Thứ bảy, 20/04/2024 03:17 (GMT+7)
Thứ năm, 30/12/2021 10:00 (GMT+7)

Kháng thể nào có thể 'trung hòa' được Omicron?

Theo dõi KTMT trên

Bằng cách xác định mục tiêu của kháng thể trên protein gai, các nhà nghiên cứu đã phát hiện kháng thể có tên sotrovimab có thể vô hiệu hóa Omicron và các biến chủng khác của SARS-CoV-2.

Giải mã biến thể Omicron

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu xem xét những phiên bản gai protein khác nhau liên kết tốt tới mức nào với protein trên bề mặt tế bào. Protein này có tên là thụ thể enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2).

Họ nhận thấy gai protein của biến chủng omicron có thể liên kết tốt hơn 2,4 lần so với gai protein trên virus cô lập ở đầu đại dịch. Họ cũng phát hiện omicron có thể tìm ra thụ thể ACE2 một cách hiệu quả, chứng tỏ nó có khả năng truyền qua lại giữa người và động vật có vú khác.

Kháng thể nào có thể 'trung hòa' được Omicron? - Ảnh 1
Sự lan rộng của biến chủng Omicron là mối lo chủ yếu của các quốc gia hiện nay. (Ảnh: Reuters)

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu tìm hiểu kháng thể dùng để đối phó với những biến chủng virus ban đầu có tác dụng bảo vệ mạnh tới mức nào trước biến chủng omicron. Họ dùng kháng thể từ bệnh nhân từng nhiễm chủng virus ở đầu đại dịch, đã tiêm chủng hoặc từng nhiễm bệnh và sau đó tiêm chủng. Họ kết luận kháng thể từ người từng nhiễm chủng virus ban đầu và người đã tiêm một trong số 6 loại vaccine phổ biến nhất hiện nay đều suy giảm khả năng ngăn chặn lây nhiễm.

Kháng thể từ người từng nhiễm bệnh và người từng tiêm vaccine Sputnik V hoặc Sinopharm hoặc một liều Johnson & Johnson hầu như không có khả năng ngăn chặn omicron lây nhiễm vào tế bào. Kháng thể từ người tiêm hai liều vaccine Moderna, Pfizer/BioNTech, và AstraZeneca vaccines vẫn giữ được một phần khả năng vô hiệu hóa, dù kém hiệu quả hơn 20 - 40 lần so với các biến chủng khác.

Kháng thể từ người từng nhiễm bệnh, phục hồi và sau đó tiêm hai liều vaccine cũng giảm khả năng bảo vệ, nhưng mức độ giảm nhỏ hơn, chỉ kém hơn khoảng 5 lần, chứng tỏ tiêm chủng sau khi nhiễm bệnh có tác dụng. Kháng thể từ người đã tiêm liều tăng cường thứ ba của vaccine mARN do Moderna và Pfizer/BioNTech sản xuất có tác dụng vô hiệu hóa thấp hơn 4 lần.

Chỉ có một kháng thể đã được cấp phép sử dụng ở bệnh nhân nhiễm virus không bị giảm nhiều khả năng vô hiệu hóa omicron trong phòng thí nghiệm. Đó là kháng thể mang tên sotrovimab. Kết quả nghiên cứu cho thấy tác dụng vô hiệu hóa chỉ giảm 2 - 3 lần đối với omicron.

Nhưng khi kiểm tra lượng kháng thể lớn hơn được sản xuất để đối phó với biến chủng ban đầu, nhóm nghiên cứu xác định 4 nhóm kháng thể vẫn có khả năng tiêu diệt omicron. Các thành viên trong những nhóm này nhắm vào một trong 4 khu vực đặc biệt ở gai protein không chỉ trên biến chủng nCoV mà cả nhóm virus corona liên quan gọi là sarbecovirus. Những khu vực này vẫn tồn tại bởi chúng thực hiện chức năng cơ bản có thể bị mất đi nếu đột biến.

Phát hiện kháng thể có thể vô hiệu hóa virus thông qua việc nhận biết các khu vực không thay đổi trên protein gai ở virus có ý nghĩa quan trọng. Chúng cho thấy việc thiết kế vaccine và phương pháp điều trị bằng kháng thể, nhắm vào các khu vực này có thể hiệu quả trong việc chống lại một loạt biến chủng mới, theo ông Veesler.

Những thông tin sai lệch về biến thể Omicron

Trong khi các nhà khoa học đang chạy đua để giải mã biến thể Omicron, thì hàng loạt thuyết âm mưu đã "nhanh chân" chen vào các diễn đàn cộng đồng bằng những thông tin sai lệch. Theo đó, những ngày gần đây, người dùng mạng xã hội không ngừng chia sẻ một bài đăng đưa ra hàng loạt tuyên bố vô căn cứ về các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và thử nghiệm liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bài đăng bắt đầu với thông tin: “Hãy chắc chắn rằng luôn đeo khẩu trang, bởi vì biến thể mới Omicron rất khác biệt, có thể gây tử vong và không dễ để phát hiện một cách chính xác”.

Về triệu chứng, bài đăng tuyên bố rằng các triệu chứng của biến thể Omicron không bao gồm ho hay sốt, mà chỉ là đau khớp, nhức đầu, đau cổ, đau cơ lưng trên, viêm phổi và chán ăn.

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh đây là các triệu của Omicron, cũng như việc biến thể này không gây ho hoặc sốt.

Chia sẻ với Reuters qua email, giáo sư David O’Connor chuyên ngành bệnh lý học và y học phòng thí nghiệm tại Đại học Wisconsin-Madison cho biết, hiện chưa có đủ thời gian và số ca mắc bệnh để có thể chắc chắn về việc liệu biến thể Omicron có gây ra các triệu chứng khác nhau hay không.

“Những gì được chia sẻ trên mạng xã hội chỉ là một vài quan điểm của chuyên gia dựa trên phân tích một số lượng rất nhỏ các trường hợp nhiễm bệnh. Các bác sĩ và nhà khoa học cần thêm thời gian để biết liệu mức độ nghiêm trọng của Omicron có khác các biến thể trước đó hay không, và khác như thế nào”, ông O’Connor nói.

Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn hay gây bệnh trạng nặng hơn các biến thể khác hay không.

Về mức độ nghiêm trọng, bài đăng tuyên bố rằng biến thể mới nguy hiểm gấp 5 lần so với biến thể Delta, có khả năng làm tăng tỷ lệ tử vong và khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh hơn sang mức độ cực kỳ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đây cũng là thông tin vô căn cứ. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) cho biết: “Cần có thêm dữ liệu để biết liệu việc nhiễm biến chủng Omicron có làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong so với các biến thể khác hay không”.

Trong báo cáo dịch tễ học hàng tuần mới nhất của mình, WHO cho hay hiện chưa có đủ dữ liệu cần thiết để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể Omicron gây ra, cũng như khả năng các đột biến của nó làm suy giảm hiệu quả miễn dịch do vaccine mang lại.

Về chẩn đoán, bài đăng thông tin rằng: “Kết quả xét nghiệm ngoáy mũi để xác định nhiễm biến thể Omicron thường là âm tính, và số trường hợp cho kết quả xét nghiệm dịch mũi họng âm tính giả ngày càng tăng”.

Tuy nhiên, không hề có bất kỳ bằng chứng nào củng cố cho tuyên bố này. Trong bản tin cập nhật ngày 28/11/2021, WHO cho biết các xét nghiệm PCR đang được sử dụng rộng rãi hiện nay tiếp tục giúp phát hiện ra các ca nhiễm Covid-19, bao gồm cả biến chủng Omicron.

Trên thực tế có thể thấy, những thông tin thất thiệt về dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên bùng phát dịch. Các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc và xử lý không ít các trường hợp vi phạm. Tất cả những vụ đăng thông tin thất thiệt, thậm chí là bịa đặt liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 dù là vô tình hay cố ý cũng đáng lên án và phải xử lý thật nghiêm.

Nguyễn Linh(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kháng thể nào có thể 'trung hòa' được Omicron?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới