Ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long
Ðồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu. Hạn hán, xâm nhập mặn là hai loại thiên tai đã và đang tác động mạnh đến toàn vùng. Vì vậy, cần sự thích ứng của con người với tự nhiên để hạn chế thiệt hại.
Nông dân Phẩm Văn Tiếu (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) bên thùng chứa nước ngọt phòng hạn, mặn cho vườn sầu riêng của gia đình. (Ảnh: Bá Dũng)
Theo dự báo, tình hình hạn hán năm 2021 sẽ khốc liệt và kéo dài, người dân trong vùng còn gọi là "hạn Bà Chằn". Tuy nhiên, những ngày tháng ba, có mặt tại các khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nề của những đợt hạn hán và xâm nhập mặn các năm 2016, 2019, chúng tôi ghi nhận cây trồng, vật nuôi ở đây vẫn chưa bị ảnh hưởng, đang phát triển tốt.
Chủ động "né" hạn, mặn
Tại tỉnh Sóc Trăng, cùng với nắng hạn, nguồn nước trên các tuyến kênh nội đồng ở địa phương ven biển này đang vào giai đoạn cao điểm của xâm nhập mặn. Tuy nhiên, khác với mọi năm, nông dân Sóc Trăng đã chủ động phòng, chống hạn, mặn bằng nhiều cách rất linh hoạt, hiệu quả. Vừa thu hoạch xong hơn một héc-ta lúa ST25, nông dân Tạ Minh Bạch, ngụ ấp Hòa Ðê (xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên) phấn khởi kể, do xuống giống sớm nên anh né được hạn, mặn và lúa cho năng suất gần sáu tấn, bán với giá 8.400 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Còn gia đình ông Thạch Sil, ngụ xã Tân Hưng, huyện Long Phú đã chuyển 2.000 m2 đất không làm lúa vụ ba (vụ xuân hè) để trồng nấm rơm. Ông Thạch Sil đầu tư hơn 100 bịch meo giống, trong đó tiền rơm và meo giống là 2,5 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc. Sau gần một tháng, nấm rơm đã bắt đầu cho thu hoạch, ông Thạch Sil bán được hơn 150 kg, thương lái thu mua tại ruộng với giá bình quân 70.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn bảy triệu đồng, cao gấp đôi trồng lúa.
Ở huyện Kế Sách, vùng trồng cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng, nhà nông đã chủ động chứa nước ngọt trong vườn bằng nhiều hình thức độc đáo như ao nổi, ao chìm, túi trữ nước, phủ bạt bờ mương trữ nước... Sầu riêng là loại cây "nhạy cảm" với nước mặn, gặp mặn là héo úa ngay, nhưng giờ ông Ðoàn Văn Tám, ở ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa hoàn toàn yên tâm vì 50 gốc sầu riêng đang chuẩn bị thu hoạch vẫn đang phát triển tốt, nhờ ông theo dõi sát sao độ mặn của nước và có hệ thống tưới nước ngọt dự phòng.
Nhưng nếu nói về việc chủ động nguồn nước, hay những cách trữ nước thì dân cồn của tỉnh Vĩnh Long - nơi có những vườn trái cây luôn trĩu quả là bậc thầy. Vào những ngày này, khi đi qua cù lao (cồn) hai xã Thanh Bình và Quới Thiện của huyện Vũng Liêm, những vườn cây trái nơi đây phủ một mầu xanh mướt. Dù lúc đỉnh triều cường lên đến hơn năm phần nghìn, nhưng tâm trạng của người dân không lo lắng, bởi họ đã dần thích ứng với cuộc sống giữa dòng hạn mặn. Ông Phẩm Văn Tiếu, một lão nông đã 70 tuổi, ngụ ấp Lăng, xã Thanh Bình, chỉ tay về mấy cái mương đầy nước trước nhà, phấn khởi kể: "Với mực nước vào vườn thế này thì nửa tháng tới mới hụt nước, trong khi chờ con nước triều cường né mặn thì chỉ có 7 đến 10 ngày là có nước ngọt cho nên chúng tôi không phải lo". Ông Tiếu cho biết, gia đình ông có năm công sầu riêng hơn 15 năm tuổi. Mỗi năm, sầu riêng cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. "Nhớ năm 2016, nước mặn tràn vào bất ngờ, người dân quê tôi thiệt hại rất nhiều, riêng vườn sầu riêng của tôi chết gần một nửa. Những năm sau này, nhờ có hệ thống đê bao khép kín, và có sự tham gia cảnh báo mặn của chính quyền cho nên chúng tôi chủ động được nguồn nước tưới", ông Tiếu nói thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, Hồ Văn Trọn, toàn xã đã khép kín hệ thống thủy lợi, chỉ còn ba cống hở ở các nhánh sông lớn đang thi công và sẽ hoàn thành vào tháng tám năm nay. Nhờ vậy mà vấn đề né mặn, trữ ngọt của nông dân nơi đây khá nhuần nhuyễn. Hệ thống đo cảnh báo nước mặn cứ 15 phút báo một lần. Từ đó, khi có độ mặn cao là xã thông tin đến ấp, người dân đóng cống an toàn. "Từ đầu năm đến nay, cù lao này hứng chịu hai đợt mặn cao hơn năm phần nghìn. Cứ như mấy năm trước, chưa có hệ thống cảnh báo, người dân tưới phải nước có độ mặn này thì vườn cây chết sạch. Sầu riêng rất mẫn cảm với độ mặn, chỉ cần nước tưới có độ mặn 0,2 phần nghìn là bị ảnh hưởng ngay. Nhờ chủ động sống chung với mặn mà đến nay, ở cù lao này chưa bị thiệt hại. Mùa sầu riêng năm nay, bà con sẽ thu hoạch đạt hiệu quả", anh Hồ Văn Trọn chia sẻ.
Ðể né hạn, mặn, ngành nông nghiệp các tỉnh trong vùng đã khuyến cáo nông dân không bố trí sản xuất lúa vụ ba ở những vùng thiếu nguồn nước ngọt, vùng có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; truyền thông để nông dân thường xuyên theo dõi các thông tin về tình hình, diễn biến của xâm nhập mặn để kịp thời có các biện pháp ứng phó phù hợp. Ðồng thời, khuyến khích người dân tích trữ nhiều nhất có thể nguồn nước ngọt vào các kênh mương, ao đầm, khu vực trũng ở bất kỳ thời điểm nào khi xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, rạch.
Chọn cây, con phù hợp
Ðể thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn, trong những năm qua, người dân vùng ÐBSCL đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh phù hợp điều kiện canh tác của từng tiểu vùng, đồng thời gắn với áp dụng những tiến bộ mới trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập trên cùng đơn vị canh tác. Tại huyện Long Mỹ, nơi chịu tác động nặng nề vì hạn mặn của tỉnh Hậu Giang, từ năm 2017 đến nay, đã chuyển đổi hơn 450 ha đất lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng dưa hấu, dưa lê, chuối, dưa gang, đậu bắp, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, dừa, chanh không hạt... Ðồng thời chuyển hơn 100 ha đất vùng bị xâm nhập mặn ở xã Lương Nghĩa từ lúa sang mô hình lúa - tôm. Những vùng đất được chuyển đổi bước đầu đã hạn chế được thiệt hại do hạn mặn, đồng thời nâng thu nhập cho người nông dân. Ông Nguyễn Hoàng Nam, hộ có nhiều năm trồng dưa lê ở ấp 9, xã Lương Tâm cho biết: "Dưa lê là loại dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, đầu ra và giá bán ổn định cho nên người dân có nguồn lợi nhuận hấp dẫn. Nếu chăm sóc tốt, năng suất dưa lê có thể đạt từ hai đến 2,5 tấn/công. Với giá bán dao động từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, người trồng thu lợi từ 10 đến 12 triệu đồng/công/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ðáng chú ý mô hình này đã giúp người dân vùng bị xâm nhập mặn nơi đây có thể sản xuất được ba vụ/năm (một lúa + hai dưa lê), thay vì chỉ độc canh hai vụ lúa/năm như những năm trước".
Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp tình hình thực tế thì bước đầu, huyện Long Mỹ còn hình thành được một số vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Ðiển hình như mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính kết hợp hệ thống tưới nước nhỏ giọt, mô hình trồng bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP trên vùng đất phèn. Ông Trần Văn Tôn, nhà vườn có hơn một héc-ta bưởi da xanh sản xuất theo quy trình VietGAP ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn kể: "Cuối năm 2017, tôi và nhiều bà con tại vùng đất phèn mặn này đã mạnh dạn chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGAP. Nhờ được hỗ trợ về nhiều mặt cho nên hiện có gần 22 ha bưởi da xanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP". Theo ông Tôn, với những vườn bưởi đang xanh tốt và có từ ba đến bốn năm tuổi thì có thể cho năng suất khoảng 20 tấn trái/ha. Với trọng lượng trái cây dao động từ 1,4 đến 2 kg, giá bán bình quân khoảng 35.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta bưởi có thể cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm. Ðây được xem là mức thu nhập ngoài sức tưởng tượng đối với người dân vùng đất nhiễm phèn, mặn như huyện Long Mỹ.
Tại một số địa phương ven biển của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... người nông dân đã chuyển đổi đất từ một, hai vụ lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa, đây còn được xem là mô hình thành công nhất trong điều kiện tác động mạnh của quá trình BÐKH hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận có một sự thay đổi mạnh mẽ từ trong nhận thức của người nông dân sống ven biển, đó là quan tâm trồng rừng, giữ rừng và canh tác dưới tán rừng phòng hộ. Nông dân Phan Văn Còn, ngụ ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) có 210 ha nuôi vẹm xanh và nghêu nói: "Con nghêu và vẹm xanh ở vùng đất này sinh trưởng tốt, lợi nhuận cao, nhưng đầu tư ít. Nghêu và vẹm xanh gieo xuống chỉ ăn bùn đất và rong rêu, không phải tốn chi phí mua thức ăn. Những năm gần đây, nước mặn xâm nhập vào ruộng đồng, ảnh hưởng lúa và thủy sản khác, nhưng nghêu và vẹm xanh thì không bị gì". Hiện tại chợ, giá nghêu và vẹm xanh cùng ở mức từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg. Còn thương lái vào tận bãi mua giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg. Với 210 ha đất, mỗi vụ (khoảng ba tháng), anh thu về gần một tỉ đồng. Ở ấp 6 Biển có gần chục hộ khác đang nuôi nghêu và vẹm xanh. Mặc dù mỗi hộ nuôi diện tích không lớn, nhưng cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng sau mỗi vụ.
Tại một số xã của hai huyện An Minh và An Biên (Kiên Giang), nhiều hộ dân còn nuôi tôm và sò dưới tán rừng, mang lại lợi nhuận cao. Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng Kiên Giang Trần Phi Hải cho biết, trồng rừng nuôi tôm, sò sẽ tạo được bóng mát, phát triển và khôi phục lại sự cân bằng hệ sinh vật trong nguồn nước dưới tán rừng. Nguồn nước sạch giúp tôm phát triển tốt, có thức ăn tự nhiên bổ sung còn bóng râm dưới tán rừng để tôm sò, cư trú… Chính vì thế môi trường tốt, người nuôi tôm, sò kết hợp với trồng rừng ít gặp rủi ro, giảm được chi phí đầu tư thức ăn cho tôm, sò, mà còn có thêm nguồn thu từ tôm, cua, cá tự nhiên. "Mô hình tôm, sò dưới tán rừng là điểm sáng, là hướng đi cho người dân, có không ít hộ khẳng định bằng tính hiệu quả và bền vững. Mô hình này cần được nhân rộng trong dân trước tác động tiêu cực của BÐKH như hiện nay"- ông Trần Phi Hải nói.
PVTT