FLC và những lùm xùm xin đất rừng làm dự án
Dự án Sân golf Đắk Đoa ở tỉnh Gia Lai gần đây được dư luận đặc biệt quan tâm khi tỉnh này quyết định chọn Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm nhà đầu tư thực hiện dự án.
Được cả rừng lẫn kinh tế?
Theo đó, năm 2018, tỉnh Gia Lai phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Sân golf Đắk Đoa là Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Theo đó, dự án Dự án Sân golf Đắk Đoa (Gia Lai) tại tỉnh Gia Lai được triển khai tổng thể trên khu đất 174,01 ha, tại các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa của huyện Đắk Đoa.
Sân golf quy hoạch có 36 lỗ, tổng chi phí thực hiện dự án trên 1.142 tỉ đồng. Dự án triển khai với thời hạn thuê đất là 50 năm. Dự án trên nằm một phần khu vực rừng thông trồng khoảng từ năm 1976, trải dài rộng khoảng 500 ha.
Với việc triển khai dự án trên, nhiều người dân bày tỏ lo ngại vì sợ mất đi rừng thông quý giá.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chánh Văn phòng phụ trách UBND tỉnh Gia Lai cho biết, dự án sân golf được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đánh giá tác động môi trường là phù hợp với quy hoạch triển khai dự án.
Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, có bao nhiêu sân golf trong quy hoạch không quan trọng, vấn đề phải tính toán, dự báo được nhu cầu chơi golf của người dân, du khách nước ngoài để tránh tình trạng làm sân golf không vì mục đích kinh doanh golf.
"Thực tế trong xã hội chỉ có số ít người dân đủ điều kiện chơi golf, khách du lịch cũng chỉ có một nhóm có nhu cầu chơi golf. Vì vậy, việc cấp phép đầu tư, xây dựng sân golf ở các địa phương thời gian tới phải gắn với các khu du lịch, các điểm du lịch", ông Đính nói. Đồng thời cho rằng cần định hướng để quy hoạch sân golf phù hợp với chiến lược phát triển du lịch quốc gia.
Theo đó, việc phê duyệt xây dựng sân golf phải gắn với định hướng phát triển các khu du lịch, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, chứ không thể chạy theo đề xuất của doanh nghiệp. "Việc phát triển sân golf luôn cần quỹ đất lớn từ vài trăm ha trở lên, vì vậy phải tính toán để phát triển sân golf hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, lấn rừng, hoặc đất sản xuất của người dân địa phương", ông Đính khuyến nghị.
Còn theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, rừng thông này là rừng trồng không thuộc đất lâm nghiệp, tất nhiên không phải rừng tự nhiên. Khu vực rừng này không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.
Khi triển khai thực hiện dự án này, tỉnh Gia Lai yêu cầu nhà đầu tư cam kết không được đốn hạ cây thông mà chỉ di thực vào các vị trí hợp lý vừa tạo cảnh quan vừa không làm ảnh hưởng đến cây.
Khi thực hiện dự án thì nhà đầu tư còn phải nộp số tiền đấu giá sử dụng đất, đồng thời thực hiện việc trả tiền để trồng rừng thay thế đối với diện tích thực hiện dự án.
Có nghĩa là Gia Lai không mất rừng mà còn nhân đôi số rừng trồng lên. Không có chuyện mất rừng như dư luận quan tâm.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC xin chuyển đổi đất rừng làm dự án. Những năm qua, doanh nghiệp này đã không ít lần đưa ra đề xuất tương tự.
Hồi năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC xin nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Lý Sơn có tổng diện tích 22,75 ha.
Theo đó, trong đất liền FLC sẽ lấy phần diện tích tiếp giáp biển của ba xã Bình Hải, Bình Phú, Bình Hòa (huyện Bình Sơn) với tổng quy mô hơn 1.243 ha và sẽ phải thu hồi nhiều loại đất khác nhau cho dự án này.
Đáng chú ý là, FLC đề xuất lấy diện tích đất trồng lúa lên đến hơn 184 ha, đất rừng phòng hộ hơn 55 ha, đất ở tại nông thôn gần 86 ha, đất bằng trồng cây hàng năm hơn 502 ha, gần 1 ha đất quốc phòng...
FLC Sầm Sơn đã “lấn chiếm” bao nhiêu ha đất rừng phòng hộ?
Còn tại Thanh Hóa, đại dự án bất động sản nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC đã biến vùng đất ven biển xã Quảng Cư, TP.Sầm Sơn thành khu nghỉ dưỡng. Đi liền với đó là diện tích không nhỏ đất rừng phòng hộ cũng biến mất.
Đại dự án làm sân golf, khu resort, khách sạn, biệt thự sinh thái của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã ôm trọn vùng đất ven biển xã Quảng Cư. Số liệu của UBND xã này cho hay, tổng dự án của FLC tại Sầm Sơn là 201 ha, xã đã bàn giao cho FLC đưa vào sử dụng 140 ha của 220 hộ, chủ yếu là đất thuỷ sản và rừng phòng hộ.
Về đất rừng phòng hộ giao cho FLC, khi trao đổi với báo Lao động lúc đó, cả ông Vũ Thanh Trường - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế UBND xã Quảng Cư, cũng như ông Nguyễn Thế Thái - cán bộ địa chính xã - đều không đưa ra con số cụ thể nào. Mà chỉ nói: “Nó khoảng chừng gần 20 ha gì đó”.
Theo báo Lao động, trước đó, ngày 8/12/2014, Sở NN&PTNT Thanh Hoá đã có tờ trình số 270/TTr-Sở NN&PTNT gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang thực hiện dự án khu resort tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (cũ). Theo đó, tổng diện tích rừng phòng hộ đề nghị chuyển đổi chỉ là 11,57ha. Theo tờ trình này, đây là diện tích đất có rừng trồng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ; rừng được trồng từ 1992 - 1997 trước kia do dự án PAM 4034 tài trợ và dân tự trồng bổ sung. Cây trồng chủ yếu là phi lao.
Còn theo kết luận của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa tháng 11/2015 nêu rõ, trong việc triển khai dự án khu resort và dự án sân golf, diện tích 127.808,4 mét vuông mà FLC đã thu hồi, sử dụng (trong đó, có gần 56.000 mét vuông đất rừng phòng hộ, gần 69.000 mét vuông đất bãi biển) là diện tích không được UBND thị xã Sầm Sơn lúc đó bàn giao.
FLC Hạ Long "nuốt" 100ha đất rừng
Một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng khác là dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long cũng gây ra không ít tai tiếng. Trong đó, câu hỏi về việc dự án lấy bao nhiêu diện tích đất rừng một lần nữa được dư luận quan tâm.
Theo thông tin trên báo Dân Việt, khi dự án mới khởi công hồi tháng 3/2016, trả lời về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Hạ Long cho biết, theo quy hoạch là dự án sẽ “ăn” hơn 100 ha rừng.
Khi đó, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh (đề nghị giấu tên) cho biết: Riêng với dự án FLC, chúng tôi được chỉ đạo từ UBND tỉnh. Hiện họ đang tiến hành san gạt mặt bằng và khởi công rồi. Tuy nhiên các thủ tục đối với bên kiểm lâm chưa xong, đang trong tình trạng tạm giao, phê duyệt địa điểm lập dự án.
“Tỉnh ưu ái cho các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn FLC khởi công trước rồi hoàn thiện thủ tục sau, ngành kiểm lâm cũng chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh mà thôi” - vị này nói.
Cũng theo vị này, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đã có đề nghị Bộ NN&PTNT chuyển đổi mục đích sử dụng một số diện tích đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ nhưng chưa được Bộ NN&PTNT phê duyệt, trong đó có cả diện tích rừng đặc dụng chồng lấn với dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long.
Khả Như