Khai trương cổng thông tin điện tử về Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam
Cổng thông tin mở ra cơ hội thu hút đầu tư, tăng cường lợi thế cạnh tranh..., đồng thời nâng cao trách nhiệm đối với vấn đề thương mại, môi trường, biến đổi khí hậu và cân bằng các nguồn tài nguyên, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Để giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Cổng thông tin điện tử về FTA (FTAP) với sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác thương mại và tổ chức quốc tế.
Được sự hỗ trợ của Chính phủ Ốt-xtrây-lia, Bộ Công thương và Ngân hàng Thế giới (WB) đã phối hợp khởi động việc xây dựng FTAP từ tháng 2/2019. Sau gần 2 năm triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn do Đại dịch Covid 19 nhưng các Các chuyên gia của Bộ Công thương và Ngân hàng Thế giới đã hoàn tất các công việc cuối cùng để khai trương FTAP – Cổng thông tin điện tử về FTA đầu tiên của Việt Nam.
Sáng ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã long trọng tổ chức lễ khai trương Cổng thông tin điện tử về Hiệp định Thương mại tự do (FTA Portal). Buổi lễ có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam; Đại sứ Ốt-xtrây-lia tại Việt Nam và nhiều lãnh đạo, đại diện Bộ, Ban, ngành, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Cổng thông tin điện tử về FTA ra đời và chính thức đi vào hoạt động đã gửi đi thông điệp hết sức quan trọng về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa các Hiệp định Thương mại, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, việc hoàn tất cổng thông tin cũng thể hiện sự phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Ốt-xtrây-lia trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Điều này càng trở nên vô cùng có ý nghĩa trong bối cảnh cả Việt Nam và cộng đồng quốc tế đang phải nỗ lực để vượt qua những khó khăn do Covid 19, những diễn biến phức tạp liên quan đến kinh tế trên toàn cầu.
Cụ thể, FTAP sẽ cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm đối với cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, trước mắt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), tập trung vào các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ nhà đầu tư, cũng như các thông tin khác như tình hình thị trường, các quy tắc về xuất nhập khẩu, phát triển bền vững…
Công cụ tra cứu được thiết kế cho FTAP cho phép bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào quan tâm đến các cam kết FTA có thể ngồi một chỗ, được tiếp cận và hướng dẫn trực tuyến một cách chi tiết, rõ ràng và đơn giản nhất có thể, thay vì phải tự tìm tòi hoặc liên hệ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau để có được thông tin cần thiết. Việc này sẽ giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí, giúp cho các doanh nghiệp tận dụng được một cách hiệu quả nhất các cơ hội mang về từ các FTA mà Việt Nam đang tham gia.
FTA Portal được thiết kế và xây dựng với các tính năng và nội dung chính như: Tra cứu trực tuyến các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư theo các FTA với các đối tác để hưởng ưu đãi; Số liệu, đặc điểm thị trường có FTA với Việt Nam, các thủ tục cần thực hiện cho hoạt động xuất - nhập khẩu, cấp phép... vv.
Ngoài ra, FTAP cập nhật văn bản pháp luật thực hiện các FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý; Cập nhật các hoạt động phổ biến, tuyên truyền như các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, ấn phẩm hỗ trợ doanh nghiệp. Các dữ liệu, thông tin trên được hiển thị dưới dạng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).
Sau khi được đi vào vận hành, FTAP sẽ tiếp tục được cập nhật và hoàn thiện thêm các tính năng cũng như bổ sung các FTA khác mà Việt Nam đã tham gia nhằm đem lại lợi ích tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Khang Anh