Thứ bảy, 23/11/2024 10:11 (GMT+7)
Thứ bảy, 12/12/2020 06:40 (GMT+7)

Khu bảo tồn khỉ mồ côi trong rừng Amazon

Theo dõi KTMT trên

Cách xa những bãi săn bắn trong rừng nhiệt đới Amazon thuộc Colombia, một khu bảo tồn đang đem lại một cuộc sống mới cho những cá thể khỉ mồ côi.

Khu bảo tồn khỉ mồ côi trong rừng Amazon - Ảnh 1

Khu bảo tồn do ông Jhon Vasquez điều hành được đặt tại khu dân cư bản địa Mocagua nằm bên bờ sông Amazon. Tại đây, ông Vasquez đã đóng vai một người mẹ của một con khỉ lông cừu 3 tháng tuổi tên Maruja.

Cặp đôi này đã trở nên không thể tách rời trong những chuyến đi đường dài băng qua các cánh rừng nhiệt đới để giải cứu những con khỉ non khác.

Khu bảo tồn khỉ mồ côi trong rừng Amazon - Ảnh 2
Ông Jhon Vasquez người điều hành khu bảo tồn khỉ Maikuchiga.

"Một gia đình thổ dân đã ăn thịt mẹ của nó. Tôi đón nó về và từ đó coi nó như con gái của mình", ông Vasquez nói.

Đối với thổ dân Amazon, loài khỉ lông cừu không chỉ là một nguồn thực phẩm mà còn cung cấp lông để bán cho các lái buôn. Loài khỉ này hiện được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế phân loại vào nhóm "Nguy cấp".

Với bộ lông dày màu nâu và phần đuôi màu xám, những con khỉ lông cừu non như Maruja thường bị săn bắt để làm vật nuôi, trong khi những con mẹ thường bị giết lấy thịt và lông.

“Các thợ săn thường nhắm vào những con mẹ đang chăm con. Khi bị bắn rơi, con mẹ thường không buông con mình. Do đó có không ít trường hợp chết cả mẹ lẫn con", theo ông Vasquez.

Những con non còn sống sót được bán làm vật nuôi hoặc trưng bày cho khách du lịch đến thăm các cộng đồng bản địa.

Mười bốn năm trước, ông Vazquez đã thành lập khu bảo tồn Maikuchiga nằm giữa khu dân cư Mocagua. Kể từ năm 2006, ông đã cố gắng thuyết phục người dân địa phương về nguy cơ của vấn nạn săn bắn quá mức.

"Những ngày đầu thật khó để nói cho họ hiểu. Nhưng dần dần, những người thợ săn nay đã trở thành những hướng dẫn viên và các nhà bảo tồn động vật", ông Vasquez chia sẻ.

Những con khỉ được giải cứu từ khắp các vùng trong rừng Amazon thường được gửi tới khu bảo tồn Maikuchiga. Theo ông Vasquez, kể từ khi thành lập, nơi này đã đón nhận khoảng 800 con khỉ.

Khu bảo tồn khỉ mồ côi trong rừng Amazon - Ảnh 3
Những con khỉ con sẽ bị giam giữ và nuôi làm cảnh.

Ông Luis Fernandez Cuevas, giám đốc phụ trách bảo vệ môi trường của Colombia, cho biết 22 cá thể linh trưởng non đã được phục hồi tại đây kể từ năm 2018.

Ở Colombia và các nước láng giềng Brazil, việc săn bắt bất kỳ động vật nào ngoài tự nhiên để nuôi làm thú cưng đều là hành vi bất hợp pháp.

Ngoài Maruja, hiện khu bảo tồn của ông Vasquez có tổng cộng 5 cá thể khác nhau: hai con khỉ lông cừu khác là Helena và Abril, một con khỉ cú được gọi là Papinanci, và hai con khỉ sóc tên Mochis và Po.

“Tại đây, chúng được trao một cơ hội mới trong cuộc sống, cơ hội trở thành khỉ một lần nữa", người đàn ông nói.

Vào lúc bình minh, ông Vasquez thường chuẩn bị bữa sáng gồm cháo yến mạch và sinh tố cho "đàn con" của mình.

Khi bị sang chấn tâm lý, những con khỉ có thể mất nhiều thời gian để thích nghi trở lại với môi trường xung quanh, đặc biệt là khi được thả về với tự nhiên. Chúng cũng sẽ phải từ từ thích nghi với môi trường hoang dã, biết cách nhận ra “âm thanh của nguy hiểm” từ rừng rậm và thói quen của những loài thú săn mồi.

Khu bảo tồn khỉ mồ côi trong rừng Amazon - Ảnh 4
Những con khỉ sau một thời gian chăm sóc sẽ được đưa trở lại tự nhiên.

Việc phục hồi cho những con khỉ này chỉ kết thúc khi chúng rời khỏi khu bảo tồn rộng 4.000 ha. Từng chút một, chúng tìm đường xuyên qua những tán cây và biến mất, đó là khi ông Vasquez hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Bạn đang đọc bài viết Khu bảo tồn khỉ mồ côi trong rừng Amazon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới