Khánh Hòa – Vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt
Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, là cửa ngõ ra Biển Đông ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Chiếm trọn vị trí địa lý độc tôn
Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc; là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.
Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, quân, dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, anh dũng chiến đấu, tiến tới giải phóng tỉnh Khánh Hòa vào ngày 2/4/1975. Đây là những mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Khánh Hòa.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hoà (1653-2023), 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2/4/1975-2/4/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh, Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi cho cả phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, logistics…, trong đó có nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển những lĩnh vực theo xu hướng thời đại như công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp hữu cơ; năng lượng sạch… và nhất là du lịch sinh thái đẳng cấp, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Làm rõ hơn tiềm năng, lợi thế và triển vọng phát triển của Khánh Hòa, Thủ tướng nêu rõ, Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, là cửa ngõ ra Biển Đông ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Khánh Hòa là tỉnh có bờ biển dài nhất Việt Nam (hơn 385 km), 3 vịnh lớn, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là lợi thế phát triển kinh tế biển.
Một số công trình giao thông quan trọng đã được Quốc hội cho chủ trương và Chính phủ đang triển khai như tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông; đường bộ cao tốc kết nối Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột để kết nối với Tây Nguyên. Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện để tỉnh sớm hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Khánh Hòa và các tuyến đường chiến lược kết nối với các vùng động lực của tỉnh và của Vùng.
Cùng với đó, Nhân dân các dân tộc tỉnh Khánh Hòa có văn hóa đặc sắc, đoàn kết, gắn bó; con người nơi đây bình dị, yêu lao động, giàu truyền thống cách mạng, đầy sáng tạo và khát khao vươn lên. Khánh Hoà có quy mô nguồn nhân lực khá lớn, cơ cấu dân số trẻ. Tỉnh cũng có đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động, đoàn kết, nhất trí, có quyết tâm và tầm nhìn, đang không ngừng nỗ lực để thúc đẩy phát triển.
Đặc biệt, Khánh Hòa được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết này.
Thủ tướng khẳng định Khánh Hòa nằm trong tổng thể phát triển của Việt Nam và hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, phát triển văn hóa…; qua đó tạo động lực, sức lan tỏa thúc đẩy phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và cả nước.
Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2022, kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ, có 20/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, GRDP tăng 20,7% (cao nhất cả nước).
Vùng đất được nhiều nhà đầu tư tìm đến
Với vùng đất nhiều lợi thế như vậy, cũng rất dễ để hiểu vì sao Khánh Hòa luôn được các nhà đầu tư tìm đến. Mới đây, tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với tổng vốn đăng ký 85.293 tỷ đồng.
Theo đó, dự án này quy mô sử dụng đất hơn 1.250 ha, thuộc địa phận Cam Lập, Cam Thịnh Đông, Ba Ngòi, Cam Linh, Cam Lợi, Cam Thuận, Cam Phú, Cam Phúc Nam, Cam Phúc Bắc, Cam Nghĩa (TP Cam Ranh). Đây được đánh giá là dự “khủng” sẽ thay đổi hoàn toàn bộ mặt đô thị TP Cam Ranh trong tương lai.
Ngoài dự án trên, dịp này UBND tỉnh Khánh Hòa đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.250 tỷ đồng.
Trong đó, dự án nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, có vốn đầu tư đăng ký là 3.756 tỷ đồng do Công ty CP Muối Cam Ranh làm chủ đầu tư; dự án nhà ở xã hội Hưng Phú II do Công ty TNHH tư vấn - thiết kế - đầu tư - xây dựng Nguyên Hạnh làm chủ đầu tư đầu với quy mô hơn 1.000 căn hộ, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có dự án khu du lịch sinh thái Thanh Vân (vốn đầu tư 1.175 tỷ đồng) do Công ty CP Du lịch Sinh thái Thanh Vân làm chủ đầu tư; dự án khu du lịch Bãi Cát Thấm (thuộc khu vực Khu kinh tế Vân Phong, vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng)….
Một số dự án được trao quyết định đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư dịp này còn có dự án nhà máy chế biến thủy sản Tâm Như (22 tỷ đồng), nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Hồng Phát (41 tỷ đồng), dự án xây dựng mới phân xưởng cơ điện, thí nghiệm (27 tỷ đồng), nhà máy viên gỗ nén ISP - Khánh Hòa (206 tỷ đồng)….
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa còn ký biên bản ghi nhớ 16 dự án với tổng vốn đăng ký trên 80.600 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý có dự án khu đô thị giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm của Công ty CP FPT với vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng.
Uy Đạt