Thứ ba, 30/04/2024 19:00 (GMT+7)
Thứ năm, 11/04/2024 17:19 (GMT+7)

Hưng Yên: Phù Cừ vững bước về đích Nông thôn mới kiểu mẫu (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau” và chọn những tiêu chí cơ bản làm “đòn bẩy” để tạo đà thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác; đồng thời chú trọng phát huy tinh thần tích cực, chủ động tham gia của người dân.

LỜI TÒA SOẠN

Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm chung tay, góp sức của mỗi người dân tại mỗi địa phương.

Từ một huyện khó khăn nhất trên địa tỉnh Hưng Yên, sau 13 năm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong xây dựng Nông thôn mới, đến nay, huyện Phù Cừ đã thay đổi diện mạo với 13/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6/13 xã được công nhận NTM kiểu mẫu.

Huyện Phù Cừ cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về môi trường. Trong đó, đầu tư, xây dựng 5 hệ thống xử lý nước thải. Toàn huyện có 21 bãi phân loại, đảo trộn rác thải với khối lượng là 16.600 tấn đạt 100% kế hoạch.

Trong khuôn khổ tuyến bài viết về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Phù Cừ, Tạp chí Kinh tế Môi trường xin gửi tới Quý bạn đọc một số thông tin kết quả đạt được, cách làm hay, mô hình đẹp và gương người tốt, việc tốt. Qua đó, cổ vũ, động viên, khích lệ mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Đồng lòng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phù Cừ lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 7 nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết số 200-NQ/HU ngày 16/4/2021 về Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu huyện Phù Cừ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Với quan điểm khi được công nhận huyện NTM kiểu mẫu phải có đặc trưng để tạo ra sự khác biệt, huyện Phù Cừ xây dựng Đề án xây dựng huyện Phù Cừ đạt huyện NTM kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung định hướng ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025. Quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được thực hiện theo lộ trình, kế hoạch những địa phương nào có khả năng bứt phá, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương đó sớm hoàn thành các tiêu chí sớm hơn so với dự kiến. 

Hưng Yên: Phù Cừ vững bước về đích Nông thôn mới kiểu mẫu (Bài 1) - Ảnh 1
Chính quyền cùng các đoàn thể thường xuyên trao đổi cùng nhân dân.

Những ngày cuối tháng 3/2024, được sự giới thiệu của UBND huyện Phù Cừ, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường có dịp đến xã Phan Sào Nam, một trong những điển hình về sự chung sức, đồng lòng trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của huyện. Những con đường, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp là cảm nhận rõ nét khi có mặt tại địa phương này.

Theo ông Vũ Đình Binh, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Sào Nam, sau hơn 12 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, với sự đồng lòng nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cùng với nguồn vốn cấp trên, ngân sách địa phương, xã đã huy động sức người, sức của cộng đồng với nguồn kinh phí trên 127 tỷ đồng; trong đó, nhân dân tự nguyện hiến gần 5.000m2 đất ở, hơn 25.000m2 đất nông nghiệp và 5.500m2 công trình trên đất trị giá hàng chục tỷ đồng để làm đường giao thông, chỉnh trang đồng ruộng.

“Đến nay, có 100% các tuyến đường trục xã, trục thôn, liên thôn, đường xóm được cứng hóa, rộng rãi, khang trang và có hệ thống chiếu sáng, đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp. Các đường trục chính nội đồng cũng được cứng hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa của nhân dân”, ông Binh phấn khởi cho biết thêm.

Xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo phương châm “Làm tới đâu chắc tới đó”, xã Phan Sào Nam đã phát huy được tinh thần tích cực, chủ động của Nhân dân tham gia với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống của Nhân dân. 

Hưng Yên: Phù Cừ vững bước về đích Nông thôn mới kiểu mẫu (Bài 1) - Ảnh 2
Xã Phan Sào Nam vinh dự đón Bằng công nhận xã NTM kiểu mẫu năm 2024.

