Thứ tư, 24/04/2024 16:27 (GMT+7)
Thứ hai, 07/06/2021 11:46 (GMT+7)

Khói rơm rạ 'bủa vây' Thủ đô Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Những ngày qua, ngoại thành Hà Nội đang vào mùa thu hoạch lúa Xuân. Vì thế, tình trạng đốt rơm rạ lại đang tái diễn, khiến chất lượng không khí ở một số khu vực địa bàn TP bị ảnh hưởng.

Theo Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận diễn biến chất lượng không khí xấu đi tại nhiều điểm đo của Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc, miền Trung, đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn.

Ô nhiễm nghiêm trọng nhất vào chiều tối và đêm muộn. Vào buổi sáng, chất lượng không khí được cải thiện. Tuy nhiên, ngày hôm qua (6/6), do việc đốt rơm rạ nhiều kết hợp với điều kiện thời tiết lặng gió khiến chất ô nhiễm không phát tán được, Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc ô nhiễm cả ngày ở mức xấu và rất xấu, cá biệt một vài điểm ở ngưỡng nguy hại. Cùng với PAM Air, hệ thống giám sát chất lượng không khí của Tổng cục Môi trường cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nhiều nơi ở miền Bắc như tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Khói rơm rạ 'bủa vây' Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1
Đốt rơm rạ ở ngoại ô khiến nội thành Hà Nội mù mịt những ngày qua.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, không khí Hà Nội những ngày gần đây có dấu hiệu ô nhiễm ở mức cao.

Nguyên dẫn đến hiện tượng này được chuyên gia môi trường chỉ ra gồm: Khí phát thải từ các nhà máy các khu công nghiệp, phương tiện giao thông; đốt rác và phụ phẩm nông nghiệp và đặc biệt là đốt rơm rạ của người dân trong mùa thu hoạch.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí tại Thủ đô không hoàn toàn chỉ do đốt rơm rạ mà được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố trên.

“Với chất lượng không khí như ngày 6/6 sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân. Các khu vực ngoại thành, người dân cần hạn chế đốt rác, phụ phẩm nông nghiệp và rơm rạ”, PGS.TS Bùi Thị An khuyến cáo.

Nên cấp kinh phí, tạo thị trường để người dân bán rơm rạ

Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai việc thu gom, xử lý, chế biến phụ phẩm sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích, tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân không đốt phụ phẩm nông nghiệp và xử lý đúng quy định bảo vệ môi trường.

Riêng tại TP.Hà Nội, Chỉ thị 15 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước với hoạt động đốt rơm rạ còn yêu cầu cơ quan chức năng thi hành các chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, các giải pháp đưa ra nhưng khó triển khai trong thực tế, ví dụ như cấm đốt và xử phạt nhưng thực tế việc xử phạt những người nông dân đốt rơm rạ rất khó. Một số giải pháp khác kỹ thuật, kinh tế cũng được đề ra nhưng không bền vững, không cụ thể với từng xã, thôn.

“Thật khó thuyết phục bà con bỏ tiền ra mua chế phẩm sinh học để ủ rơm ngoài đồng, hay thuê người thu gom rơm rạ về nhà làm nấm trong khi thu nhập từ lúa rất ít”, TS Tùng chia sẻ và cho biết thêm, chừng nào nông dân không bán được rơm rạ, không bán được nấm trong khi phải giải phóng ruộng cho vụ sau thì họ còn đốt vì đó là biện pháp nhanh, hiệu quả và không tốn kém.

Theo một kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Nông nghiệp, đăng trên Tạp chí Khoa học và phát triển năm 2012, tập 10, số 1:

Nếu tỉ lệ đốt rơm rạ dao động từ 20-80% ở khu vực đồng bằng sông Hồng, việc đốt rơm rạ gây phát thải 1,2-4,7 triệu tấn CO2/ năm, CH4 là 1-3,9 nghìn tấn/năm, CO là 28,3-113,2 nghìn tấn/năm. Ở đồng bằng sông Cửu Long, lượng rơm đốt ước tính hàng năm phát thải 17,95 triệu tấn CO2; 485,58 nghìn tấn CO và 10,38 nghìn tấn NOX vào khí quyển.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Khói rơm rạ 'bủa vây' Thủ đô Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới