Chủ nhật, 28/04/2024 10:53 (GMT+7)
Thứ ba, 02/08/2022 17:50 (GMT+7)

Khoáng sản là gì? Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản

Theo dõi KTMT trên

Cùng tìm hiểu về "Khoáng sản là gì? Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản" qua bài viết dưới đây.

Khoáng sản là gì?

Khoáng sản là gì, cách phân loại khoáng sản là những vấn đề đầu tiên khi hiểu về khoáng sản. Khoáng sản được pháp luật Việt Nam định nghĩa thế nào? 

Dưới góc độ nghiên cứu địa lý, khoáng sản được hiểu là các loại chất cấu tạo nên vỏ Trái Đất, chính xác hơn, nó chính là thành phần để tạo thành khoáng vật của vỏ Trái Đất. Tính chất vật lý, thành phần hóa học của khoáng sản cung cấp cho con người những giá trị sử dụng hữu ích, có hiệu quả trong việc sản xuất ra của cải phục vụ cho đời sống con người.

Mỗi loại khoáng sản có những đặc tính khác biệt, do vậy, sẽ có vai trò, công dụng khác nhau trong đời sống con người. Thành phần hóa học của khoáng sản cũng có thể được coi là căn cứ để xác định giá trị, mức độ hữu ích của nó đối với con người.

Một số đặc điểm dễ nhận biết về khoáng sản:

+ Được hình thành tự nhiên, qua quá trình tích tụ vật chất, thậm chí là có sự biến đổi trong chính loại vật chất được tích tụ đó;

+ Nó là những loại vật chất có giá trị sử dụng, giá trị khác hữu ích cho đời sống con người;

+ Là một trong những loại tài nguyên thiên nhiên;

+ Tạo ra của cải vật chất, làm thay đổi xã hội loài người;

+ Nó có thể tồn tại hữu hạn và cạn kiệt vào một thời điểm nhất định;

Dưới góc độ pháp lý, khoáng sản được định nghĩa theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010 là:

1. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.…

Theo đó, khoáng sản được định nghĩa theo pháp luật Việt Nam có một số đặc điểm sau:

+ Có thể hình dung, định hình được: Nó ở thể rắn, lỏng, khí;

+ Phạm vi tồn tại: Trong lòng đất, trên mặt đất;

+ Nó là những vật chất được tích tụ tự nhiên: Không có sự can thiệp của con người trong quá trình tích tụ tạo thành các loại khoáng sản này.

Dưới góc độ đời sống, khoáng sản có thể là những khối vật chất với nhiều hình dạng khác nhau mà con người có thể nhìn thấy, chạm,..sử dụng hoặc khai thác nó nhằm phục vụ cho đời sống vật chất, đời sống tinh thần của con người.

Kết luận: Khoáng sản dù được hiểu theo góc độ nào thì cũng là những vật chất được hình thành, tích tụ tự nhiên qua thời gian dài, có giá trị đối với đời sống con người.

Có mấy dạng khoáng sản?

Tùy thuộc căn cứ phân chia các loại khoáng sản mà khoáng sản có thể được phân thành:

Căn cứ phân loại

Các loại khoáng sản

Trạng thái vật lý 

- Khoáng sản rắn: Mỏ quặng, mỏ kim loại,...;

- Khoáng sản lỏng: Dầu mỏ, nước khoáng,...;

- Khoáng sản khí: Khí đốt, khí trơ

Theo công dụng, nguồn trữ lượng của khoáng sản

- Khoáng sản là nhiên liệu hóa thạch/khoáng sản năng lượng: Dầu mỏ, khí đốt, than, bùn, than đá,...;

- Khoáng sản kim loại/quặng: Các quặng kim loại đen, quặng kim loại màu, quặng kim loại quý;

- Khoáng sản phi kim loại: Đá vôi, cát, đất sét, đá hoa cương…(khoáng sản phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng), các khoáng sản phi kim khác;

- Khoáng sản là đá màu: Các loại đá quý gồm kim cương, ngọc lục bảo, tourmaline, … hoặc ngọc thạch anh, đá mã não, charoit, nefrit…;

- Khoáng sản là thủy khoáng: Nước ngọt ngầm dưới đất, nước khoáng..;

- Khoáng sản là nguyên liệu khoáng - hóa (vật chất phản ứng hóa học với các hợp chất khác để tạo ra vật thể có ích): Các muối khoáng như barit, borat,...hoặc apatit/quặng apatit 

Khoáng sản là gì? Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản - Ảnh 1

Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản là làm gì?

