Chủ nhật, 02/02/2025 14:04 (GMT+7)
Chủ nhật, 02/02/2025 06:45 (GMT+7)

Hướng ra biển là thịnh vượng

Theo dõi KTMT trên

Phát triển kinh tế biển xanh là nền tảng hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta thành quốc gia mạnh về biển.

Hướng ra biển là thịnh vượng - Ảnh 1

Tiềm năng lớn từ biển

Kinh tế biển xanh bao gồm tất cả các ngành kinh tế biển truyền thống nhưng với cách tiếp cận mới, bền vững như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; phát triển vùng bờ biển (xây dựng các đô thị, các khu dân cư tập trung, các khu chức năng, nghỉ dưỡng, các đặc khu kinh tế và các hoạt động phát triển khác); năng lượng tái tạo; cảng biển và vận tải thủy; thăm 92 dò, khai thác và chế biến khoáng sản đáy biển (đặc biệt là dầu, khí); công nghiệp ven biển, công nghệ sinh học biển; du lịch biển và vùng bờ biển; nghiên cứu và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về kinh tế - xã hội, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Việt Nam có hơn 3.260 km đường bờ biển và hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phát triển kinh tế biển xanh là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%. Bờ biển Việt Nam còn có hơn 100 vị trí có thể xây dựng các cảng biển lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển. Ngư trường đánh bắt với hơn 2.000 loài cá, trong đó 130 loài có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn có trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể và rong biển. Du lịch biển là ưu thế đặc biệt. Với 125 bãi biển lớn nhỏ, trong đó khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế... nắng ấm quanh năm, không khí trong lành cùng nhiều cảnh quan đẹp là điều kiện lý tưởng để Việt Nam xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp. Một số địa danh du lịch biển của Việt Nam đã được biết đến trên phạm vi toàn cầu như Vịnh Hạ Long, hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới và đã được công nhận là Kỳ quan Thiên nhiên của thế giới. Vịnh Nha Trang được coi là một trong những vịnh đẹp nhất hành tinh.

Hướng ra biển là thịnh vượng - Ảnh 2
 Rong sụn là sản phẩm nuôi biển mới ở Quảng Ninh

Đưa nước ta mạnh giàu từ biển

Nhận thức đầy đủ vị thế, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển của nước ta trong thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã khẳng định, du lịch biển, nghỉ dưỡng biển, thể thao biển… là một trong những trụ cột trọng tâm của ngành du lịch nước ta. Số liệu thống kê cho thấy, trong cấu trúc ngành du lịch Việt Nam, du lịch biển chiếm 60-70% hoạt động du lịch cũng như thu nhập du lịch. Có thể thấy rằng, du lịch biển, đảo phát triển đã có đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như của nhiều ngành kinh tế khác, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển… Ngoài dầu khí và du lịch biển, các ngành khác như đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, cảng biển, vận tải thủy, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đáy biển… cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần đưa kinh tế biển xanh thành động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam nhận định, đại dương đang đứng trước những nguy cơ rất nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hoạt động khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển và các rủi ro khác. Những nguy cơ này diễn biến ngày càng nhanh và khó lường.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Việt Nam phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, sự cố môi trường ở một số nơi các vùng ven biển còn diễn ra nghiêm trọng. Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách. Các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm. Một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững… Do đó, để Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng từ biển, cần triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt nhóm giải pháp. Cụ thể, cần bảo đảm quản lý, xử lý tốt các nguồn thải từ bờ, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn thải nguy hại, như kim loại nặng, rác thải nhựa và áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến nhằm giảm thiểu phát thải, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng giải pháp giảm thiểu khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Đồng thời, bảo đảm quyền sử dụng công cộng tại các bãi biển và các khu vực biển quan trọng để bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển và sự liên tục của các hệ sinh thái từ dưới biển lên bờ. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Tài nguyên môi trường về việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Cần chú trọng tới việc khai thác, sử dụng các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từ biển. Cuối cùng, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế tài chính với hệ thống thuế, phí hợp lý liên quan tới sử dụng tài nguyên và không gian biển; xây dựng cơ chế tài chính bảo đảm phát triển bền vững kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Sử dụng các công cụ tài chính để điều chỉnh một cách hiệu quả các hành vi khai thác tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái biển. Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế biển Việt Nam theo hướng xanh, bền vững sẽ được triển khai hiệu quả hơn để “hướng ra biển là thịnh vượng”.

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Hướng ra biển là thịnh vượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương thu hút 84 triệu USD vốn đầu tư
Trong tháng 1/2025, tỉnh Hải Dương có thêm 3 dự án đầu tư mới với tổng số vốn khoảng 84 triệu USD. Đây là tín hiệu mừng cho mục tiêu thu hút vốn đầu tư FDI từ 1 tỷ USD trở lên trong năm 2025 của tỉnh này.
Trọng trách tiên phong
Tại Việt Nam, kinh tế tư nhân ngày càng thể hiện vị thế, vai trò của mình trong việc phát triển đất nước.

Tin mới

Hướng ra biển là thịnh vượng
Phát triển kinh tế biển xanh là nền tảng hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta thành quốc gia mạnh về biển.
Hải Dương thu hút 84 triệu USD vốn đầu tư
Trong tháng 1/2025, tỉnh Hải Dương có thêm 3 dự án đầu tư mới với tổng số vốn khoảng 84 triệu USD. Đây là tín hiệu mừng cho mục tiêu thu hút vốn đầu tư FDI từ 1 tỷ USD trở lên trong năm 2025 của tỉnh này.