Thứ sáu, 22/11/2024 12:09 (GMT+7)
Thứ năm, 15/12/2022 11:55 (GMT+7)

JETP sẽ "rót" 15,5 tỷ USD cho Việt Nam để thực hiện chuyển đổi xanh

Theo dõi KTMT trên

JETP sẽ huy động khoản tài chính công và tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

15,5 tỷ USD sẽ được "rót" trong vòng 3-5 năm tới

Các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế, bao gồm Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã nhất trí về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).

Đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero đầy tham vọng vào năm 2050, đẩy nhanh việc đạt đỉnh điểm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. JETP sẽ huy động khoản tài chính công và tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

JETP sẽ "rót" 15,5 tỷ USD cho Việt Nam để thực hiện chuyển đổi xanh - Ảnh 1
15,5 tỷ USD sẽ được "rót" trong vòng 3-5 năm tới.

Việt Nam là quốc gia thứ ba triển khai JETP, sau sự ra mắt thành công của JETP Nam Phi tại COP26 và JETP của Indonesia tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm nay. Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, JETP của Việt Nam sẽ chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế có thể tách rời khỏi tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch.

JETP Việt Nam được xây dựng dựa trên Đối tác G7 về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) do Vương quốc Anh khởi xướng, nhằm thu hẹp khoảng cách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý vào tháng 6 năm 2022 để xúc tiến các cuộc đàm phán với một số quốc gia về JETP, đây là một cơ chế thực hiện cốt lõi của Đối tác G7 về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu.

Việt Nam đóng vai trò quyết định trong chuyển dịch phát thải ròng bằng không

Trong thông điệp của Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak phát đi, Ông đã gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công bố chương trình Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam (JETP).

Thủ tướng Anh cho biết, Mô hình JETP là nhân tố thay đổi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng viện trợ quốc tế để khơi thông hàng tỉ đô la từ tài chính tư nhân, và trực tiếp dùng vào phát triển hạ tầng xanh. Việc này cũng đồng nghĩa với việc, các quốc gia như Việt Nam có thể cắt giảm phát thải đồng thời tạo ra việc làm mới và tiếp tục tăng trưởng.

"Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi năng động ở trung tâm Đông Nam Á. Vì vậy vai trò của Việt Nam có yếu tố quyết định. Khi nhận ra tầm quan trọng và cơ hội chuyển dịch hướng đến phát phát thải ròng không vào năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong mở đường cho các quốc gia khác học hỏi theo. Chương trình quan hệ đối tác mà chúng ta công bố hôm nay sẽ đẩy nhanh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam. Đây chắc chắn là cột mốc quan trọng trong việc vận hành các dòng tài chính.

Tôi xin cảm ơn liên minh Châu Âu, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Italy, Na Uy, và Đan Mạch vì đã hỗ trợ xây dựng chương trình này. Cùng nhau chúng tôi hỗ trợ Việt Nam với khoản tài chính công và tư ban đầu là 15 tỷ USD. Cùng nhau chúng tôi sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện một quá trình chuyển dịch năng lượng đầy tham vọng. Cùng nhau chúng ta sẽ mang đến một tương lai xanh hơn, sạch hơn cho Việt Nam và cho hành tinh của chúng ta" - Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak nói.

Tầm quan trọng của việc đạt được Net Zero

Khi lượng phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 đồng nghĩa với việc chấm dứt hiện tượng nóng lên của Trái Đất. Khoa học chỉ rõ rằng để ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu và bảo vệ một hành tinh có thể sống được là hạn chế sự gia tăng nhiệt độ Trái đất không vượt quá 1.5oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Hiện tại, Trái đất đã ấm hơn khoảng 1.1oC so với cuối những năm 1800 và lượng khí thải tiếp tục tăng lên. Để đạt được mục tiêu không vượt quá 1.5oC như Thoả thuận Paris đề ra, lượng khí thải cần phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt mức 0 ròng vào năm 2050.

Vì vậy, việc áp dụng rộng rãi mục tiêu Net Zero trên toàn cầu là một yếu tố quan trọng trong hành động vì khí hậu. Hơn 70 quốc gia đại diện cho 76% tổng lượng khí thải toàn cầu, bao gồm các nước có mức độ ô nhiễm lớn nhất như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là đến năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết JETP sẽ "rót" 15,5 tỷ USD cho Việt Nam để thực hiện chuyển đổi xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới