Kim loại quý trị giá hàng trăm nghìn tỉ đồng bị thải ra bãi rác mỗi năm
Theo Liên Hợp Quốc, mỗi năm con người thải ra hàng chục triệu tấn rác thải điện tử có chứa các kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim với giá trị lên tới 10 tỉ đô la Mỹ (tương đương với hơn 230 nghìn tỉ đồng).
Công nhân chuẩn bị tái chế rác thải điện tử tại nhà máy tái chế ở Moscow, Nga (Ảnh: The Guardian) |
Theo Báo cáo Giám sát rác thải điện tử năm 2019 của Liên Hợp Quốc, rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây hại cho sức khỏe con người.
Cụ thể, con người thải ra 54 triệu tấn rác điện tử trong năm 2019, tương đương mỗi người thải ra 7,3 kg mỗi năm, tăng 21% so với 5 năm trước. Rác thải điện tử tăng nhanh gấp 3 lần so với mức tăng của dân số thế giới.
Rác thải điện tử chủ yếu đến từ các quốc gia giàu có. Trong đó, người dân Bắc Âu thải ra nhiều nhất với mức trung bình 22,4 kg/người trong năm 2019. Lượng xả thải của người dân Đông Âu chỉ bằng một nửa của Bắc Âu.
Các quốc gia phát triển khác cũng xả ra lượng rác điện tử rất lớn: Úc và New Zealand 21,3 kg/người, Mỹ và Canada là 20,9 kg/người.
Châu Á và châu Phi thải rác điện tử ít hơn nhiều châu Âu và Bắc Mỹ, với mức trunffg bình 5,6 kg/người dân châu Á và 2,5 kg/người dân châu Phi.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, rác thải điện tử có chứa các kim loại như vàng, bạc, bạch kim, sắt, đồng với giá trị lên tới 57 tỉ đô la. Tuy nhiên, phần lớn rác thải điện tử đều bị chôn lấp hoặc đốt bỏ thay vì được tái chế. Riêng kim loại quý (vàng, bạc, bạch kim) có trong rác thải điện tử ước tính giá trị lên đến 14 tỉ đô là nhưng đến nay mới chỉ khoảng 4 tỉ đô la được thu hồi.
Tốc độ tăng của rác thải điện tử đã nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của dân số thế giới (Ảnh: Energy saving trust) |
Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tủ lạnh, điều hoà, máy pha cà phê là thứ không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, rác thải của các thiết bị hiện đại này đang đe dọa nghiêm trọng sức khoẻ của con người và sự trong lành của tự nhiên.
Ngoài sự gia tăng về số lượng, điều đáng chú ý là chỉ 17% lượng rác điện tử được tái chế trong năm 2019. Trong đó, châu Âu có tỉ lệ tái chế cao nhất, 42% trong năm 2019, theo sau là châu Á với 12%, châu Mỹ và châu Đại Dương 9%. Châu Phi có tỉ lệ tái chế thấp nhất, chỉ 0,9%.
Tại các nước thu nhập trung bình và thấp, một phần rác thải điện tử được tái chế nhưng với phương pháp thô sơ, không an toàn như việc đốt các bảng mạch điện tử để lấy đồng. Điều này làm phát tán các kim loại độc hại như thuỷ ngân, chì cadimi. Những kim loại này gây hại nghiêm trọng đối với sức khoẻ của con người, đặc biệt là trẻ em sống quanh các khu vực tái chế rác thải điện tử.
Ước tính mỗi năm có khoảng 50 tấn thuỷ ngân có trong rác thải điện tử như màn hình máy tính, bóng đèn tiết kiệm điện bị thải ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó, một lượng lớn khí ga từ tủ lạnh và điều hoà nhiệt độ hỏng thải ra môi trường tương đương với 98 triệu tấn CO2.
Tái chế rác thải điện tử bằng phương pháp thủ công như đốt rác rất nguy hại bởi các kim loại độc như thuỷ ngân bị phóng thích ra ngoài. (Ảnh: New York Times) |
Kees Baldé, một trong những tác giả của báo cáo, cho rằng rác thải điện tử đang là vấn đề lớn của nhân loại bởi lượng rác thải ngày càng tăng nhanh, trong khi mức độ tái chế không theo kịp. Một điều đáng báo động nữa là hiện chưa có cơ chế quản lý hiệu quả để giảm thiểu việc xả rác.
“Vấn đề lớn nhất là rất nhiều quốc gia không có hệ thống thu gom rác điện tử. Các công ty sản xuất thiết bị sau khi bán ra thị trường thì hết trách nhiệm, không quan tâm hết vòng đời sử dụng thì rác thải sẽ đi về đâu. Người xả thải cũng không phải bỏ ra xu nào”, chuyên gia Kees Baldé bày tỏ.
Kim Minh