Khám phá làng dệt chiếu đầy màu sắc hơn trăm tuổi ở Phú Yên
Nhịp sống hàng ngày ở Phú Tân (Phú Yên) luôn quen thuộc với tiếng xào xạc cùng đủ sắc màu của bao bó cói phơi trong nắng gió, hay những chiếc chiếu rải khắp sân vườn. Nghề dệt chiếu đã có mặt ở đây hàng trăm năm, nghề cha truyền con nối tại vùng quê này.
Có dịp ghé thăm làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân (thôn Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), du khách sẽ cảm nhận được sự rộn rã, vui tươi bởi âm thanh vang vọng của những khung, máy dệt cùng sự mến khách của người dân làng nghề.
Với lịch sử tồn tại và phát triển hàng trăm năm, làng nghề này vẫn giữ vững được những giá trị truyền thống, đời sống người dân ổn định.
Theo những người dân làng chiếu Phú Tân, để dệt được một chiếc chiếu cói theo phương pháp thủ công truyền thống cần có hai người, một người luồn cói, một người dập go và phải trải qua cả một quy trình phức tạp, đòi hỏi người dệt phải cẩn trọng từng khâu.
Ðối với nghề dệt chiếu, nguyên liệu rất quan trọng, nên phải lựa chọn thật kỹ, có được cọng cói vừa ý, chiếu làm ra mới chất lượng.
Ông Tiếu Văn Cừ - Chủ tịch UBND xã An Cư cho biết, địa phương đang thu hút nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng; các dịch vụ ăn uống, giải khát ở khu vực cầu Long Phú (gần làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân) cũng đang phát triển mạnh.
Do vậy, địa phương định hướng các cơ sở dệt chiếu cói sản xuất thêm các sản phẩm túi xách, mũ, thảm cói, chiếu gấp… để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ khuyến khích các đơn vị lữ hành hình thành các tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân để quảng bá hình ảnh, sản phẩm của làng nghề.
Sau khi thu hoạch về, bà con phải “giũ” để loại bỏ những cọng cói “lãi” – cọng cói ngắn hơn với kích thước thông thường là 1,6 m chiều ngang của chiếu. Sau đó lác được đem ra phơi, nhuộm màu, rồi tiếp tục phơi khô, trước khi dệt phải nhúng nước để cọng cói không bị gãy.
Ở thôn Phú Tân 1 hiện có khoảng 250 hộ làm nghề dệt chiếu cói. Trong đó, có 2 tổ hợp tác và 4 hộ dân dệt chiếu bằng máy. Làng nghề tạo việc làm cho 400 - 500 lao động địa phương, đặc biệt là những người lớn tuổi và lao động nông nhàn.
Hiện nay, chiếu cói dệt thủ công vẫn được thị trường đón nhận nhưng giá rẻ hơn so với chiếu cói dệt máy. Vì hiệu quả kinh tế, nhiều gia đình của làng chiếu cói Phú Tân đã đầu tư máy móc, cơ giới hóa một phần khâu sản xuất để cho ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt, độ bền cao.
Mỗi năm, các hộ sản xuất của làng nghề cung cấp khoảng 500.000 - 600.000 chiếc chiếu cho thị trường. Tổng giá trị sản phẩm tiêu thụ của làng nghề bình quân đạt trên 5,3 tỷ đồng một năm.
Có máy, người dân làm chiếu không còn phải thức khuya dậy sớm, tiếng lách cách khung dệt ban đêm được thay bằng tiếng máy chạy ro ro liên tục, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân ở đây.
Những chiếc chiếu cói Phú Tân dù dệt tay hay dệt máy đã đi khắp các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ làng nghề thuần thủ công, một phần làng nghề dệt chiếu Phú Tân đã chuyển sang làm máy móc. Theo đó, làng chiếu Phú Tân cũng đang có một làn gió mới thổi qua, mang lại cho vùng quê này một diện mạo mới, đầy sức sống.
Nguyễn Linh (T/h)