam ngốn 5.000 m3 nước mỗi ngày cho việc tưới và duy trì bảo dưỡng mặt sân. Lượng nước này thường được khai thác từ nguồn nước ngầm, nên sau một thời gian, việc lún đất, sụt đất do nước ngầm bị lấy đi quá nhiều, mực nước ngầm sâu hơn và ô nhiễm nước ngầm do hoá chất, phân bón từ sân golf là chuyện không thể tránh khỏi.

    Một thực trạng khác là phần lớn các dự án sân golf đã đi vào hoạt động hiện nay không có khu xử lý nước thải riêng mà thải trực tiếp ra môi trường sau khi được xử lý sơ bộ tại các hồ lắng nội bộ. Ví dụ, những sân golf đẹp như sân golf Đòi Cù-Đà Lạt, sân golf Phan Thiết cũng không được xử lý triệt để nước thải trước khi thải ra môi trường. Thường nước thải của sân golf được chảy trực tiếp ra mương thuỷ lợi, chảy tràn trên đất khi mưa cùng với một lượng lớn hoá chất là  nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng các thuỷ vực, sông suối, ao hồ các khu vực lân cận.

    Có thể nói, trong khi nhiều địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn luôn kêu rằng “đất chật, người đông” rất thiếu quỹ đất cho nhu cầu hạ tầng như bệnh viện, chung cư, trường học … thì dự án sân golf tiêu tốn hàng trăm hecta đất, giá đền bù qúa thấp, không giải quyết được bao nhiêu lao động, hiệu quả kinh tế không rõ ràng, nhiều vấn đề bức xúc về xã hội, kinh tế và môi trường vẫn tồn tại và được cấp phép tràn lan. Nên chăng cần có những chính sách quản lý nghiêm ngặt hơn trong việc chuyển đổi tài nguyên đất sang sân golf, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên nước cho sân golf, kiểm soát chặt chẽ lượng hoá chất và phân bón sử dụng trong các sân golf, cần có những đánh giá cụ thể hơn (quan trắc thường xuyên) về hiện trạng môi trường tại các sân golf đang hoạt động nhằm có những giải pháp giảm thiểu để phát triển bền vững hơn  loại hình thể thao giải trí này.

    Hy vọng rằng, các dự án sân golf ở Việt Nam sẽ phát triển một cách bền vững, đúng với bản sắc của nó và Việt Nam sẽ có những vận động viên golf như Tiger Wood, những giải golf thu hút đượcnhiều người hâm mộ trong tương lai.

    Bạn đang đọc bài viết Thực trạng phát triển sân golf tại Việt Nam và những nguy cơ tác động đến môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
    Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.