Thứ tư, 01/01/2025 07:19 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/08/2023 21:03 (GMT+7)

Khi ánh sáng được “nhìn” bằng trái tim

Theo dõi KTMT trên

Cậu bé “nhìn” bằng trái tim thay vì đôi mắt tên là Vũ Huy Thiệp, sinh năm 2008, tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Là một trong 5 bạn nhỏ mồ côi trên địa bàn xã nhận được sự hỗ trợ chăm sóc hàng tháng từ Tập đoàn Hòa Phát.

Thiệp đang học nội trú tại Trung tâm bảo trợ Trẻ mồ côi và khuyết tật Việt Trì, cách nhà hơn 30km. Đến cuối tuần, các thầy cô giáo sẽ đưa Thiệp lên xe khách.

Đều đặn suốt nhiều năm nay, điểm lên xuống quen thuộc của Thiệp lần lượt là Thành phố Việt Trì và quốc lộ 32. Từ quốc lộ 32, phải đi thêm 9km nữa với gần nửa là đường đất mới về tới lán, nơi ở của bốn mẹ con Thiệp.

Nhà Thiệp vốn ở gần Ủy ban Nhân dân xã Đồng Lương, nhưng mấy mẹ con chuyển vào lán trại, vừa để sinh sống, vừa để tiện trồng trọt chăn nuôi.

Trên Thiệp có một anh trai sinh năm 2006 đang theo học trường nghề. Còn phía dưới là em trai năm nay 13 tuổi.

Khi ánh sáng được “nhìn” bằng trái tim - Ảnh 1
Em Vũ Huy Thiệp ( mặc áo đen, bên trái ngoài cùng) đứng cạnh mẹ và em trai.

Xã Đồng Lương hay còn gọi là chiến khu Vạn Thắng là xã miền núi của huyện Cẩm Khê, gồm 11 khu dân cư và trên 1.500 hộ dân. Địa bàn rộng nhưng không có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Dù được công nhận chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 5%. Bốn mẹ con Thiệp nằm trong số 5% ít ỏi đó.

Khi ánh sáng được “nhìn” bằng trái tim - Ảnh 2
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trao quà cho các em.

Thiệp thích hát. Con hát rất hay dù chưa từng được đào tạo kỹ thuật bài bản. Con hát bằng bản năng và cảm xúc trong veo của một đứa trẻ.

Năm 2019, ba tháng sau khi bố mất, con giành được huy chương vàng Hội thi Tiếng hát Người khuyết tật miền Bắc. Tại Trung tâm bảo trợ, Thiệp vừa được học văn hóa, vừa được theo các anh chị đi biểu diễn tại các chương trình văn nghệ gây quỹ tại các khu dân cư, trường học.

Nếu vô tình bắt gặp một sân khấu đơn giản trên một vỉa hè nơi xe cộ tấp nập qua lại, với tấm bạt đã mờ in dòng chữ “tiếng hát từ trái tim”, vài ba bóng đèn vàng rọi xuống, đôi chiếc loa nhỏ… thì hãy dừng lại vài phút nhé. Biết đâu trong số ca sĩ đang cầm mic hát say sưa, có Thiệp.

Hoặc không, hãy cứ dừng lại ủng hộ tinh thần cho những người khuyết tật giống con, đang chân chính kiếm tiền nuôi sống bản thân.

Khi ánh sáng được “nhìn” bằng trái tim - Ảnh 3

Trong căn nhà nằm giữa ruộng sắn, nơi những tia nắng xuyên qua các mắt nan trên vách nứa, Thiệp ngân nga câu hát “Mẹ là ánh sao để con ước ao bao điều”. Nhưng ánh sao của con lấp lánh ra sao, con cũng mãi mãi không thể biết được.

“Sau này lớn lên con sẽ trở thành nông dân”

Đó là ước mơ của Vũ Quốc Thư, sinh năm 2010, em trai Thiệp. Thư năm nay học lớp 8, theo diện phổ cập giáo dục. Khả năng nhận thức của con chậm hơn các bạn cùng tuổi. Nhưng bù lại, Thư là một cậu bé hồn nhiên, giàu tình cảm. Biết thương anh, thương mẹ.

Chị Nga, mẹ của Thư và Thiệp trồng sắn nuôi tằm. Ngày mùa rảnh rỗi sẽ đi làm công nhân may gia công tại các xưởng nhỏ, kiếm 100 ngàn công mỗi ngày. Thiệp đi học nội trú cả tuần, anh trai theo học nghề từ sáng đến tối mịt, chỉ có Thư ở nhà giúp đỡ mẹ.

Không tivi, không điện thoại, không ipad… những thứ mà tụi trẻ con thành phố mê mệt, Thư thường chơi cùng mấy con mèo con bên bờ ao, vừa đỡ nóng, vừa có thể dõi mắt trông con bò buộc ngoài ruộng. Nấu cơm, nấu cám lợn, hái lá sắn cho tằm, chăn bò… tất cả những gì có thể giúp đỡ mẹ, Thư đều làm được hết.

Vất vả là thế, mẹ không có thời gian dạy bảo vì bận cơm áo gạo tiền, nhưng Thư vẫn rất ngoan và lễ phép khi có khách đến chơi nhà.

Khi ánh sáng được “nhìn” bằng trái tim - Ảnh 4
Vũ Quốc Thư, sinh năm 2010, em trai Thiệp. Thư năm nay học lớp 8, khả năng nhận thức của em chậm hơn các bạn cùng tuổi. Nhưng bù lại, Thư là một cậu bé hồn nhiên, giàu tình cảm.

