Thứ sáu, 22/11/2024 15:38 (GMT+7)
Thứ hai, 18/07/2022 16:55 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mức 6,7-6,9% trong năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7 - 6,9%; lạm phát được kìm giữ.

Việt Nam liên tục cải thiện xếp hạng

Phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, 6 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến một loạt các động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt, mở đường cho một loạt xu thế mới có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới. Xung đột Nga - Ucraina kéo dài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều hàng hóa cơ bản, đồng thời kéo theo xu hướng liên minh đối đầu-trả đũa giữa các siêu cường. Mỹ đã bắt đầu giai đoạn “bình thường hóa” lãi suất nhằm ứng phó với lạm phát cao. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đi vào thực hiện, qua đó gắn kết các nền kinh tế Đông Á với đà phục hồi xuất khẩu trên diện rộng ở khu vực.

Những yếu tố trên đều có những hàm ý đối với duy trì ổn định kinh tế-ổn định xã hội và cải cách, trong khi vẫn phải thúc đẩy phục hồi kinh tế, vượt qua hiện trạng khó khăn kéo dài trong những năm trước – liên quan đến các biến thể virus corona mới, đối đầu chiến lược Mỹ - Trung Quốc, chuyển đổi số, phục hồi xanh và yêu cầu cải tổ các thể chế đa phương.

Kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mức 6,7-6,9% trong năm 2022 - Ảnh 1
Kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mức 6,7-6,9% trong năm 2022. (Ảnh minh hoạ)

Từ đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Cùng với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, tỷ lệ bao phủ vaccine được cải thiện và số ca nhiễm liên tục giảm, các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh đã dần được dỡ bỏ. Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và nhấn mạnh ưu tiên cho ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chính phủ, các Bộ ngành tiếp tục đề ra và tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Hỗ trợ người lao động và các nhóm yếu thế trong xã hội cũng là một ưu tiên quan trọng nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho quá trình thích ứng với bối cảnh làm việc mới.

Theo Chỉ số phục hồi của Nikkei, Việt Nam đã liên tục cải thiện xếp hạng và mới đây nhất là được đánh giá ở vị trí thứ hai. Đánh giá này tích cực và thực chất.

Hai kịch bản “tươi sáng” cho nền kinh tế

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022. Trong Kịch bản 1, tình hình dịch bệnh ở thế giới và Việt Nam nhìn chung được kiểm soát, các nước duy trì xu hướng tạo thuận lợi cho đi lại của người dân. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2022. Mức giá của Mỹ tăng tới 7,682%. Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 17,7%. Giá dầu thô thế giới tăng 42,0%. Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD của NHTM tăng 2,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,5%. Tín dụng tăng 14,0%. Giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,5%. Dân số tăng 1,07%, và số lao động có việc làm tăng 6,1% so với năm 2021. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết tăng 10,7% so với năm 2021. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 1,5%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều giảm 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 8,9%. Giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức 460,8 nghìn tỷ đồng.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong Kịch bản 1, chỉ điều chỉnh: (i) GDP của thế giới tăng 3,6%; (ii) tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5%; (iii) tín dụng tăng 15%; (iv) giá nhập khẩu hàng hóa tăng 5%; (v) tỷ giá VNĐ/USD của NHTM tăng 2,0%; (vi) tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 0,8%; (vii) giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức 542,16 nghìn tỷ đồng; và (viii) đẩy mạnh tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…).

Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo Kịch bản 1 và 6,9% trong Kịch bản 2 (Bảng). Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 15,8% trong Kịch bản 1 và tăng 16,3% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%.

Về các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2022, TS. Trần Thị Hồng Minh khẳng định: Trong báo cáo nghiên cứu về “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam” do Chương trình Aus4Reform tài trợ và công bố vào tháng 4.2021, CIEM đã kiến nghị, phải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế, để giảm bớt áp lực đối với lạm phát và tạo không gian mới cho doanh nghiệp phát triển.

“Những kiến nghị này đã được tiếp thu khi xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với một nhóm giải pháp riêng về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh” - TS. Trần Hồng Minh nói, đồng thời nhấn mạnh thêm: Cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và "phục hồi xanh", gắn với ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mức 6,7-6,9% trong năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới