Khó khăn chồng chất khiến xuất khẩu dệt may sụt giảm mạnh
6 tháng cuối năm 2020, xuất khẩu dệt may cả nước có thể giảm 14-18% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch cả năm giảm khoảng 16% so với năm 2019.
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), tổng cầu dệt may toàn thế giới năm 2020 nhiều nguy cơ bị sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 755 tỉ USD, với kịch bản dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, tổng nhập khẩu dệt may thế giới ước đạt từ 600 – 640 tỉ USD, giảm 15-20% so với mức 755 tỉ USD của năm 2019.
Xuất khẩu của ngành dệt may sẽ tiếp tục sụt giảm trong 6 tháng cuối năm. (Ảnh minh họa) |
Với ngành dệt may Việt Nam, trong quý 1 vừa qua, tình trạng hủy, giãn đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng. Doanh thu của nhiều doanh nghiệp sụt giảm 20%, trong quý 2 có thể sẽ giảm mạnh nữa.
Song song với tình trạng hủy đơn hàng là tình trạng giãn đơn hàng, các đơn hàng giao trong tháng 3 đều bị lùi xuống tháng 4, tháng 5. Để cầm cự, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang may khẩu trang nhằm duy trì việc làm cho công nhân, hạn chế tổn thất do dịch bệnh.
Đến nay, khi thị trường trong nước đã bão hòa, các doanh nghiệp phải tìm cách xuất khẩu sang nước ngoài dẫn tới cạnh tranh ở mức cao. Vào những tháng cuối năm, khi xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động giảm sẽ khiến doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Vinatex nhận định, 6 tháng cuối năm nay, doanh nghiệp dệt may mới thực sự bước vào giai đoạn khó khăn khi các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Với tình hình đó, Vinatex dự báo, xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ đạt 32,75 tỉ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.
Để duy trì tăng trưởng, Vinatex cho rằng, những tháng cuối năm, doanh nghiệp dệt may cần tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất chặt chẽ; giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất; cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường thế giới chưa hồi phục.
Thuỷ Chung