Hơn 93.000 học sinh Hà Nội bắt đầu cuộc cạnh tranh vào lớp 10
Đây là kỳ thi được đánh giá rất căng thẳng và áp lực với học sinh Thủ đô khi chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông công lập có hạn, chỉ đáp ứng khoảng 72% nhu cầu của thí sinh.
Sáng nay (12/6), hơn 93.000 học sinh lớp 9 ở Hà Nội sẽ dự buổi thi đầu tiên của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022. Thí sinh sẽ dự thi hai môn Ngữ văn và Ngoại ngữ, bắt đầu từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 15 phút.
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài là 45 phút.
Kỳ thi nhiều áp lực
Đây là kỳ thi được đánh giá rất căng thẳng và áp lực với học sinh Thủ đô khi chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông có hạn, chỉ đáp ứng khoảng 72% nhu cầu của thí sinh. Cụ thể, theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm 2021 toàn thành phố có 93.362 học sinh đăng ký dự tuyển trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường là 67.446 em.
Năm nay Hà Nội có sự điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh. Nếu như những năm trước, học sinh được chọn đăng ký hai trường trung học phổ thông bất kỳ trên địa bàn thành phố để dự thi thì năm nay các em được đăng ký tới ba nguyện vọng. Tuy nhiên, các em phải chọn nguyện vọng một và hai (là hai nguyện vọng ưu tiên xét tuyển cao nhất) ở một trường trung học phổ thông trên địa bàn mình cư trú. Với nguyện vọng ba, thí sinh có thể đăng ký một trường bất kỳ. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng một ở trường trung học phổ thông bất kỳ nếu chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất. Vì thế, áp lực với các thí sinh đăng ký một nguyện vọng càng trở nên căng thẳng hơn khi chỉ tập trung cho duy nhất một cơ hội.
Trong khi đó, năm nay, thí sinh phải chịu nhiều tác động từ dịch bệnh Covid-19. Đây là lứa học sinh đã phải nghỉ học ba tháng vì dịch bệnh trong năm học 2019-2020. Trong năm học 2020-2021 này, các em tiếp tục phải tạm dừng đến trường trong một số thời gian khi dịch tái bùng phát. Đặc biệt là trong đợt tái bùng phát lần thứ 4, từ đầu tháng Năm tới nay, học sinh toàn thành phố Hà Nội phải chuyển sang học online đúng vào giai đoạn các em cần tập trung ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi.
Điều này càng khiến cho các phụ huynh lo lắng khi theo đánh giá của họ, việc học online không thể hiệu quả bằng học trực tiếp trong khi đây lại là kỳ thi có tính cạnh tranh rất cao. Với các phụ huynh, việc con đỗ vào trường trung học phổ thông công lập mong muốn không chỉ đảm bảo môi trường học tập phù hợp mà còn đồng nghĩa với việc sẽ giảm nhẹ được gánh nặng tài chính khi các trường này sẽ có học phí thấp hơn trường ngoài công lập.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, kỳ thi không chỉ áp lực với thí sinh và phụ huynh mà với cả ban chỉ đạo thi khi phải đạt cho được mục tiêu kép: Vừa đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng, vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đảm bảo an toàn cao nhất cho kỳ thi
Trước một kỳ thi đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu bằng mọi biện pháp đảm bảo tổ chức thành công trọn vẹn, an toàn tuyệt đối. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, hàng loạt giải pháp đã được Hà Nội triển khai, kỳ thi đặc biệt với những điều chỉnh đặc biệt, kỳ thi chưa từng có với những thay đổi chưa từng có.
Thành phố đã phải hai lần điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi. Ngay trước khi kỳ thi diễn ra chỉ một tuần, thời gian làm bài thi của thí sinh cũng được thay đổi theo hướng rút ngắn thời gian thi của mỗi môn, môn Toán và Ngữ văn từ 120 phút như kế hoạch xuống 90 phút, môn Ngữ văn và Lịch sử từ 60 phút xuống còn 45 phút. Thành phố cũng quyết định ghép hai môn trong một buổi thi để giảm số buổi thi từ ba buổi thành hai buổi. Lần đầu tiên, học sinh được yêu cầu làm thủ tục dự thi theo hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp tại các điểm thi như mọi năm. Lần đầu tiên, học sinh bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế trước khi thi. Tất cả các thí sinh thuộc diện F0, F1 được đặc cách tuyển thẳng theo nguyện vọng một đã đăng ký. Thí sinh F2 được xét tuyển.
Công tác chuẩn bị tổ chức thi được chỉ đạo rốt ráo, quán triệt việc đảm bảo phòng chống dịch với sự chuẩn bị của nhiều lực lượng. Các điểm thi đều phải thực hiện phun khử khuẩn, chuẩn bị nước rửa thay, khẩu trang, máy đo thân nhiệt... Trước khi diễn ra kỳ thi, toàn thành phố đã thực hiện diễn tập tổ chức thi, trong đó xây dựng hàng loạt kịch bản để chủ động sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra trong ngày thi như việc có thí sinh biểu hiện thân nhiệt bất thường, thí sinh nghi nhiễm Covid-19...
Theo lãnh đạo các nhà trường, việc diễn tập là rất cần thiết và đã giúp cho các cán bộ làm công tác thi có thể phối hợp nhuần nhuyễn trong ngày thi chính thức.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh trường thi cũng vẫn được thực hiện nghiêm túc với việc tập huấn, phổ biến quy chế thi cho toàn bộ cán bộ làm công tác thi và thí sinh. Hà Nội cũng huy động tới 500 cán bộ làm công tác thanh tra. Nội dung thanh tra không chỉ về việc đảm bảo an ninh thi cử mà còn về cả công tác chuẩn bị phòng chống dịch của các điểm thi.
Sau buổi thi đầu tiên sáng nay, sáng mai, thí sinh sẽ dự thi hai môn Toán, Lịch sử và kết thúc kỳ thi.
Phạm Mai