Kêu gọi chấm dứt bù đắp carbon, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Mô hình bù đắp carbon được thực hiện cho phép những công ty gây ô nhiễm lớn nhất thế giới tiến hành các kế hoạch kinh doanh đang đe dọa tới các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Theo đó, mô hình này cho phép các công ty gây ô nhiễm bù đắp lượng khí thải bằng cách mua các khoản tín dụng từ các dự án giảm phát thải CO2 làm Trái Đất nóng lên ở những nơi khác. Chẳng hạn như trồng cây hàng loạt hoặc xây dựng các trang trại điện mặt trời - có tổng giá trị 50 tỉ USD vào năm 2030.
Theo Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), mô hình này sẽ cho phép các nhà phát thải lớn như các công ty khai thác dầu mỏ cắt giảm lượng khí thải của chính họ và tránh thoái vốn khỏi hydrocacbon, một nguồn khí nhà kính chủ yếu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Giám đốc điều hành Greenpeace, Jennifer Morgan nhấn mạnh: "Không có thời gian để bù đắp. Chúng tôi đang trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu và thế giới cần loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch".
Jennifer Morgan chia sẻ thêm, việc trồng cây trong kế hoạch bù đắp carbon sẽ khiến cây cối mất 20 năm để phát triển và bù đắp lượng khí thải đang xảy ra ngay bây giờ. Đồng thời, các trận cháy rừng tạm thời có thể phá hủy cơ hội giảm bớt lượng khí thải.
Trước đó, vào tháng 4, CarbonPlan, nhóm nghiên cứu tính toàn vẹn của các chương trình bù đắp khí thải carbon cho biết, 29% lượng bù đắp carbon rừng trong một chương trình trị giá 2 tỉ USD ở California đã đánh giá quá cao lượng khí thải được bù đắp, tổng cộng là 30 triệu tấn hoặc khoảng 410 triệu USD.
Cảnh báo của Greenpeace được đưa ra vào thời điểm quyết định đối với thị trường carbon tự nguyện, trong đó sự minh bạch và trách nhiệm trở nên cần thiết hơn.
Các đại biểu tại Hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra vào tháng tới dự kiến sẽ để thiết lập một thị trường để chi trả cho các dự án bù đắp và loại bỏ khí thải trong cuộc chiến nhằm đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời tránh những tác động tàn khốc nhất của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, thế giới cần hạn chế nhiên liệu hóa thạch. Các công ty sẽ cần phải ngừng đầu tư vào bất kỳ dự án cung cấp nhiên liệu dầu, khí và than mới nếu thế giới muốn đạt được mức phát thải ròng bằng 0 đúng tiến độ đề ra.
Lan Anh