Khánh Hòa: Thông qua đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm giai đoạn đến 2045
Chiều 21/10, HĐND Khánh Hòa đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa giai đoạn đến năm 2045.
Theo ông Trần Nam Bình, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thông tin, đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 có tổng diện tích trên 54.719 ha, thuộc 14 đơn vị hành chính của huyện Cam Lâm.
Theo quy hoạch, khu đô thị mới Cam Lâm có tính chất là đô thị sân bay tầm cỡ quốc tế, phát triển mô hình đô thị thông minh, là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học; trung tâm dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cấp quốc gia; đô thị phát triển bền vững tiền đề phát triển công nghệ xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường... Quy mô dân số đến năm 2030 là 320.000 người, đến 2045 đạt 770.000 người.
Về định hướng phát triển không gian, đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm có 7 phân khu chức năng, gồm: Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh; phân khu đô thị sinh thái, dịch vụ công nghiệp; phân khu sinh thái đẳng cấp quốc tế; phân khu đô thị trung tâm; phân khu ở, vui chơi giải trí quốc tế; phân khu dân cư, du lịch sinh thái và phân khu ở, sinh thái Hòn Bà.
Thông tin thêm về đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay, đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm là một đồ án quy mô rất lớn, tầm cỡ về diện tích cũng như dân số. Tuy nhiên, qua khảo sát ý kiến cộng đồng dân cư thì người dân có lo lắng là để thực hiện một Đồ án ảnh hưởng toàn bộ hệ sinh thái của Đầm Thủy Triều và cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy, thu hồi nước tự nhiên… UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, quốc gia kể cả Hội đồng Thẩm định Quốc gia có ý kiến về vấn đề này.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin, vấn đề thứ 2 rất nhiều ý kiến cho rằng việc xác định ngành nghề đào tạo, công ăn việc làm tương lai ra sao? UBND tỉnh đã giao cho Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội khẩn trương có thông kê từng lứa tuổi từ PTHT đến dưới 60 tuổi, kể cả lao động trên 60 tuổi để có kế hoạch, bổ trợ kiến thức về các ngành nghề tương lai. Riêng xây dựng cơ bản cũng đã thu hút rất nhiều lực lượng lao động, kỹ thuật… Chúng ta cần có sự đánh giá, đảm bảo công ăn việc làm cho người dân".
Vấn đề nữa là các cơ sở hạ tầng quốc gia, các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, đình miếu của người dân sẽ có ảnh hưởng. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là các cơ sở tôn giáo đã được xác nhận, công nhân di tích lịch sử, di tích văn hóa thì phải giữ nguyên hiện trạng. Người dân nơi ở mới thì phải được xây dựng lại đình miếu, nhà thờ, nhà chùa… tỉnh cũng yêu cầu thể hiện điều này trong Đồ án.
"Vấn đề về nơi ở mới của người dân trong vùng dự án sẽ như thế nào? Chúng tôi kiên quyết phải xây dựng khu đô thị tái định cư. Tránh trường hợp xây dựng nhà ở xã hội, chia lô không đồng bộ trong tổng thể quy hoạch. Nhà đầu tư phải có chính sách hỗ trợ cho các gia đình trên 8 khẩu như thế nào? Trên diện tích bị thu hồi để phục vụ cho dự án? Hay nói cách khác quyền lợi của người dân phải được đảm bảo. Nhà đầu tư phải cam kết với tỉnh thực hiện cho bằng được. Có thể là bán 1 lô cấp 1 lô, bán 1 căn cấp 1 căn… nếu không làm được sẽ rất khó, nhất là việc chỗ ở các thế hệ tiếp theo. Cần các quỹ đất tái định cư cho bây giờ và kể cả các khu khác, phục vụ cho mọi tầng lớp nhân dân, chứ không phải chỉ dành cho người có tiền được ở", ông Tuân cho hay.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trước mắt, tỉnh sẽ chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh ngiệp đã đề xuất xây dựng các khu tái định cư. Trong quá trình thực hiện Đồ án này, các đại biểu tiếp tục giám sát để làm sao Đồ án thực hiện đúng theo quy hoạch nếu được Thủ tướng phê duyệt, cũng như đảm bảo lợi ích của người dân.
Thái Võ