JVE Group sẽ tổ chức xin ý kiến chuyên gia về dự án cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch
JVE Group cho biết sẽ tổ chức buổi gặp mặt với các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực cấp thoát nước, môi trường, nhà sử học… để xin ý kiến đóng góp cho dự án hầm chống ngập "khổng lồ" kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc chạy dọc sông Tô Lịch.
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã gửi văn bản báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc đề xuất tài trợ miễn phí lập Quy hoạch xây dựng “Hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô đầu tiên của Hà Nội dọc Công viên Tô Lịch” và tài trợ miễn phí lập Quy hoạch “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản.
Dự án nhằm mục tiêu giảm úng ngập khi trời mưa và chống ùn tắc dọc tuyến đường sông Tô Lịch, góp phần cải thiện môi trường và giao thông của Hà Nội. Đồng thời, dự án không tổ chức thu phí cao tốc ngầm mà người dân sẽ được sử dụng miễn phí khi đi qua cao tốc ngầm nội đô đặc biệt này.
Theo đề xuất mới, JVE Group dự định xây dựng một hệ thống cao tốc ngầm được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản với 2 tầng độc lập dành cho 2 chiều xe chạy. Tầng trên bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Vành đai 3 - Võ Chí Công - sân bay Nội Bài. Tầng dưới bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Võ Chí Công - đường Vành Đai 3 - Linh Đàm.
Mỗi tầng được thiết kế với 3 làn xe, trong đó 2 làn di chuyển chính với tốc độ tối đa cho phép là 80 và 60km/h và 1 làn dừng xe khẩn cấp giúp giảm tải lưu lượng xe ô tô lưu thông ở trên tuyến đường để giảm ùn tắc.
Bên dưới đường cao tốc ngầm sẽ là một hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề ngập úng trong khu vực nội đô. Bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, một phần quận Tây Hồ và huyện Thanh Trì với tổng diện tích lưu vực là 77,5 km2.
Để tìm hiểu kỹ hơn về đề xuất mới này, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ để phỏng vấn lãnh đạo của JVE Group. Phản hồi Tạp chí, phía JVE cho biết, để làm rõ và giải đáp thắc mắc của phóng viên các cơ quan báo chí, sắp tới JVE sẽ tổ chức buổi gặp mặt mời các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực cấp thoát nước, môi trường, nhà sử học... tham dự, cho ý kiến đóng góp để thông tin một cách khách quan.
Được biết, vào tháng 9/2020, Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã gửi đề xuất lên lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Hà Nội về “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Trước đó, JVE Group được biết đến là đơn vị thực hiện Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản được khởi động vào ngày 16/5/2019. Một dự án sử dụng công nghệ chưa từng xuất hiện tại Việt Nam và gây ồn ào trong suốt quá trình triển khai.
Từ khi IVE đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã khuyến cáo bản chất dòng sông Tô Lịch là “công sản” nhưng được gia tăng giá trị bằng dự án thoát nước và xử lý nước thải của Hà Nội do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tài trợ vốn tới 1,5 tỉ USD, đang gánh vác hai nhiệm vụ chính là thoát nước và xử lý nước thải của Thủ đô.
Do đó, cần làm rõ nhiều nội dung bao gồm việc các nhà đầu tư tiếp vào đó thì sẽ thành sở hữu của ai, vì lợi ích của ai? Hay dự án sau đó biến thành sở hữu tư nhân, đem lại lợi ích cho nhóm đầu tư giống như bài học xương máu của kênh thoát nước Nghĩa Đô và kênh phố Phan Kế Bính.
Nhìn lại Dự án thoát nước và xử lý nước thải do JICA thực hiện với số vốn rất lớn, sau hơn 10 năm triển khai có những hạng mục đã quyết toán xong, nhiều hạng mục đang phải chi trả rất nhiều tiền gồm kè, cống, thoát nước, nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá… Hiệu quả của dự án vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ thoát nước và xử lý nước thải cho Hà Nội bởi cứ mỗi đợt mưa to, cả thành phố lại ngập trong biển nước.
Trong bối cảnh dự án cũ chưa thực hiện xong thì việc đưa ra những dự án mới liệu có thực sự hợp lý? Đó là câu hỏi mà KTS Trần Huy Ánh và nhiều chuyên gia khác đã và đang đặt ra.
Vương Liễu