Kiểm soát nguồn nước giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Các chuyên gia cũng cho rằng, các biện pháp khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững và bảo vệ tài nguyên nước giúp giảm thiểu các tác động của BĐKH, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng, chung tay kiểm soát nguồn nước của cộng đồng.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã dẫn đến một số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như hạn hán ở ngay tại các vùng có lượng mưa cao và xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao. Điều này đã làm giảm chất và lượng nước mặt tại Việt Nam. Nguồn nước trở nên khan hiếm hơn, đặc biệt là vào mùa khô, khi ao hồ đã cạn. Hệ thống sông đã bị suy thoái do ô nhiễm và dự trữ nước ngầm đang giảm do khai thác quá mức và thiếu quản lý hiệu quả ở một số khu vực
BĐKH làm tăng cường độ, tần suất của thiên tai và các hiện tượng cực đoan liên quan đến tài nguyên nước.
Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, xâm nhập mặn, sạt lở, bão lũ... có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta.
Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 m, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20 - 30 triệu người dân.
Với tốc độ xâm nhập mặn hiện nay, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính sẽ là 17 tỉ USD.
Theo đó, các kế hoạch hành động để giải quyết BĐKH cần được tích hợp giữa các ngành, các lĩnh vực khác nhau và có sự phối hợp xuyên biên giới. Đặc biệt, cần phải dựa trên nguyên tắc chung là quản lý nguồn nước an toàn và bền vững.
Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như mấy năm gần đây khi nhiều dòng sông bị suy thoái, nước trong các ao, hồ bị ô nhiễm, cạn kiệt,... trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm do khai thác quá mức, buông lỏng quản lý.
Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng, mối liên hệ khăng khít giữa tài nguyên nước và BĐKH hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, vì có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng, những thập kỷ gần đây BĐKH đang làm tăng cường độ và tần suất của hiện tượng cực đoan liên quan đến tài nguyên nước. BĐKH được “nhìn thấy” trước tiên không phải bằng các thay đổi về khí hậu mà là các thay đổi về tài nguyên nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các biện pháp khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững và bảo vệ tài nguyên nước giúp giảm thiểu các tác động của BĐKH, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng, chung tay kiểm soát nguồn nước của cộng đồng là rất quan trọng.
Khi dân số toàn cầu tăng lên, nhu cầu về nước tăng cũng khiến cho tài nguyên thiên nhiên trở nên cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Theo đó, cần có các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước và khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững để ứng phó với BĐKH.
Theo các chuyên gia, để bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của BĐKH, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, thực hiện bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước (núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ).
Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển về các hoạt động, chương trình liên quan đến nước và vệ sinh, bao gồm: Thu gom nước, khử muối, xử lý nước thải; Hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh môi trường…
Thực hiện các hành động chống BĐKH sẽ mở ra cơ hội lớn để nền kinh tế phát triển với nhiều lĩnh vực. Giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn, đồng thời có thể giảm tác động tiêu cực của BĐKH. Do đó, các nhà hoạch định chính sách phải coi tài nguyên nước như một giải pháp thiết thực giúp thích ứng với BĐKH.
An ninh nguồn nước đang là một trong những thách thức lớn đối với nước ta trong quá trình phát triển. Vấn đề an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt trong đời sống xã hội hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn của các đô thị, bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.
“Nước là tài nguyên quý giá nhất của chúng ta - Chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn; Chúng ta phải cân bằng tất cả các nhu cầu về nước của xã hội trong khi vẫn đảm bảo những người nghèo nhất, những đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau” - đây chính là thông điệp mà Ủy ban Nước của Liên Hợp Quốc (UN - Water) công bố trong Ngày nước thế giới năm 2020.
Ý kiến chuyên gia:
*Phát biểu tại hội thảo “An ninh nước và BĐKH – Thách thức và giải pháp hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh BĐKH và gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa là những thách thức chúng ta cần giải quyết.
Những thách thức này cần được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, như: Năng lực nhận thức vấn đề, công nghệ, cơ sở hạ tầng, công tác quản lý, thể chế chính sách... Điều này đòi hỏi cần có giải pháp chiến lược tổng thể, đồng bộ, liên ngành liên vùng. Không chỉ bó hẹp trong ngành nước, nông nghiệp mà còn liên quan đến đất đai, công nghiệp, năng lượng, môi trường, giáo dục đào tạo, truyền thông..
*Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh: "Chúng ta không thể chờ đợi! Các nhà hoạch định chính sách khí hậu phải đặt nước là trung tâm của các kế hoạch hành động. Nước có thể giúp chống lại BĐKH! Chúng ta cần có các giải pháp về vệ sinh và nước một cách bền vững với chi phí hợp lý. Tất cả mọi người đều có vai trò trong vấn đề Nước và BĐKH. Ngay cả các hộ gia đình cũng cần có phương án sử dụng nước hiệu quả hơn".
*Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên (Bộ KH&CN) cho biết, hạn hán, xâm nhiễm mặn ở ĐBSCL là một thách thức lớn. Với diễn biến khó lường của BĐKH và việc khai thác nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông sẽ tác động nhiều đến tài nguyên nước của ĐBSCL. Cần nhấn mạnh đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, công nghệ dự báo giám sát nguồn nước, xâm nhập mặn ĐBSCL. Đồng thời phải đề ra các giải pháp công nghệ và cơ chế chính sách trong ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn (chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy trình và thời gian canh tác...).
*Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, nhìn nhận: “Nếu tất cả chúng ta cùng tập trung suy nghĩ về vấn đề ô nhiễm nước, 5 năm ta thay đổi một chút, 10 năm ta thay đổi 1 chút thì 20 năm sau chúng ta mới có cơ hội có nước sạch để dùng. Chúng ta hãy nghĩ rằng đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, không của riêng ai. Nếu giải quyết được ô nhiễm nước sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề khác đi kèm”.
Hà Chi