Từ định nghĩa khoáng sản là gì, vai trò của khoáng sản và các hoạt động của khoáng sản, có thể thấy việc khai thác, sử dụng khoáng sản có thể gây hại cho môi trường sống của con người. Như chúng tôi đã phân tích, hoạt động khoáng sản chắc chắn gây ảnh hưởng tới môi trường, cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người tại khu vực có hoạt động khoáng sản. Do đó, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường là hoạt động quan trọng mà cơ quan, tổ chức được quyền thực hiện hoạt động khoáng sản phải thực hiện.

Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường khi thực hiện thăm dò khoáng sản/khai thác khoáng sản là thực hiện các công việc được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Khoáng sản 2010, Luật Năng lượng nguyên tử 2008 và các văn bản có liên quan, cụ thể như sau:

Đối với cơ quan quản lý

Đối với cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động khoáng sản

- Kiểm tra thường xuyên việc thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường;

- Tổ chức đánh giá thiệt hại và xử lý hậu quả;

- Tổ chức các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

- Thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Thực hiện các bước theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt/hoặc theo báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Xác định nguyên nhân gây ô nhiễm và xử lý nhanh chóng, kịp thời hậu quả do hoạt động khoáng sản gây ra, giảm thiểu tối đa thiệt hại ô nhiễm môi trường;

- Ngăn chặn ngay và có các biện pháp giảm thiểu tối đa tác hại do hoạt động khoáng sản gây ra;

Chính sách của Nhà nước trong các hoạt động khoáng sản gồm những gì?

07 chính sách của Nhà nước trong hoạt động khoáng sản được quy định tại Điều 3 Luật Khoáng sản 2010 bao gồm:

Một là, tùy từng thời kỳ mà Nhà nước có các chiến lược, quy hoạch khoáng sản để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

Hai là, Nhà nước bảo đảm khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả: Việc khai thác, sử dụng hợp lý khoáng sản là căn cứ để quốc gia, đất nước phát triển bền vững, ổn định, tự chủ;

Ba là, Nhà nước thực hiện:

+ Đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo chiến lược, quy hoạch khoáng sản: Đây là các công việc cụ thể hóa cho các quy hoạch, chiến lược đã được lập, phê duyệt trước đó;

+ Thực hiện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản (là các hoạt động nghiên cứu/điều tra về cấu trúc, thành phần vật chất, …nhằm có dữ liệu, kết quả để đánh giá tổng quan tiềm năng khoáng sản và làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động thăm dò khoáng sản) và hoạt động khoáng sản (xây dựng cơ bản, khai đào,..).

Bốn là, việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản được Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cơ quan, cá nhân tham gia đầu tư, hợp tác với các tổ chức chuyên ngành địa chất của Nhà nước để có hiệu quả tốt nhất;

Năm là, để nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Nhà nước sẽ tiến hành đầu tư thăm dò, khai thác một số loại khoáng sản quan trọng;

Sáu là, dự án đầu tư khai thác khoáng sản gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản để làm ra sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm khác có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội là những dự án được Nhà nước khuyến khích thực hiện;

Bảy là, tùy từng thời kỳ mà Nhà nước có chính sách xuất khẩu khoáng sản phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Như vậy, đây là những chính sách cơ bản, quan trọng để Nhà nước thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng cũng như đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế, xã hội.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Khoáng sản là gì? Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới