Thứ sáu, 26/04/2024 14:13 (GMT+7)
Chủ nhật, 21/06/2020 10:00 (GMT+7)

Khó khăn trong xử lý sụp, lún tại Cà Mau

Theo dõi KTMT trên

Cũng như nhiều tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cà Mau đang đối mặt nhiều hệ lụy của đợt hạn hán khốc liệt. Bên cạnh những bất lợi mà hầu như tỉnh nào ở ĐBSCL cũng gặp phải, hạn hán ở Cà Mau còn gây nên tình trạng sụp, lún, sạt trượt đất tại nhiều địa phương.

Khó khăn trong xử lý sụp, lún tại Cà Mau - Ảnh 1
Sụp, lún nghiêm trọng trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc khiến giao thông về xã Khánh Bình Tây bị cô lập.

Thời gian gần đây, tình trạng sụp, lún nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, phá hỏng đường sá và nhiều công trình giao thông huyết mạch. Nghiêm trọng nhất là tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc về trung tâm xã Trần Hợi và Khánh Bình Tây của huyện Trần Văn Thời. Trong số các vụ sụp, lún, đến nay người dân địa phương vẫn còn ám ảnh vụ sụp, lún vào rạng sáng 22-3 trên tuyến đường về trung tâm xã Trần Hợi, đoạn từ Co Xáng về chợ Cơi Năm, khiến năm người đang lưu thông trên ba xe máy sụp xuống hố. Thuật lại vụ việc, bà Hà Xuân Hóa (ấp 2, xã Trần Hợi) vẫn chưa hết bàng hoàng. “Tôi thức dậy chuẩn bị bữa sáng cho mấy đứa cháu thì nghe tiếng động lớn trước nhà. Ra xem thì thấy con lộ nhựa ngang mặt tiền nhà tôi bị sụp, lún sâu vài mét, tạo thành cái hố to như hố bom”.

Qua đo đạc, đoạn sụp, lún dài 50 m, rộng 6 m, sâu từ 2,5 đến 3,5 m, khiến giao thông bằng ô-tô trên tuyến tê liệt. Đưa mắt về con kênh cạn nước nằm dọc theo chiều dài của con lộ nhựa vừa bị sụp, lún, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi Ngô Văn Trường nhận định: “Thủ phạm” gây sụp, lún, chính là khô hạn. Vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã có rất nhiều trường hợp tương tự như vậy.

Đồng chí Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, từ cuối tháng 2-2020 đến nay, tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc đã xảy ra hơn 10 vụ sụp, lún, tổng chiều dài sụp, lún hơn 400 m. Ngoài xã Trần Hợi, thì Khánh Bình Tây cũng là một trong những xã vùng ngọt bị thiệt hại nặng nề. Vụ gần đây xảy ra vào khoảng 6 giờ sáng 22-5, tại lý trình Km 21+550, cách cầu Nông trường khoảng 1,7 km về hướng cầu Cơi Năm, thuộc ấp Cơi Năm B (xã Khánh Bình Tây), tổng chiều dài khu vực sụp lún gần 40 m, chiều sâu sụp, lún ở vị trí sâu nhất tới 3,3 m.

“Liên tiếp các vụ sụp, lún nghiêm trọng trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc đã khiến vận tải trên bộ về xã đảo duy nhất của tỉnh Cà Mau là Khánh Bình Tây bị cô lập hoàn toàn” - đồng chí Lê Phong cho biết và tỏ rõ lo lắng: “Tình hình giờ căng quá. Đường sá hư hỏng nhiều chưa có kinh phí sửa chữa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đi lại, vận chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Tình trạng sụp, lún trong mùa khô đang xảy ra phổ biến trên địa bàn vùng ngọt tỉnh Cà Mau. Qua thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 1.160 vị trí sụp, lún, tổng chiều dài hơn 25,2 km. Phần lớn các vụ sụp, lún tập trung trên địa bàn các xã vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời. Trong số đó, có một số công trình giao thông lớn, như: tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (giai đoạn 1); tuyến đường trên đê biển Tây, đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc và một số tuyến đường huyết mạch về các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc…

Chỉ tấm bản đồ giao thông vùng ngọt Cà Mau bị đánh chéo đỏ nham nhở vì sụp, lún, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cà Mau Lê Thành Huấn lắc đầu ngao ngán: Đường sá tan hoang như bãi chiến trường. Mùa mưa sạt lở đã đành, giờ mùa hạn cũng không tránh khỏi.

Sụp lún trong mùa khô hạn từng xảy ra ở Cà Mau. Trong năm tháng mùa khô năm 2016, toàn tỉnh Cà Mau có tới 94 tuyến công trình xảy ra sạt lở, sụp, lún, làm hư hỏng 113 km đường giao thông. “Qua quan sát thấy rằng, điểm chung của tình trạng sụp, lún trong mùa khô là các tuyến lộ nằm cặp và nằm dọc theo chiều dài các con kênh, con rạch đã khô cạn nước” - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau, Nguyễn Long Hoai đánh giá và cho biết, vào cao điểm khô hạn giữa tháng 5 vừa qua, hệ thống các kênh trục vùng ngọt của tỉnh Cà Mau chỉ còn khoảng 0,5 m nước, trong khi các tuyến kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng thì khô cạn hoàn toàn.

Kênh rạch khô cạn được cho là “thủ phạm” chính gây nên tình trạng sụp, lún làm hư hỏng đường sá vùng ngọt tỉnh Cà Mau. Căn cứ để Cà Mau đưa ra nhận định này là kênh rạch các địa phương vùng mặn của tỉnh hiện đang đầy nước thì không xảy ra tình trạng sụp, lún. Gần đây, khi cống ngăn mặn Trùm Thuật Nam (xã Khánh Hải) bị rò rỉ, nước mặn xâm nhập vào bên trong khiến kênh thủy lợi “no nước” nên sụp, lún không tái diễn.

Chủ tịch UBND xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) Ngô Văn Hường cho biết: “Trước khi xảy ra sự cố rò rỉ cống Trùm Thuật Nam, trên địa bàn xã Khánh Hải bị sụp, lún 164 vị trí. Khi cống gặp sự cố, nước mặn tràn vào thì không xảy ra sụp, lún nữa”.

Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau Dư Minh Hùng phân tích: “Khi không còn nước sẽ tạo thành vùng rỗng khiến kết cấu các tầng đất phía dưới con lộ dọc kênh khô nước bị yếu và bị co ngót. Vì vậy, nền đất sẽ không chịu được sức tải của phương tiện giao thông lớn, cũng như các công trình xây dựng kiên cố trên bề mặt, dẫn đến sụp, lún, phá vỡ kết cấu công trình”.

Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng) Trần Anh Tuấn nhận định: “Đặc điểm của vùng ĐBSCL, trong đó có Cà Mau là “dưới kênh trên lộ”. Khi dưới kênh khô cạn thì bao nhiêu hàng hóa sẽ chuyển lên lộ, làm gia tăng áp lực lên các tuyến lộ”.

Việc khắc phục sụp, lún là không thể chần chừ, tuy nhiên việc xử lý ở Cà Mau là hết sức khó khăn bởi vào cao điểm những tháng khô hạn, kênh, rạch vùng ngọt của tỉnh đã khô cạn khiến vận chuyển đường thủy bị tê liệt. Trong khi đó, tại rất nhiều tuyến lộ bị sụp, lún đang xuất hiện những vết nứt mới có thể tái diễn sụp, lún buộc cơ quan chức năng địa phương phải rào chắn, cấm xe ô-tô, xe tải. Do vậy, việc vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư… để tu sửa công trình giao thông bị hư hỏng là không thể, mà chỉ thực hiện được trong mùa mưa, khi kênh rạch đầy nước trở lại.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, Tô Quốc Nam kiến nghị: “Đã có lúc, tỉnh họp dân và dự tính đưa một lượng nước mặn vừa đủ vào kênh, rạch vùng ngọt để tạo phản áp, giảm sụp, lún. Khi mưa đến, cơ quan chức năng tỉnh sẽ tháo mặn hoặc dùng máy công suất lớn bơm cưỡng bức nước mặn ra khỏi kênh vùng ngọt”.

Đề xuất tạm thời “đưa mặn vào vùng ngọt” để “chữa cháy” của Cà Mau đã không nhận được sự đồng tình cao của chuyên gia, nhà khoa học ở các bộ, ngành Trung ương. Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp này khá mạo hiểm bởi sẽ phải đầu tư không ít tiền và công sức để Cà Mau giữ được vùng ngọt rộng lớn. Quan sát trên bản đồ có thể thấy rõ, vùng ngọt của Cà Mau hiện nằm sát mé biển, bao bọc bên ngoài là đê biển Tây, phía trong có những cống ngăn mặn, trữ ngọt và các ô thủy lợi nhỏ. Quy hoạch nêu trên đã có cách nay hơn 20 năm, giờ có còn phù hợp? Bởi có ai mang cây lúa, con cá đồng…, nuôi trồng sát biển, trong khi Cà Mau là tỉnh duy nhất vùng ĐBSCL chưa có nguồn nước ngọt từ sông Mê Công dẫn về mà sản xuất vùng ngọt phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa. Đó cũng là lý do khi kênh rạch khô cạn sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ, cả về sản xuất và vấn đề sụp, lún ảnh hưởng đến giao thông.

Hữu Tùng

Bạn đang đọc bài viết Khó khăn trong xử lý sụp, lún tại Cà Mau. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới