Thứ sáu, 22/11/2024 14:00 (GMT+7)
Chủ nhật, 24/07/2022 10:19 (GMT+7)

Kim ngạch xuất khẩu dệt may cán mốc 23 tỷ USD

Theo dõi KTMT trên

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Kim ngạch xuất khẩu dệt may từ đầu năm đến nay đã chạm mốc 23 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Thông tin trước đó cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt gần 153 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đáng chú ý dệt may tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, trước nhiều biến động từ giá nguyên vật liệu thế giới, mặt hàng xuất khẩu tỷ đô này đang đứng trước nhiều thách thức.

Xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, đạt 1/2 kế hoạch của cả năm. Tuy nhiên, biến động từ thị trường tiêu thụ lớn khiến doanh nghiệp phải cân nhắc sẽ tiếp tục nhận đơn hàng sản xuất hay tạm dừng bởi nếu không tính toán kỹ lượng nguyên phụ liệu nguy cơ lỗ là khó tránh khỏi.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may cán mốc 23 tỷ USD - Ảnh 1
Dệt may là nhóm hàng đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng xuất khẩu quý I, với gần 14% kim ngạch tăng thêm. (Ảnh minh họa: PLO)

Năm nay, toàn ngành dệt may đặt mục mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 43,5 tỷ USD. Tuy nhiên nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 đang khiến đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều nước cũng khiến giá nguyên, nhiên, phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, kéo theo chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20-25%.

Mặt khác, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

Để ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi xanh thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường và đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang để từng bước tiến tới làm hàng FOB, ODM.

Việc xuất hiện các quốc gia mới nổi trong gia công dệt may như Ấn Độ, Bangladesh cũng làm tăng tính cạnh tranh đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam. Ngoài "xanh hoá" quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, các chuyên gia cũng cho rằng, để có thể duy trì tăng trưởng xuất khẩu hai con số, các doanh nghiệp dệt may cần tìm đối tác mới ngay chính trong thị trường truyền thống, với những mặt hàng đặc trưng có giá trị xuất khẩu cao.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Kim ngạch xuất khẩu dệt may cán mốc 23 tỷ USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới