Thứ sáu, 04/10/2024 00:08 (GMT+7)
Thứ năm, 19/09/2024 15:51 (GMT+7)

Huyện Phước Sơn bất ngờ đổi ý, cho phép doanh nghiệp thăm dò vàng trong rừng tự nhiên

Theo dõi KTMT trên

Huyện Phước Sơn mới đây có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc thống nhất cấp phép cho công ty TNHH Vàng Phước Sơn thăm dò khoáng sản vàng gốc, dù trước đó địa phương này bày tỏ lo ngại ảnh hưởng nguồn nước, hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Huyện Phước Sơn bất ngờ đổi ý, cho phép doanh nghiệp thăm dò vàng trong rừng tự nhiên - Ảnh 1
Huyện Phước Sơn đã đồng ý cho Công ty TNHH Vàng Phước Sơn thăm dò vàng trong rừng tự nhiên. Ảnh minh họa.

Ngày 18/9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã tiếp nhận công văn ký ngày 12/9 của UBND huyện Phước Sơn, về việc tham gia ý kiến liên quan đến rừng đối với việc xin thăm dò khoáng sản vàng gốc tại khu vực Trà Long - Suối Cây - K7 trên địa bàn xã Phước Đức, Phước Năng, Phước Xuân (huyện Phước Sơn).

Theo UBND huyện Phước Sơn, sau khi kiểm tra, xem xét các vấn đề liên quan đến rừng, UBND huyện thống nhất cao các nội dung của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường.

“Theo báo cáo giải trình của công ty TNHH Vàng Phước Sơn, trong quá trình thực hiện thăm dò có khoan 101 lỗ khoan và có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích mặt đất tự nhiên là 2.020 m2 (mỗi mũi khoan 20 m2), diện tích ảnh hưởng không lớn so với tổng diện tích khu vực dự án thăm dò là 16,09 km2, đồng thời theo phương án thi công đề án thăm dò (tóm tắt) của công ty TNHH Vàng Phước Sơn là trong quá trình thi công thăm dò không làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, không mở đường, mà chỉ sử dụng đường mòn, đường dân sinh có sẵn và không làm ảnh hưởng đến môi trường…

Vì vậy, UBND huyện Phước Sơn thống nhất và kính đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cấp phép thăm dò khoáng sản vàng gốc tại khu vực Trà Long - Suối Cây - K7 thuộc xã Phước Đức, Phước Năng, Phước Xuân huyện Phước Sơn như hồ sơ đề nghị của công ty TNHH Vàng Phước Sơn”, công văn của UBND huyện Phước Sơn nêu.

UBND huyện Phước Sơn cũng đề nghị Công ty TNHH Vàng Phước Sơn cam kết thực hiện theo đề xuất của Sở TN&MT, đề nghị của Sở NN&PTNT và các nội dung đã cam kết của công ty. Khi được cấp phép thăm dò phải thực hiện đúng theo đề án thăm dò được duyệt.

Trước đó, như Tạp chí Kinh tế Môi trường đưa tin, UBND huyện Phước Sơn từng có ý kiến không thống nhất cho Công ty TNHH Vàng Phước Sơn thăm dò vàng.

Nguyên nhân, theo UBND huyện, khu vực đề nghị cấp phép thăm dò có hiện trạng rừng tự nhiên chiếm phần lớn (99%) diện tích. Diện tích này tuy không nằm trong vùng lõi lâm phận Vườn Quốc gia Sông Thanh, nhưng nằm ở đầu nguồn Sông Thanh liền kề, tiếp giáp với lâm phận và thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Sông Thanh. Hiện trạng rừng tự nhiên có hệ động, thực vật khá phong phú đa dạng.

Khi thực hiện công tác thăm dò, khai thác thì trong quá trình mở đường vận hành, vận chuyển máy móc, thiết bị, làm lán trại, nhà xưởng, đưa người vào rừng sẽ làm ảnh hưởng nguồn nước đầu nguồn Sông Thanh, gây ảnh hưởng đến hệ động, thực vật, mất rừng, ảnh hưởng lớn đến môi trường hệ sinh thái rừng và khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ Vườn Quốc gia Sông Thanh cũng như công tác quản lý, bảo vệ rừng của huyện Phước Sơn…

Tuy nhiên, sau khi văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ông Phan Thái Bình đề nghị UBND huyện Phước Sơn xem xét phương án dự kiến thi công thăm dò khoáng sản và kiểm tra thực tế, thì UBND huyện Phước Sơn đã đổi ý thống nhất với tỉnh.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Huyện Phước Sơn bất ngờ đổi ý, cho phép doanh nghiệp thăm dò vàng trong rừng tự nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

TP.HCM: 9.000 hồ sơ đất đai "kẹt cứng"
Cục Thuế TP.HCM vừa gửi văn bản khẩn, kiến nghị UBND TP tổ chức họp giải quyết hồ sơ đất đai phát sinh từ 1/8/2024, đây là lần kiến nghị thứ ba trong tháng qua.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.