Là một trong nhiều hộ tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường tại địa phương, ông Phan Thanh Dậu, trú tại xóm 9, thôn Phú Mãn cho biết, mặc dù gia đình mới làm nhà và xây dựng tường bao, nhưng được sự vận động, kêu gọi của chính quyền, gia đình ông đã tự nguyện hiến đất và xây lại tường bao với toàn bộ kinh phí phá dỡ, xây mới đều do gia đình tự lo liệu.

“Xã luôn công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng NTM nên người dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và đặc biệt là người dân chúng tôi được hưởng lợi. Các bạn có thể thấy, quê hương tôi giờ rất đẹp", ông Dậu vui mừng cho biết thêm.

Cùng chung quan điểm với ông Dậu, ông Lê Trung Thành (trú tại xóm 5, thôn Trà Bồ) bày tỏ quan điểm, xây dựng NTM chính là cái gốc để từng ngày nâng cao đời sống nhân dân. Người dân nhận thức rõ được sự thay đổi từng ngày trên quê hương và chính mỗi gia đình bỏ ra một chút nhỏ sức người, sức của thì mới được như hôm nay.

“Vì cộng đồng, nhưng cũng chính là vì gia đình mình. Có đường to, ngõ rộng, con cháu tôi đi làm ăn xa về thăm gia đình giờ có thể đi xe ô tô vào tận cổng, tận nhà”, ông Thành tự hào chia sẻ.

Tiêu chí khó nhưng bền vững

Vốn là huyện thuần nông, những năm gần đây huyện Phù Cừ đã xây dựng nhiều chương trình, đề án ưu tiên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đưa vùng chiêm trũng Phù Cừ có bước đi bứt phá về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung định hướng ứng dụng công nghệ cao và bảo vệ môi trường.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tổng diện tích gieo trồng trên 8.684 ha, trong đó: Trồng cây vụ đông 515,7 ha, cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày 1.320 ha, gieo, cấy lúa cả năm 6.753,1 ha (lúa chất lượng cao chiếm 73,5% diện tích; năng suất lúa bình quân cả năm đạt 129,67 tạ/ha). Sản lượng vải quả thu hoạch đạt trên 12.500 tấn, nhãn quả gần 3.500 tấn, sản lượng cam ước đạt trên 2.500 tấn, bưởi khoảng 2.000 tấn quả. Năm 2023, toàn huyện thực hiện chuyển đổi được trên 103 ha đất lúa sang trồng cây lâu năm, trong đó chủ yếu chuyển đổi sang trồng một số cây ăn quả chủ lực của huyện, như: vải trứng, vải lai, cam bưởi...và các loại cây trồng khác.

Hưng Yên: Phù Cừ vững bước về đích Nông thôn mới kiểu mẫu (Bài 1) - Ảnh 3
Cánh đồng vải mamg lại thu nhập cao cho người dân.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ cầm tiếp tục ổn định; quy mô đàn tăng nhẹ ở các trang trại, gia trại đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, theo hướng VietGap. Tổng đàn lợn ước cả năm đạt khoảng trên 56.000 con; tổng đàn trâu, bò 3.220 con; đàn gia cầm trên 1.200.000 con. Duy trì hiệu quả 720 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi thâm canh đạt khoảng 500 ha, diện tích ươm nuôi cá giống trên 35 ha; sản lượng cá thịt đạt trên 6.500 tấn; số lượng cá hương trên 25 triệu con.

Đến hết năm 2023, toàn huyện có 29 HTX và 7 Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thêm 6 sản phẩm OCOP được công nhận, công nhận lại từ 3-4 sao. Giá trị thu trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 225 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 82 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%, tỷ lệ hộ cận nghèo 2,33%. Điều đặc biệt quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế luôn phải song hành với công tác bảo vệ môi trường sống.

Hưng Yên: Phù Cừ vững bước về đích Nông thôn mới kiểu mẫu (Bài 1) - Ảnh 4
Huyện Phù Cừ: Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp .

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Khả Phúc, Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết: Xác định từ thực tiễn, cũng như từ mong mỏi của nhân dân được sống trong một môi trường trong lành. Chính vì lẽ đó, huyện đã xây dựng, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường dựa trên 5 trụ cột chính, gồm: triển khai phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình (với gần 86% hộ gia đình tổ chức thực hiện); duy trì nề nếp, có hiệu quả chương trình “Ngày Chủ nhật xanh hàng tháng”; tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường (kiểm tra, giám sát hành vi xả rác bừa bãi…); quan tâm đầu tư các công trình xử lý, bảo vê môi trường (với 5 công trình xử lý nước thải tập trung tại các xã…); tăng cường tuyên truyền, giáo dục các em học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Trong đó, huyện đã xây dựng riêng tư liệu để tuyên truyền, giáo dục cho các cấp học trên địa bàn toàn huyện.

“Nếu chúng ta sống trong một ngôi nhà, một ngôi làng to đẹp, nhưng lại ô nhiễm thì môi trường sống đó vẫn không được đánh giá cao. Do đó, xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu của chính cán bộ, Đảng viên và nhân nhân, huyện đã không ngừng nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác và từ thực tiễn, vừa làm, vừa lắng nghe, để thay đổi, mang lại kết quả tốt nhất. Theo quan điểm của Phù Cừ, xây dựng NTM sẽ thành công khi có được sự hưởng ứng, chung tay vào cuộc của đông đảo nhất quần chúng nhân dân. Và với phương châm: “Cấp ủy đề ra chủ trương - Chính quyền tổ chức thực hiện – Các tổ chức, đoàn thể vận động – Nhân dân tích cực hưởng ứng”, tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ vững bước trên mục tiêu đã đề ra”, ông Phúc khẳng định.

Phù Cừ đang ngày một thay da, đổi thịt. Toàn hệ thống chính trị, nhân dân hằng ngày dồn sức cho các mục tiêu tạo đột phá phát triển, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần tạo đà về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong một ngày không xa.

Còn nữa...

Hiện nay, huyện Phù Cừ đã có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại 5 xã: Đoàn Đào, Phan Sào Nam, Tam Đa, Nhật Quang và xã Đình Cao. Trung bình mỗi hệ thống đã xử lý nước thải sinh hoạt cho khoảng 500 hộ dân. 14 xã, thị trấn trong huyện đã tích cực xây dựng hố phân loại rác thải hữu cơ với khoảng 7000 hố, mỗi hố trị giá 150 nghìn đồng từ nguồn vốn của huyện. Về tiêu chí sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, đến nay, huyện đã tích cực chuyển đổi diện tích trồng lúa giá trị thấp sang trồng trồng vải lai, vải trứng với diện tích 1100 ha. Sản lượng mỗi năm gần 14 nghìn tấn quả. Ngoài ra, còn có khoảng 50 ha nuôi trồng thuỷ sản trên ao bán nổi đem lại lợi nhuận cao tại các xã Quang Hưng, Nhật Quang.

Đến nay, huyện đã đạt 5/9 tiêu chí về huyện nông thôn mới kiểu mẫu như: giao thông, thuỷ lợi, kinh tế, chất lượng môi trường sống và hệ thống chính trị - an ninh trật tự. Có 13/13 xã được công nhận xã Nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ gần 85% và 6/13 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Huy Tưởng - Việt Phương

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên: Phù Cừ vững bước về đích Nông thôn mới kiểu mẫu (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Bình: Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa gạo bền vững
UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố quan tâm một cách thiết thực, quản lý và sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất sản xuất lúa của địa phương không để lãng phí nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa, gạo bền vững.
Khai thác du lịch bền vững Công viên địa chất Lạng Sơn
UBND tỉnh Lạng Sơn đã trình bộ hồ sơ lên UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, dự kiến cơ bản xong trước tháng 7/2024. Qua đó hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.
Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).