Diện tích rừng Amazon bị tàn phá trong 18 năm qua lớn hơn lãnh thổ Tây Ban Nha
Khoảng 8% diện tích rừng Amazon đã bị tàn phá từ năm 2000 - 2018, lớn hơn cả diện tích lãnh thổ của Tây Ban Nha.
Theo kết quả nghiên cứu do Mạng lưới thông tin môi trường - xã hội tham chiếu địa lý vùng Amazon (RAISG) công bố ngày 8/12, khoảng 8% diện tích rừng Amazon đã bị tàn phá từ năm 2000 - 2018, lớn hơn cả diện tích lãnh thổ của Tây Ban Nha.
Được ví như “lá phổi xanh” của Trái Đất và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới nhưng đang bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng thời gian gần đây.
Theo bản đồ đầu tiên của RAISG cập nhật về Amazon, từ năm 2012 đến nay, khoảng 513.000 km2 rừng này đã bị tàn phá. Trước đó vào năm 2003, RAISG cũng ghi nhận diện tích bị tàn phá ở mức cao kỷ lục là 49.240 km2 và giảm xuống 17.674 km2 vào năm 2010.
RAISG cảnh báo rừng Amazon đang bị tàn phá nghiêm trọng so với cách đây 8 năm, đồng thời chỉ ra sự gia tăng nhanh chóng của nạn phá rừng kể từ năm 2012. Theo đó, diện tích rừng bị tàn phá hằng năm tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2015 - 2018. Trong đó, tính riêng năm 2018 là 31.269 km2, mức tàn phá nghiêm trọng nhất kể từ năm 2003.
Sự tàn phá rừng vào năm 2020 tiếp tục cao hơn nhiều so với những năm trước khi ông Bolsonaro nhậm chức vào ngày 1/1/2019. Brazil dự kiến sẽ đưa ra biện pháp chính thức để xử lý nạn phá rừng năm 2020 vào cuối năm. Biện pháp đó, được gọi là PRODES, so sánh các hình ảnh vệ tinh vào cuối tháng 7/2020 với các bức ảnh được chụp vào đầu tháng 8/2019 để phát hiện tình trạng phá rừng.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Môi trường Amazon (IPAM) cho rằng PRODES được dự đoán sẽ cho thấy sự gia tăng đáng kể lên hơn 14.000 km2 rừng bị phá vào năm 2020 so với 10.129 km2 vào năm 2019. Đây có thể sẽ là số liệu phá rừng cao nhất kể từ năm 2016.
Rừng Amazon có diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp. Đây là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thu lượng lớn khí thải CO2.
Tuy nhiên, nạn chặt phá rừng liên tục gia tăng, cùng với thảm họa cháy rừng năm 2019 đã gióng lên hồi chuông báo động về tình hình cấp bách bảo vệ khu rừng này.
Nhật Hạ