Thứ tư, 01/05/2024 09:16 (GMT+7)
Thứ ba, 08/08/2023 12:03 (GMT+7)

Hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 7 tháng đầu năm

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/7, có 36 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 61.200 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022.

Nghị định số 08 khơi thông thị trường trái phiếu

Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu thời gian qua đã có dấu hiệu "ấm dần", lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/7, có 36 doanh nghiệp (DN) đã phát hành với khối lượng 61.200 tỷ đồng (giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó DN BĐS chiếm 55% (33.000 tỷ đồng); 60,91% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trước hạn là 130.400 tỷ đồng (gấp 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (5/3/2023), khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành là 60,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 99% khối lượng kể từ đầu năm 2023. Dư nợ TPDN tại thời điểm 21/7/2023 khoảng 1,03 triệu tỷ đồng, chiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,3% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 7 tháng đầu năm - Ảnh 1
Hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 7 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, căn cứ các quy định tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, nhiều DN đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực BĐS đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm; lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5-3% so với lãi suất ban đầu.

Việc các DN chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu được Bộ Tài chính đánh giá đã góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, đồng thời cũng tạo điều kiện để DN có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất, kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ khi trái phiếu đến hạn sau quá trình tái cơ cấu.

Nhiều giải pháp được triển khai

Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để ổn định thị trường, như triển khai đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành hợp lý chính sách tài khóa (giảm, giãn, hoãn thuế, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có thị trường BĐS; đẩy mạnh tuyên truyền để ổn định tâm lý thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp kích động, ảnh hưởng an ninh xã hội; ban hành kịp thời, các quy định pháp luật liên quan đến thị trường TPDN (Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN). Bên cạnh đó, Chính phủ đã lập các tổ công tác về ngân hàng, chứng khoán, TPDN và BĐS để kiến nghị giải pháp ổn định và phát triển thị trường. Theo đó thị trường đã dần ổn định trở lại.

Thời gian tới, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường đầu tư để đảm bảo thực hiện được mục tiêu tăng trưởng như Quốc hội đã giao. NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế (trong đó tính đến yếu tố thị trường TPDN chưa thể phục hồi được ngay trong năm 2023). Đặc biệt, cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng bên cạnh kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Bộ Tài chính nhấn mạnh giải pháp về thông tin truyền thông để các DN nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, có lộ trình chủ động áp dụng xếp hạng tín nhiệm TPDN, chủ động cung cấp thông tin về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh; tiếp tục truyền thông để ổn định tâm lý thị trường; tăng cường phổ biến chính sách đối với các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của DN, làm việc trực tiếp với DN có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các DN có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư theo điều kiện, điều khoản đã cam kết.

Để tăng tính thanh khoản của thị trường TPDN, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh triển khai các quy định tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Về phát triển thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở GDCK đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào hoạt động nhằm phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản cho TPDN riêng lẻ. Hệ thống này đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2023.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, để tăng thanh khoản của thị trường TPDN, NHNN, UBCKNN, Sở GDCK tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, các định chế tài chính có hoạt động liên quan đến phát hành TPDN theo quy định của pháp luật, trường hợp sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về dài hạn, Bộ Tài chính đề nghị rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan (Luật Chứng khoán, Luật DN, Luật Các tổ chức tín dụng) đối với các quy định về điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ; vấn đề người có liên quan, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán và DN; đẩy nhanh rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định pháp luật về phá sản DN để các DN có đủ quy trình thực hiện phá sản một cách có trật tự, góp phần đảm bảo sự vận hành lành mạnh và bền vững của thị trường. Bộ Xây dựng cần nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và BĐS...

DN đua nhau mua trái phiếu trước hạn

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, có nhiều lí do để DN mua lại trái phiếu trước hạn. Việc mua lại TPDN trước hạn có thể do dự án của DN không còn khả thi nên muốn tất toán để giảm chi phí tài chính. Bên cạnh đó, DN có thể tiếp cận nguồn vốn khác với lãi suất thấp hơn nên mua lại TPDN.

“Nghị định 65 cho phép DN mua lại TPDN trước hạn. Trong khi đó, trước đây có thể một số đợt phát hành trái phiếu chưa chuẩn về quy định như mục đích sử dụng vốn. Vì vậy, DN có thể lựa chọn mua lại trái phiếu nhằm tránh rủi ro pháp lý tiềm ẩn”, ông Hiếu nhận định.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc mua lại TPDN là nhu cầu bình thường của DN. Theo ông Thịnh, mỗi DN có chiến lược kinh doanh riêng, việc phát hành và mua lại TPDN nằm trong chiến lược đó. Tuy nhiên, việc mua lại TPDN trước hạn cũng cho thấy, tình hình của DN nhiều bất lợi khi nền kinh tế còn đang vượt khó khăn.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 7 tháng đầu năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

9,27 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lâm Đồng tăng cường thu ngân sách năm 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).