Chủ nhật, 24/11/2024 12:50 (GMT+7)
Thứ sáu, 02/09/2022 15:05 (GMT+7)

Khát vọng xây dựng thương hiệu giấm cô Tâm ở làng Bách Cốc cổ

Theo dõi KTMT trên

Vũ Minh Ngọc (SN 1991) tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc Hà Nội từng có vị trí công việc khiến nhiều người phải mơ ước. Nhưng bỏ lại sau lưng để quay về quê xây dựng cho mình lối đi riêng và khát vọng về thương hiệu truyền thống quê hương.

Truyền thống quê hương

Theo thần phả vào thời vua Hùng Vương có 12 vị Tổ xuôi thuyền theo dòng sông Hồng từ Bạch Hạc về cửa biển Côi Sơn khai khẩn dải bãi hoang sơ bên dòng sông Cốc lập nên làng Bách Cốc, nhớ ơn 12 vị có công khai phá, đề ở đình làng “Thập nhị tính gia tiên”. Từ buổi sơ khai ấy tổ tiên đã đặt tên làng Bách Cốc với một mong ước về một vùng quê trù phú.

Khát vọng xây dựng thương hiệu giấm cô Tâm ở làng Bách Cốc cổ - Ảnh 1
Cơ sở sản xuất giấm cô Tâm làng cổ Bách Cốc.

Làng Bách Cốc cổ cách trung tâm TP.Nam Định khoảng 7km về phía tây, cách huyện Vụ Bản chừng 4km về phía đông. Làng xưa thuộc tổng Trình Xuyên, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng. Nay Bách Cốc thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Có thể nói, làng cổ Bách Cốc là một ngôi làng có trầm tích lịch sử - văn hóa lâu đời, đa dạng và phong phú. Được phù xa của dòng sông Hồng bồi đắp, tích tụ nên cây cối quanh năm tươi tốt, con người nhân hậu, chan hòa, chịu thương, chịu khó.

Điều đặc biệt, làng Bách Cốc có những sản vật nông nghiệp mà ở nơi khác không có với chất lượng và năng xuất các loại ngũ cốc lúc nào cũng đứng hàng đầu tỉnh huyện. Cây hoa màu từ bao đời nay đã tạo nên một dấu ấn riêng biệt mà bất cứ người con quê hương dù đi đâu vẫn nhớ vị ngọt đặc chưng không nơi nào có được của rau riếp, xà lách, vị thơm của rau mùi, rau húng cùng các loại nước chấm dân dã như mắm tép, mắm cua, mắm cáy hay giấm ủ.

Khát vọng xây dựng thương hiệu giấm cô Tâm ở làng Bách Cốc cổ - Ảnh 2
Một trong những gia vị mà người dân làng Bách Cốc thường dùng.

Để bữa ăn thêm phong phú từ xa xưa, người dân đã biết chế biến món nước chấm trong đó có giấm kết hợp với các gia vị tạo nên món nước chấm có thể sử dụng cho nhiều món ăn. Trong văn hóa ẩm thực Việt, những món ăn cổ truyền với sự thăng hoa của gia vị nguyên bản luôn là một điều gì đó thật say mê. Một vị chua của giấm ủ truyền thống trong bát canh riêu cá, bát nước chấm nem hay những lu mắm mỗi khi tiết trời trở lạnh đã làm nên một bữa cơm đầy đậm đà và hạnh phúc.

Cho dù tiềm năng truyền thống của quê hương có nhiều nhưng để phát triển thành một thương hiệu thì chưa ai làm được. Rồi như một cơ duyên đã đưa cậu thanh niên trẻ Vũ Minh Ngọc (SN 1991) tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, từng có vị trí công việc khiến nhiều người phải mơ ước. Nhưng bỏ lại sau lưng để quay về quê xây dựng cho mình lối đi riêng và khát vọng về thương hiệu truyền thống quê hương.

Cũng phải nói thêm rằng Ngọc được thừa hưởng từ truyền thống gia đình, giấm cô Tâm là sản phẩm lên men từ công thức của ông ngoại Ngọc, cụ Nguyễn Thanh Mai – Nguyên là Phó Tổng Giám đốc công ty Dược Nam Hà (cũ), sau đó truyền lại cho con gái mình là cô Tâm. Cô Tâm chính là mẹ của Ngọc và cũng chính là thương hiệu mà Ngọc đang xây dựng – Giấm cô Tâm.

Và khát vọng tuổi trẻ

Với sức trẻ, khát vọng và tư duy sáng tạo Ngọc đã từng bước tìm ra công thức của dòng sản phẩm đặc biệt giấm mơ trà xanh. Mơ được chọn lựa kỹ lưỡng từ vùng Tây Bắc ngâm mật mía lâu năm vùng Nghệ An kết hợp cùng trà xanh vùng Tây Côi Lĩnh (Núi Gôi, Vụ Bản) theo tỷ lệ nhất định ủ trong vòng 3 đến 4 tháng để lên men hoàn toàn tự nhiên. Với cách làm này đã làm nên sản phẩm thơm ngon độc đáo, có mùi thơm đặc trưng, chua nhẹ, vị dịu ngọt và thanh, tốt cho sức khỏe.

Đam mê, nhiệt huyết cháy hết mình với nghề để rồi nghề không phụ công người vất vả. Đến nay sản phẩm giấm mơ trà xanh đã có mặt tại nhiều hội chợ toàn quốc từ Bắc vào Nam, chuỗi cửa hàng của Hiệp hội nông nghiệp sạch, các cửa hàng thực phẩm sạch, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn ở nhiều tỉnh thành.

Khát vọng xây dựng thương hiệu giấm cô Tâm ở làng Bách Cốc cổ - Ảnh 3
Vũ Minh Ngọc kiểm tra sản phẩm cẩn thận trước khi cung cấp ra thị trường.

Trên nền sản phẩm giấm mơ trà xanh truyền thống, Ngọc tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm dòng sản phẩm giấm ngâm tiêu xanh, nước cốt mơ ngâm lâu năm cung ứng ra thị trường. Chưa dừng lại ở đó, từ quả mơ rừng Tây Bắc và công thức ngâm ủ gia truyền, Ngọc đang ấp ủ chế tạo ra sản phẩm vang mơ đặc trưng theo cách chiết kết hợp với công thức sản xuất rượu vang nho phương Tây (dòng balsamic của Pháp).

Mặc dù cố gắng nhưng quy trình làm giấm phải mất khá nhiều thời gian từ 3-4 tháng cho một lần sản xuất nên số lượng sản phẩm ra thị trường của Giấm cô Tâm cũng chỉ có hạn khoảng 2.500 – 3000 chai/tháng, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Buổi chiều đầu thu tôi ngồi với Ngọc trong một góc nhỏ tại cơ sở sản xuất giấm cô Tâm ở làng cổ Bách Cốc. Nghe Ngọc kể về hành trình của mình, kể về bao khó khăn, thử thách đã vượt qua và cả những dự định trong tương lai. Dẫu biết “vạn sự khởi đầu nan” nhưng trong đôi mắt của cậu thanh niên ấy, tôi thấy có khát vọng, có hoài bão và một ý trí kiên định cho hành trình dài phía trước, bởi đây mới chỉ là điểm khởi đầu cho khát vọng đó.

Khát vọng xây dựng thương hiệu giấm cô Tâm ở làng Bách Cốc cổ - Ảnh 4
Vũ Minh Ngọc chia sẻ với phóng viên.

Ngọc tâm sự: “Cách đây khoảng 3 năm, khi ra trường, em đã ấp ủ muốn làm một sản phẩm nào đó mang thương hiệu Việt, xuất phát từ việc thấy thị trường hàng tiêu dùng tràn ngập hàng Thái, Nhật Bản. Điều đó luôn thôi thúc bản thân phải tìm ra một sản phẩm để cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu nhập ngoại.

Đến nay giấm cô Tâm đã có được chỗ đứng trên thị trường, Ngọc đang tiến hành xây dựng một xưởng sản xuất với quy mô hơn, tiếp tục cải thiện quy trình sản xuất giấm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Chia sẻ về những dự định của mình Ngọc cho biết thêm: Thời gian tới em sẽ thành lập một Hợp tác xã chuyên về sản xuất giấm để đặt nền móng xây dựng làng nghề giấm truyền thống ngay tại làng cổ Bách Cốc. Sau đó, nhân rộng ra các hộ trong làng để mọi người có thể tham gia vào quá trình sản xuất giấm, từ đó có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống.

Với cái duyên tôi từng viết về những người thanh niên ưu tú cách đây hơn 20 năm của làng cổ Bách Cốc. Ngày đó, họ cũng chỉ có hoài bão, ước mơ và khát vọng tuổi trẻ nhưng vượt qua bao khó khăn, gian khổ để hôm nay họ đang là những người thành đạt, có vị thế trong xã hội. Tôi tin Ngọc cũng vậy, cũng sẽ thành công như thế hệ cha anh đi trước khi biến đam mê, khát vọng vào hiện thực.

Khát vọng xây dựng thương hiệu giấm cô Tâm ở làng Bách Cốc cổ - Ảnh 5
Một sản phẩm xanh mang đậm tính truyền thống quê hương.

Nếu như trước đây giấm ủ truyền thống làng cổ Bách Cốc chỉ là một gia vị địa phương nhưng đã được bàn tay tài hoa của chàng trai trẻ Vũ Minh Ngọc chế tác thành một sản phẩm quý. Một sản phẩm truyền thống tinh túy, tự nhiên thích hợp trong các món ăn của người Việt cũng như người Á Đông. Biết đâu đấy một ngày không xa làng cổ Bách Cốc sẽ có trong chỉ dẫn địa lý khi về một sản phẩm nông sản mang đậm hồn cốt làng quê, có thể lan tỏa tới mọi miền đất nước hoặc xa hơn nữa.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” khi Ngọc đã chọn làng cổ Bách Cốc làm nơi khởi nghiệp với một khát vọng về một thương hiệu riêng của vùng quê vốn có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Với những nỗ lực nghiên cứu sản phẩm giấm mơ trà xanh, Vũ Minh Ngọc đã đoạt giải ba tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức và là một trong 57 nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc năm 2021, được trao Giải thưởng Lương Định Của.

Doãn Kiên

Bạn đang đọc bài viết Khát vọng xây dựng thương hiệu giấm cô Tâm ở làng Bách Cốc cổ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Malaysia tăng trưởng cao
Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 3,81 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng tới 131,2%, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện…

Tin mới