Khi được hỏi về ước mơ của một đứa trẻ, Thư hồn nhiên trả lời: “Con giỏi nhất là chăn bò, sau này lớn lên con ước mơ trở thành người nông dân”.

Những đứa trẻ không được “lựa chọn”

Tại huyện Cẩm Khê, Tập đoàn Hòa Phát phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện nhận hỗ trợ cho 10 trẻ mồ côi, thuộc hai xã Đồng Lương và Sơn Tình.

Tính riêng trên địa bàn xã Đồng Lương, theo thống kê có 8 trường hợp trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. 5 trẻ được hỗ trợ bởi Tập đoàn Hòa Phát, 3 trẻ còn lại đều được các tổ chức và cá nhân tại địa phương nhận chăm sóc.

Khi ánh sáng được “nhìn” bằng trái tim - Ảnh 5
Em Nguyễn Mạnh Tiến (14 tuổi) mồ côi cha. Dù có hơi nhút nhát nhưng Tiến là đứa trẻ ngoan, biết lo lắng, phụ giúp mẹ gánh vác việc gia đình.

Dù ở các độ tuổi khác nhau, nhưng những đứa trẻ đều có điểm chung là mồ côi cha, gia đình thuộc hộ nghèo tại địa phương, thiếu sự quan tâm dạy bảo sát sao của mẹ. Dù thương con, nhưng gánh nặng kinh tế không cho phép người mẹ có nhiều thời gian dành cho con cái mình.

Không có hình bóng người cha trong gia đình, đồng thời cũng thiếu vắng sự gần gũi chăm sóc từ người mẹ. Những đứa trẻ nằm ngoài sự lựa chọn của người lớn, khi đứng giữa kinh tế và con cái.

Hai chị em Vi Thị Anh (2012) và Vi Xuân Trường (2013) là điển hình của những đứa trẻ mồ côi cha, thiếu vắng hơi ấm của mẹ. Chị Hằng, mẹ của hai bạn gửi con ở nhà với ông bà, xuống Hà Nội làm giúp việc, chỉ đến tết mới về.

Thời gian ngắn ngủi từ 27 Tết đến rằm tháng giêng là thời gian duy nhất trong năm hai chị em được gặp mẹ, được ăn cơm mẹ nấu, được nằm ngủ bên cạnh mẹ. Phần lớn thời gian còn lại là ở nhà với ông bà, thả trâu, nuôi tằm.

Tụi trẻ đứa nào cũng thấp bé hơn nhiều so với độ tuổi, mơ hồ nghĩ xem món ăn mình thích là gì, bởi mâm cơm lặp đi lặp lại là rau luộc, là lạc rang, là vài con tằm chín để lại sau khi bán cho thương lái, là mấy miếng thịt nhiều mỡ… Những đứa trẻ không được lựa chọn món ăn hàng ngày.

Khi ánh sáng được “nhìn” bằng trái tim - Ảnh 6
Em Vi Thi Anh thường giúp ông bà lo nuôi tằm, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.

Nếu cùng những đứa trẻ nói chuyện về việc học tập, đều sẽ nhận được câu trả lời ngượng ngùng rằng “con chỉ được học sinh trung bình thôi ạ”, “con không thi cấp 3 đâu, con chỉ học được bổ túc thôi”…

Đấy là kịch bản chung của những đứa trẻ. Ăn bữa nay, lo bữa mai, không thể chi trả được học phí của những lớp học thêm bổ trợ kiến thức, lại không có trình độ văn hóa để hướng dẫn con học hành… dù muốn những đứa trẻ có thể học hành giỏi giang để thoát ly khỏi cái đói, cái nghèo, những bà mẹ trong gia đình cũng đành bất lực.

Ba chị em Ngô Thị Thu Hiền, Ngô Tiến Thành và Ngô Đức Chung (xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) mồ côi cha. Thu Hiền đã nghỉ học, lựa chọn đi học nghề phù hợp với khả năng. Tiến Thành và Đức Chung dù sàn sàn tuổi nhau nhưng không thể dạy nhau học, bởi đứa lớn cũng không giỏi hơn đứa nhỏ là mấy.

Trong căn phòng trống hoác chỉ có duy nhất 1 chiếc giường, không bàn học. Hai anh em thi thoảng sẽ nằm bò trên giường làm bài tập, hoặc không. Chúng dành thời gian chăm mấy con gà để chờ đẻ trứng, cải thiện bữa cơm, cũng hi vọng đến tết sẽ đem ra chợ bán.

Cách đây mấy hôm, mấy con gà đã bị trộm mất. Chuồng gà trống không. Tụi trẻ con ánh mắt trống rỗng. Những đứa trẻ không được lựa chọn điều mình muốn.

Khi ánh sáng được “nhìn” bằng trái tim - Ảnh 7
Ba chị em Ngô Thị Thu Hiền (áo đen, đứng giữa), Ngô Tiến Thành( bên phải ngoài cùng) và Ngô Đức Chung (bên trái ngoài cùng) chụp ảnh cùng mẹ. Bố các em mất do tai nạn lao động, gia đình khó lại càng thêm khó, một mình chị Mỹ Linh (mẹ của 3 em, mặc áo nâu) phải một mình gồng gánh nuôi cả 3 anh em ăn học.

Nếu may mắn, tụi trẻ vẫn sẽ được gia đình bên nội yêu thương đón nhận. Nhưng nếu kém may mắn hơn, thì không chỉ mất bố, tụi trẻ còn xa cách cả với nhà nội. Tụi trẻ không được lựa chọn, cũng không có sự lựa chọn.

Chẳng ai chọn mồ côi.

Minh Thư

Bạn đang đọc bài viết Khi ánh sáng được “nhìn” bằng trái tim. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới