Khơi dậy sức sống mới cho du lịch bảo tàng
Việt Nam sở hữu nhiều bảo tàng với hàng nghìn hiện vật mang đậm bản sắc dân tộc, tạo tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa. Tuy nhiên, du lịch bảo tàng tại Việt Nam hiện vẫn chưa thu hút được nhiều du khách.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng du lịch trải nghiệm ngày càng phát triển, du lịch bảo tàng đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá của du khách. Việt Nam với bề dày lịch sử hàng nghìn năm và sự phong phú của các di sản văn hóa, đang sở hữu một nguồn tài nguyên bảo tàng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu du lịch bảo tàng có thực sự trở thành một hướng đi mới cho ngành du lịch Việt Nam để góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế của đất nước trên bản đồ du lịch thế giới.
Tham quan bảo tàng là cách nhanh nhất để có được cái nhìn tổng quan về lịch sử, văn hóa và con người của một quốc gia. Chỉ trong một buổi tham quan, có thể tìm hiểu về những sự kiện trọng đại, những nhân vật lịch sử nổi tiếng, những phong tục tập quán độc đáo,... Bảo tàng như những cuốn sách sống động, mang đến cơ hội hiểu rõ hơn về quá khứ và hiện tại của đất nước, giúp kết nối với những giá trị văn hóa và lịch sử quan trọng.
Để thu hút khách du lịch, các bảo tàng cần tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ. Thay vì chỉ đơn thuần trưng bày hiện vật một cách tĩnh tại, các bảo tàng có thể tổ chức những hoạt động tương tác, các buổi thuyết trình hấp dẫn hay thậm chí là các chương trình nghệ thuật đa dạng.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, bà Trần Xuân Thảo - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách du lịch đến tham quan bảo tàng năm nay so với cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 35%. Trong năm nay, Sở Du lịch TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu du lịch đối với TP.HCM nói chung và trong đó có các điểm tham quan tại điểm nói riêng, vì thế lượng khách đến với Bảo tàng chúng tôi khá đông”.
Bà Thảo nhấn mạnh hạn chế mà bảo tàng hiện đang gặp phải là về mặt thủ tục. Đầu tư trang thiết bị mới, dù là thiết yếu để nâng cao trải nghiệm của khách tham quan, cũng đòi hỏi phải trải qua một quá trình phê duyệt kéo dài và phức tạp. Tất cả đều phải theo cơ chế, quy định, trình tự,... khiến cho thời gian triển khai dự án bị kéo dài đáng kể.
Mặc dù các bảo tàng ở Việt Nam sở hữu nhiều giá trị độc đáo và phong phú, nhưng việc phát huy những giá trị này gắn liền với du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các bảo tàng chỉ là điểm tham quan đơn thuần, thiếu sự kết nối với các sản phẩm du lịch khác, doanh nghiệp và du khách, dẫn đến việc quảng bá chưa rộng rãi và kém hấp dẫn. Thêm vào đó, bảo tàng thiếu các sản phẩm lưu niệm đặc trưng, nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp và sự hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ, làm giảm sức hút và khả năng bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử.
Để du lịch bảo tàng trở thành một hướng đi mới và bền vững cho ngành du lịch Việt Nam, cần có những thay đổi toàn diện. Trước hết, cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị các công nghệ hiện đại cho bảo tàng, từ hệ thống ánh sáng, âm thanh đến thiết bị trình chiếu và lưu trữ hiện vật. Đồng thời, đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên bảo tàng cũng rất quan trọng, giúp họ không chỉ quản lý hiện vật mà còn trở thành những người kể chuyện, làm rõ các giá trị văn hóa, lịch sử.
Ngoài ra, việc kết nối bảo tàng với doanh nghiệp du lịch là yếu tố không thể thiếu. Các bảo tàng cần trở thành một phần trong các tour du lịch, là điểm nhấn trong hành trình của du khách. Xây dựng các tour du lịch chuyên đề, kết hợp với những điểm đến khác như di tích lịch sử sẽ giúp khách tham quan có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Du lịch bảo tàng có tiềm năng lớn để trở thành một trong những hướng đi quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để biến tiềm năng này thành hiện thực cần có sự đầu tư và đổi mới toàn diện, từ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đến các sản phẩm du lịch và cách tiếp cận du khách. Nếu được khai thác đúng cách, du lịch bảo tàng không chỉ giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Hồng Gấm