Kinh tế Philipines, Thái Lan được dự báo tích cực năm 2022
Năm 2022, dự báo tăng trưởng cho hai nền kinh tế Đông Nam Á là Philipines và Thái Lan cho thấy có cải thiện tích cực, trong bối cảnh Thái Lan tái mở cửa ngành du lịch và các thay đổi trong chi tiêu liên quan đến bầu cử tại Philipines.
Thông tin khảo sát hàng quý mới nhất của hãng tin Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, GDP của các nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 5,1% cho năm 2022. Mức tăng trưởng này đã được điều chỉnh cao hơn 0,1% so với cuộc khảo sát trước.
Có 38 chuyên gia kinh tế tham gia vào cuộc khảo sát lần này và các nhà phân tích trong khoảng thời gian từ 19/11 đến 13/12 – khoảng thời gian mà khu vực ASEAN phát hiện ra những ca nhiễm biến chủng mới Omicron đầu tiên.
Thông tin cho biết, Philipines là nước có triển vọng tăng trưởng tốt nhất. Dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2022 của Philippines được điều chỉnh tăng từ 6,6% lên 7,1%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng mức tăng trưởng tích cực này là do số ca nhiễm Covid-19 của quốc gia này đang giảm. Hơn nữa, các kỳ vọng cao liên quan đến việc tăng chi tiêu trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 5/2022 cũng là một nguyên nhân quan trọng.
Mitzie Irene P. Conchada, phó hiệu trưởng trường kinh tế của Đại học De La Salle, Philipines, cho biết: “Tôi nghĩ một trong những điều mà chúng tôi mong đợi ở năm 2022 sắp tới là ảnh hưởng tích cực của cuộc bầu cử quốc gia”.
Theo dự báo GDP của Thái Lan cho năm 2022 cũng được điều chỉnh tăng từ 3,4% lên 3,7%. Sự điều chỉnh này xảy ra do vào tháng 11 năm nay, chính phủ Thái Lan bắt đầu kết nối lại các hoạt động du lịch quốc tế bằng cách chấp nhận các du khách đã được tiêm phòng đầy đủ và không yêu cầu cách ly bắt buộc. Vào đầu tháng 12, nước này đã phát hiện ra ca nhiễm Omicron đầu tiên nhưng vẫn cho phép biên giới được tiếp tục mở cửa.
Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bank of Ayudhya, Thái Lan Somprawin Manprasert chia sẻ, các hiệu ứng tái mở cửa và nới lỏng phong tỏa sẽ khuyến khích hoạt động du lịch và tiêu dùng. Từ đó tạo đà cho những khởi sắc trong việc khôi phục kinh tế.
Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia lại được điều chỉnh giảm từ 6,2% xuống 6,0%. Nguyên nhân chủ yếu là do mức suy giảm kinh tế thấp hơn dự kiến 4,5% trong quý từ III sau khi chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế i chuyển nhằm kiểm soát đợt bùng dịch thứ 3. Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng Malaysia sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm là 3,3% cho 2021 và tiếp tục đà tăng trong năm tới.
Theo Wan Suhaimie bin Wan Mohd Saidie, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Đầu tư Kenanga, Malaysia cho biết. "Chúng tôi kỳ vọng tình hình dịch bệnh khởi sắc cùng với sự mở cửa của nền kinh tế địa phương, nhu cầu quốc tế gia tăng và sự hỗ trợ ổn định của các biện pháp tài khóa sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước và tăng trưởng GDP trong quý cuối cùng năm 2021”. Tại thời điểm này, có khả năng cao nền kinh tế vẫn sẽ được hỗ trợ bởi lĩnh vực sản xuất, công nghệ và giá cả hàng hóa cao.
Riêngvới Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, ước tính tăng trưởng GDP cho năm 2022 được giữ ở mức không thay đổi 5,0%. Wisnu Wardana, nhà kinh tế tại Bank Danamon Indonesia, nhận định: “Động lực của nền kinh tế Indonesia sẽ chuyển từ ngoại thương sang nhu cầu trong nước kể từ năm 2022 trở đi, mang lại một môi trường lành mạnh và ổn định”. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ hy vọng về sự gia tăng nguồn vốn FDI sau khi đạo luật nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp được ban hành năm 2020.
Dù có triển vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ, cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng Covid-19 vẫn tiếp tục là rủi ro lớn nhất ở hầu hết các khu vực của châu Á.
"Cú sốc Covid" tiếp tục được dự đoán là nguy cơ số một đối với Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan trong cuộc khảo sát mới nhất. Tuy nhiên tại Indonesia, dịch bệnh chỉ đạt vị trí thứ ba sau sự thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ và nợ chính phủ gia tăng. Điều này xảy ra do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gần đây báo hiệu rằng họ sẽ kết thúc chương trình mua tài sản vào tháng 3 thay vì tháng 6, nâng cao khả năng tăng lãi suất trong vòng chưa đầy ba tháng.
Cùng với đó, việc tăng lãi suất của Mỹ có thể sẽ tạo áp lực lên đồng Rupiah thông qua dòng vốn chảy ra. Dendi Ramdani, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Bank Mandiri, Indonesia giải thích động thái này có thể làm mất ổn định trạng thái cân bằng bên ngoài của đồng Rupiah.
Theo dự đoán, vào năm 2022, sau động thái từ Cục Dự trữ Liên Bang các nước Malaysia, Philippines, Indonesia cũng sẽ lần lượt tăng lãi suất của mình.
Bùi Hằng (T/h)