Chủ nhật, 28/04/2024 01:29 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/12/2022 09:30 (GMT+7)

Hợp thức hóa thủ đoạn để khai thác khoáng sản trái phép

Theo dõi KTMT trên

Các đối tượng núp bóng việc nuôi tôm, cá, hạ thấp mặt ruộng, nạo vét kênh rạch…để khai thác cát trái phép. Chúng thường thực hiện vào ban đêm, lúc trời mưa gây khó khăn cho cơ quan chức năng kiểm tra.

ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc với khoảng 26.550 km sông tự nhiên, rất thuận lợi cho giao thông thủy. Trong đó có 5.000 km sông, kênh rạch cho phép phương tiện thủy trọng tải trên 100 tấn đi lại dễ dàng. Các dòng sông tại ĐBSCL không những mang đến nguồn tài nguyên phong phú, đóng góp vào đời sống, sinh hoạt hàng triệu người dân trong vùng, mà còn góp phần vào sự phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải thủy, logistics, kinh doanh du lịch đường thủy… Lưu lượng nước tại các con sông rất lớn, khoảng 6.000 m3/s vào mùa khô, 120.000 m3/s vào mùa mưa, chuyển chở phù sa bồi đấp Đồng Bằng Nam Bộ.

Thực tế cho thấy, ĐBSCL “MEKONG DELTA” là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thủy sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu.

Hợp thức hóa thủ đoạn để khai thác khoáng sản trái phép - Ảnh 1
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Hiện nay, khu vực Đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) đang trong quá trình thực hiện các công trình xây dựng giao thông đường bộ, kiến thiết đô thị, xây dụng nông thôn mới, khu cụm công nghiệp….do vậy nhu cầu về đất, cát, đá… để sang lấp mặt bằng, làm vật liệu xây dựng với số lượng lớn. Nhưng một số tỉnh trong khu vực không có mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác; một số mỏ được cấp phép ở các tỉnh như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang…đã bị khai thác cạn kiệt, không đáp ứng nhu cầu về số lượng, không đảm bảo về chất lượng, dẫn đến tình trạng các đối tượng khai thác cát lợi dụng sơ hở của pháp luật để khai thác trái phép các loại khoáng sản một cách công khai, quy mô lớn.

Bóc mẽ thủ đoạn “ăn cắp” tài nguyên của “cát tặc”

ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thuận lợi trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu tôm nước ngọt, nước lợ, nước mặn và cá với diện tích nuôi năm 2022 là 75.000 ha; sản lượng đạt trên 286.000 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm 53.725 ha/50.000 ha kế hoạch, diện tích nuôi cá và thủy sản khác là 21.120 ha. Đây là ngành kinh tế có hiệu quả, lợi nhuận và nguồn thu nhập cao. Có tỉnh trong khu vực xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn để đầu tư phát triển kinh tế ở địa phương.

Do lợi nhuận và thu nhập cao nên việc nuôi trồng tự phát phát triển ồ ạt không có trong quy hoạch vùng nuôi, dẫn đến ô nhiểm môi trường, nguồn nước, môi trường nuôi. Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra mua bán phụ thuộc thị trường xuất khẩu không ổn định, ảnh hưởng đến giá cả và thu nhập, nên một số doanh nghiệp và người dân nuôi bị thua lỗ, các ao nuôi bị bỏ hoang, trống rất nhiều.

Thời gian qua, tình hình giá cả xuất khẩu tôm, cá có khởi sắc đảm bảo lợi nhuận cao nên các doanh nghiệp, người dân tạm ngưng nuôi nay cải tạo ao nuôi trở lại và mở rộng thêm diện tích. Lợi dụng việc này, các đối tượng khai thác khoáng sản chuyên nghiệp tiến hành mua bán các ao nuôi tôm, cá với danh nghĩa cải tạo ao nuôi. Chúng tiến hành dùng các máy bơm, hút có công suất lớn để khai thác cát. Có nơi chúng khai thác độ sâu trên hàng chục mét để bán lại cho các công trình có nhu cầu sang lắp mặt bằng. Những chiếc ao sau khi chúng khai thác xong không thể nuôi tôm cá được vì độ sâu quá lớn không đảm bảo độ sâu cho môi trường nuôi tôm, cá. Vị trí khai thác có nơi rất trọng yếu tại các cồn nằm giữa sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, nếu có sự cố sạt lỡ xãy ra không thể bồi đắp, gia cố, khắc phục được, nguy cơ sạt lỡ mất đất, mất cồn rất cao. Nếu lực lượng chức năng đến kiểm tra chúng xuất trình đầy đủ giấy tờ cấp phép của các cấp chính quyền địa phương, chấp thuận cho chúng cải tạo ao nuôi, nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Hợp thức hóa thủ đoạn để khai thác khoáng sản trái phép - Ảnh 2
Phương tiện vận chuyển cát trái phép bị Bộ đội biên phòng Sóc Trăng tạm giữ. Ảnh VOV.

ĐBSCL cũng là vựa lúa lớn của cả nước và là thế mạnh cung cấp lương thực xuất khẩu. Nhưng diện tích không thể mở rộng do điều kiện tự nhiên, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng, từng khu vực, tốc độ đô thị hóa…Do vậy muốn tăng diện tích canh tác chỉ còn cách tăng vụ, sử dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống lúa ngắn ngày. Tuy nhiên, việc tăng vụ canh tác còn phụ thuộc vào nguồn nước, thiên nhiên thời tiết, vào vị trí địa lý từng khu vực, nguồn nước của các sông lớn mà trực tiếp là sông Mê-kông.

Do vậy, vào những tháng mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến khoản tháng 5 năm sau), lượng nước cung cấp cho trồng lúa bị khan hiếm, công tác bơm hút nước lên ruộng lúa gặp khó khăn, chi phí sản xuất cao nhất là trong thời điểm xăng dầu tăng giá, lợi nhuận thấp. Để cải tạo đất phù hợp với việc trồng lúa trái vụ, lợi nhuận cao người nông dân tiến hành cải tạo đất, hạ thấp độ cao đất mặt ruộng bằng cách bóc dỡ lớp đất mặt để hạ thấp độ cao. Lợi dụng việc này, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép tiến hành mua bán đất mặt ruộng để làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói, san lấp mặt bằng cho các công trình xây dựng, thông qua hình thức hợp đồng cải tạo đất trồng lúa với người nông dân. Đây là lý do nghe qua hết sức hợp lý, vì nhu cầu sản xuất của người dân.

Nếu lực lượng chức năng đến kiểm tra xử lý vi phạm thì đối tượng bị xử lý là người nông dân, với lý do không xin phép chính quyền địa phương. Với số tiền không đáng kể, chúng bỏ tiền ra để người nông dân nộp phạt. Nếu người nông dân có xin phép chính quyền địa phương và được chấp thuận thì chúng ngang nhiên khai thác xem như hợp pháp.

Thời gian qua, một số tỉnh khu vực ĐBSCL được cấp phép một số mỏ cát biển như Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu (nạo vét luồng tận thu). Tuy nhiên công tác quản lý còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ, chưa đúng quy định pháp luật như thả phao luồng, quản lý phương tiện ra vào khai thác, vận chuyển tại mỏ, giám đốc mỏ, ghi chép nhật ký khai thác, giờ khai thác, giám sát khai thác.

Lợi dụng việc này, các đối tượng khai thác cát trái phép câu kết với đơn vị được cấp phép mỏ khai thác, hợp thức hóa hóa đơn đầu vào để chúng tiến hành khai thác cát trộm ngoài khơi xa bờ biển. Nơi đây có cát rất nhiều, đẹp, ngoài khu vực mỏ được cấp phép để khai thác. Điều này gây cho lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra. Khi kiểm tra, chúng có hóa đơn chứng từ hợp pháp do có sự câu kết và chuẩn bị từ trước, nên việc chứng minh nguồn gốc cát, xử lý chưa đạt yêu cầu về phòng chống hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.

Hệ thống sông ngòi, kênh rạch ĐBSCL chằng chịt, đan xen nhau có chiều dài khoảng 26.550 km. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho giao thương đi lại bằng đường thủy, độ sâu, dòng chảy chịu tác động rất lớn vào thời tiết hai mùa mưa nắng, nước đầu nguồn Sông Mê-Kông, lượng phù sa chảy theo nguồn nước hàng năm bồi đắp và cung cấp nguồn dưỡng chất, độ phì nhiêu cho đất trồng trọt. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn bồi đấp làm cạn các dòng sông gây khó khăn trong giao thông, vận tải đường thủy nội địa và các tuyến ven biển.

Để tạo điều kiện thông thương đi lại và vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, định kỳ phải tổ chức nạo vét các lòng sông và các tuyến ven biển đảm bảo độ sâu để phục vụ giao thông thủy. Lợi dụng việc này các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép câu kết với các doanh nghiệp được cấp phép thi công nạo vét tận thu tại các công trình để khai thác vào ban đêm, khai thác quá số lượng, độ sâu, sai vị trí được cấp phép, để trục lợi mua bán khoáng sản một cách hợp pháp. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra chúng cung cấp đầy đủ các loại thủ tục theo quy định, công tác xác định tọa độ vị trí, độ sâu, khối lượng để xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Lợi dụng ban đêm, trời mưa để khai thác tài nguyên

Về thời điểm khai thác, chúng lựa chọn thời điểm ít có người biết đến hành vi vi phạm pháp luật như: Khai thác vào ban đêm, kết thúc trước khi trời sáng, vào những ngày nghĩ lễ, Tết, ngày hội, họp, tập huấn… của lực lượng chức năng. Chúng tổ chức cử người canh gác, khảo sát, kiểm tra trước khi cho phương tiện ra vào khu vực khai thác, cho người theo dõi lực lượng chức năng. Do vậy việc triển khai lực lượng tiến hành công tác kiểm tra trên lĩnh vực này nếu không đảm bảo yếu tố bí mật thì hiệu quả không cao, do bị lộ kế hoạch kiểm tra, chúng sẽ không thực hiện hành vi vi phạm.

Để thực hiện hành vi “ăn cắp” khoáng sản, chúng dùng máy bơm hút có công suất lớn trên 1.000 m3/giờ. Trong thực tế kiểm tra có phương tiện trang bị máy bơm hút đạt công suất trên 3.240 m3/giờ, độ sâu có thể đạt đến 30m, đường chuyền từ nơi bơm hút đến nơi tiếp nhận có khoảng cách xa hàng 1000 m. Trong thực tế kiểm tra, có nơi chúng dùng máy bơm chuyền từ nơi bơm đến nơi tiếp nhận xa trên 10.000 m. về công nghệ bơm hút rất tiên tiến. Chúng chỉ bỏ vòi hút hoặc đầu máy khoan xuống lòng sông điều khiển máy và phương tiện di chuyển chậm để bơm hút, số lượng người tham gia điều hành các máy bơm hút không nhiều (một phương tiện bơm hút có 24 đầu hút chúng có thể sử dụng 5-6 người để vận hành).

“Cát tặc” rất manh động, sẵn sàng chống trả

“Ngoài ra, để che giấu hành vi khai thác khoáng sản trái phép không bị phát hiện, chúng thường chọn những bãi cát ở vị trí hẻo lánh, xa khu dân cư, ít có phương tiện giao thông và người qua lại như: Các cồn, cồn mới nổi ở giữa sông lớn, khu vực vắng người ở, ngoài khơi xa bờ biển…hoặc chúng rào kín, che chắn không cho bên ngoài nhìn thấy bên trong, nên việc phát hiện và tố giác hành vi vi phạm của người dân đối với các đối tượng này rất hạn chế. Khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu sự hỗ trợ từ phía người dân. Nếu lực lượng kiểm tra không đủ mạnh để trấn áp thì rất khó thực hiện được. Vì các đối tượng này rất manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng kiểm tra. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp thành viên đoàn kiểm tra bị thương, hy sinh khi làm nhiệm vụ kiểm tra trên lĩnh vực này”.

Với phương tiện bơm hút hiện đại, nếu công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này không tốt, không cương quyết đấu tranh phòng chống, xử lý vi phạm, thì việc bơm hút khoáng sản trái phép ở những vị trí trọng yếu, không nằm trong quy hoạch khai thác sẽ làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, bờ biển, trôi cồn. Tình trạng mất cồn là chuyện sớm muộn sẽ diễn ra, tác động rất lớn đến đời sống dân sinh và chính sách phát triển kinh tế bền vững trong khu vực.

Vấn đề cuối cùng là việc khai thác khoáng sản trái phép có sự câu kết giữa các đối tượng với nhau, có tính chất tổ chức, liên tỉnh. Muốn được cấp phép khai thác tại các mỏ khoáng sản, nhà đầu tư phải am hiểu pháp luật, có thời gian kinh nghiệm hoạt động trên lĩnh vực này mới có khả năng trúng thầu các mỏ khoáng sản và được cấp phép khai thác. Do vậy, liệu có tình trạng quen biết, câu kết với nhau giữa các đơn vị được cấp phép, giữa đơn vị được cấp phép với người mua bán với chủ dự án các công trình có tính chất liên tỉnh? Chúng câu kết với nhau hợp thức hóa nguồn khoáng sản khai thác trái phép, hợp thức hóa hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra để thanh toán các công trình dự án và qua mặt cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng

Bạn đang đọc bài viết Hợp thức hóa thủ đoạn để khai thác khoáng sản trái phép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới