Thứ bảy, 23/11/2024 17:16 (GMT+7)
Chủ nhật, 06/08/2023 08:00 (GMT+7)

Kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Phú Yên

Theo dõi KTMT trên

Trước tình trạng vi phạm trong việc khai thác, vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; Công an tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Nội dung văn bản chỉ đạo nêu rõ, theo phản ánh của công dân, thông tin từ báo chí và kiểm tra đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện một số doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ở các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường thuộc danh mục không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cung cấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Yên, không thực hiện đúng nội dung quy định, như: Có tình trạng vận chuyển cát ra ngoài tỉnh; thực hiện không đúng thời gian khai thác được quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ; khai thác ngoài vị trí, vượt độ sâu, trữ lượng được cấp phép; không lắp đặt trạm cân hoặc có nhưng cân không hoạt động; sử dụng thiết bị, công nghệ khai thác (bơm hút cát) không đúng theo dự án được duyệt.

Kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Phú Yên - Ảnh 1
Theo UBND tỉnh Phú Yên, trên địa bàn còn xảy ra tình trạng vận chuyển cát ra ngoài tỉnh; thực hiện không đúng thời gian khai thác được quy định; khai thác ngoài vị trí, vượt độ sâu, trữ lượng được cấp phép; không lắp đặt trạm cân hoặc có nhưng cân không hoạt động. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Để chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi vi phạm nêu trên, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra xử lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là các mỏ thuộc danh mục không đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải phục vụ đúng mục tiêu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Thanh tra sở tăng cường kiểm tra, theo thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tham mưu thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong cùng thời điểm hoặc vi phạm nhiều lần.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp phép khoáng sản, lưu ý các điều kiện ràng buộc không để các tổ chức/cá nhân có nhiều vi phạm được tiếp tục tham gia trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh mời các chủ mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, tổ chức làm việc thống nhất điều chỉnh một số nội dung của Giấy phép (thời gian khai thác, mục tiêu khai thác, công suất khai thác…) cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, yêu cầu doanh nghiệp có văn bản cam kết thực hiện đúng theo Giấy phép được cấp và hồ sơ dự án được duyệt, trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 05/8/2023.

Chia sẻ với Phóng viên về nạn khai thác khoáng sản trái phép, Luật sư Phan Văn Tú (Văn phòng Luật sư Nhật Bình - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, tuy nhiên, việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản ở một số địa phương vẫn còn có sự lỏng lẻo, dẫn đến việc khai thác trộm, khai thác "chui".

Việc khai thác trộm, khai thác "chui", khai thác không tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản không chỉ làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước. Hành vi này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành phần môi trường khác như đất, nước, không khí, hệ sinh thái… 

"Chính vì thế, ngành chức năng ở các địa phương cần nâng cao hơn nữa vài trò quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản. Cụ thể, tăng cường thanh kiểm tra, xây dựng đường dây nóng tiếp nhân phản ánh của người dân liên quan đến việc khai thác khoáng sản,.... Bên cạnh đó, đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm để răn đe, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật" - Luật sư Phan Văn Tú chia sẻ.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Phú Yên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới