Thứ năm, 02/05/2024 20:29 (GMT+7)
Thứ tư, 16/02/2022 07:00 (GMT+7)

Khó khăn "bủa vây" doanh nghiệp điện than

Theo dõi KTMT trên

Áp lực từ giá nguyên liệu, khó khăn về huy động vốn và cam kết giảm phát thải bằng 0 đang khiến nhiều dự án điện than phải hủy bỏ hoặc chuyển sang dùng nhiên liệu khác.

Giá nguyên liệu tăng cao

Ngay từ những ngày đầu năm 2022, dưới áp lực lạm phát, hàng loạt các nguyên liệu đầu vào cơ bản đều bật tăng trở lại sau giai đoạn điều chỉnh. Trong đó, giá than và giá dầu tiếp tục xu hướng tăng mạnh.

Theo dữ liệu của Investing, từ 3/1/2022 đến 13/2/2022, giá than đã tăng 55,6% từ 157,5 lên 245 USD/tấn và nếu so với cùng kỳ năm trước, ước tính tăng 178%. Tương tự như vậy, giá dầu Brent từ 1/12/2021 đến 11/2/2022 đã tăng 38,5% từ 68,87 lên 95,41 USD/thùng và nếu so với cùng kỳ tăng 37%.

Nguyên nhân được các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hóa cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, điều này thúc đẩy một số quốc gia đẩy mạnh sản xuất điện từ than để đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, Indonesia, quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới cũng đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, ngày 20/1/2022, Indonesia đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu than đối với 139 công ty sau khi đáp ứng các yêu cầu bán hàng tại thị trường nội địa nhằm ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung và mất điện.

Khó khăn "bủa vây" doanh nghiệp điện than - Ảnh 1
Doanh nghiệp điện than đang đứng trước nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Riêng đối giá dầu, các ngân hàng đầu tư lớn như Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ lên mức 100 USD/thùng trong năm 2021; JPMorgan dự báo giá dầu sẽ lên 125 USD/thùng vào năm 2022 và 150 USD/thùng vào năm 2023…

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán BSC, giá nhiên liệu đầu vào thế giới sẽ tiếp tục neo ở mức cao do khủng hoảng năng lượng trên thế giới do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Khó khăn về huy động vốn

Đánh giá về triển vọng ngành điện than trong năm mới và trong dài hạn, Công ty Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) nhìn nhận các dự án điện than mới sẽ gặp nhiều khó khăn khi các tổ chức quốc tế không còn hỗ trợ vay vốn trong khi vẫn được quy hoạch với tỉ lệ cao.

Hiện nay, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương xây dựng, vẫn còn khoảng gần 30 GW (30.000 MW) điện than sẽ phát triển từ giờ đến năm 2035.

Tuy nhiên theo dữ liệu phân tích của VCBS, trong số này mới có khoảng 15 GW là đã dự kiến có kế hoạch thu xếp vốn, còn khoảng 15 GW chưa có kế hoạch thu xếp vốn.

Các dự án điện than vì vậy sẽ gặp khó trong huy động vốn khi các tổ chức tài chính quốc tế hiện đang theo đuổi chính sách tín dụng xanh.

Ngoài ra, các dự án mới đều phải dùng nguồn than nhập khẩu với tỉ lệ phát thải CO2 cao nên có khả năng nhiều dự án sẽ bị hủy bỏ hoặc chuyển đổi sang sử dụng khí LNG và phải đầu tư lớn các máy móc phục vụ việc thay đổi nguyên vật liệu.

Ngược lại, các cam kết mức phát thải ròng về 0 năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh tay vào nhiệt điện khí LNG và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, ngành điện chính là ngành phát thải CO2 nhiều nhất với hơn 50%, và 40% trong số đó đến từ nhiệt điện than.

Để đạt được mục tiêu “Net Zero năm 2050”, dự kiến nguồn năng lượng tái tạo sẽ được tăng mạnh lên 88 - 95% trong giai đoạn 2040 – 2050 cùng với các nguồn năng lượng ít phát thải carbon hơn như điện khí và tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý khí thải cho các hoạt động phát thải nhiều khí nhà kính.

Theo IEA, từ 2030 tới năm 2050, thế giới mỗi năm cần thêm khoảng 630 GW điện mặt trời và 350 – 390 GW điện gió, trong đó có khoảng 70 – 80 GW điện gió ngoài khơi/năm.

"Như vậy, đây là một cơ hội rất lớn cho các công ty nằm trong chuỗi giá trị năng lượng tái tạo trong dài hạn" - VCBS đưa đánh giá.

Trước đó, trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) được Văn phòng Chính phủ phát ra, Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cơ cấu nguồn điện phù hợp đến năm 2045 trên cơ sở cập nhật giải pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP 26.

Với điện than, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu rà soát lại quy hoạch nguồn điện này sau năm 2030 theo hướng chuyển đổi nhiên liệu hoặc không tiếp tục phát triển nếu dự án không có các ràng buộc, có nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế.

Quy hoạch điện VIII cũng cần tính toán, tăng thêm quy mô và nghiên cứu cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi.

Lợi nhuận thụt lùi

Lợi nhuận gộp của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) âm 45,95 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP) âm 12,93 tỷ đồng. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp của Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND) giảm từ mạnh 15,98% về còn 6,2%; biên lợi nhuận gộp của Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (mã NT2) giảm từ 15,08% về còn 6,76%; biên lợi nhuận gộp của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã POW) giảm từ 14,96% về còn 12,97%.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Khó khăn "bủa vây" doanh nghiệp điện than. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Campuchia quyết tâm xây kênh đào Phù Nam Techo
Thủ tướng Camphuchia Hun Manet khẳng định rằng kênh đào Phù Nam Techo, với chi phí xây dựng 1,7 tỷ USD sẽ chỉ phục vụ việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.