Hơn 23 triệu học sinh cả nước háo hức dự khai giảng năm học 2022-2023
Hơn 23 triệu học sinh bước vào năm học mới, mang theo nhiều hy vọng, mong mỏi của các bậc phụ huynh, sự háo hức, vui mừng của con trẻ.
Sau một năm phải tổ chức khai giảng trực tuyến vì dịch Covid-19, hôm nay 5/9, hơn 23 triệu học sinh trên cả nước háo hức dự khai giảng năm học mới.
Trong thư gửi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh, cùng các em học sinh, sinh viên nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Hôm nay, ngày 5/9/2022, chúng ta lại cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt sau một khoảng thời gian bất thường, việc học tập bị gián đoạn thường xuyên bởi đại dịch Covid-19, thầy và trò lại được cùng nhau dự lễ khai giảng trực tiếp tại ngôi trường thân yêu, cùng nhau chia sẻ quyết tâm, niềm tin và hy vọng về một chặng đường mới trong học tập".
Chủ tịch nước đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề mà ngành Giáo dục lựa chọn năm nay, đó là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".
Chủ tịch nước đề nghị toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục hãy nỗ lực tận tụy, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, làm tốt chức trách, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người vĩ đại.
Trước ngày khai giảng, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường học phải đóng cửa ở phần lớn các tỉnh thành. Một thời gian rất dài các em phải học trực tuyến, qua truyền hình và các hình thức khác.
Sau đó, ngành giáo dục cố gắng mở lại trường học, đưa các em quay trở lại học bình thường.
Trong một năm học đầy khó khăn, thách thức, ngành Giáo dục kiên trì với mục tiêu chất lượng đã được hoàn thành.
Ở thời điểm hiện tại, một năm học mới bắt đầu, đại dịch cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, có thể thấy, thách thức của đại dịch vẫn còn nguyên với ngành Giáo dục.
Đó là tác động của dịch bệnh đến chất lượng giáo dục, đến sức khỏe của học sinh về cả thể chất lẫn tinh thần. Nó cũng tác động đến các mục tiêu rèn luyện về kỹ năng và những ảnh hưởng trên nhiều phương diện khác.
Con nhiều thách thức
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi thông điệp tới toàn ngành nhân dịp năm học mới 2022-2023.
Một năm học mới đã bắt đầu trong tình hình mới, dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, những việc ngành Giáo dục phải làm phía trước vẫn còn đầy thách thức. Thách thức của việc khắc phục hậu quả rất nặng nề của dịch bệnh để lại, Bộ trưởng cho hay.
Thách thức của việc đổi mới giáo dục phổ thông. Thách thức của việc nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Thách thức của việc phổ cập. Thách thức của việc đưa trẻ đến trường trên phạm vi cả nước.
Thách thức của sự vượt lên chính mình để khẳng định chất lượng giáo dục và đào tạo và tăng cường, tạo dựng thêm niềm tin về phía xã hội vẫn luôn là thách thức rất lớn đối với toàn ngành.
Rất là mong toàn thể lực lượng giáo viên ra sức cố gắng, phấn đấu hoàn thiện bản thân và đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt công cuộc đổi mới. Cũng mong toàn thể học sinh hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập, tu dưỡng để đạt đến các mục tiêu trở thành công dân tốt, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Và rất mong các quý vị phụ huynh hết sức chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục để có sự đồng hành, hỗ trợ đối với ngành mang đến kết quả giáo dục tốt nhất, góp phần phát triển đất nước trong tương lai.
Thông điệp năm học mới của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lí nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh trước khi năm học mới bắt đầu.
Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội để tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, đặc biệt là phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước, tăng cường giáo dục sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý học đường, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh.
Nghiên cứu, thí điểm và nhân rộng các cơ sở giáo dục tự chủ và tự chủ một phần nhằm giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục tại những vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi.
Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và là năm đầu tiên chương trình mới triển khai ở cả ba cấp học: lớp 1, 2, 3 (tiểu học), lớp 6, 7 (THCS) và lớp 10 (THPT).
Vừa triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 trong cùng một cấp học là thách thức đối với ngành giáo dục trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về trường lớp, giáo viên.
Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định. Cùng với việc thực hiện chương trình mới, các nhà trường phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, đặc biệt là đổi mới quản trị nhà trường, quản lý chuyên môn.
Lấy việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là "trục chính" để triển khai các hoạt động đổi mới theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học...
Huyền Diệu