'Hồi sinh' các rạn san hô ngoài khơi bờ biển UAE
Một nhóm thợ lặn thuộc trung tâm Fujairah Adventure đã tiến hành trồng san hô với hy vọng sẽ cải thiện môi trường đại dương đang bị suy thoái do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của phát triển kinh tế.
San hô phát triển sau khi được cấy ghép gần cảng Dibba ở Fujairah, UAE. (Ảnh: Reuters) |
Ngoài khơi bờ biển phía Đông của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), các thợ lặn và tình nguyện viên đã trồng hơn 9.000 rạn san hô nhân tạo trên khoảng 600m2 trong năm qua. Trong vòng 5 năm tới, các tình nguyện viên hy vọng sẽ trồng được 1,5 triệu rạn san hô nhân tạo, bao phủ 300.000m2.
Thợ lặn Saeed al-Maamari - một trong những tình nguyện viên tích cực của chương trình cho biết, san hô nhân tạo là mảnh đất màu mỡ, rất phù hợp cho các rạn san hô phát triển, lan rộng, góp phần cải thiện môi trường đại dương.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các rạn san hô tự nhiên phát triển qua hàng ngàn năm rất quan trọng đối với sự sống còn của nhiều loài sinh vật biển, đồng thời đóng vai trò là hàng rào chống lại sóng có thể giúp giảm xói mòn.
Tuy nhiên, các rạn san hô của UAE đã bị suy thoái đáng kể trong hai thập kỷ qua, chủ yếu là do biến đổi khí hậu và cải tạo đất.
San hô nhân tạo có thể giúp khôi phục các rạn san hô tự nhiên đồng thời trở thành môi trường sống cho sinh vật biển, giúp chống lại quá trình tẩy trắng san hô và suy thoái khác do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, sẽ phải mất từ 10 - 15 năm cho đến khi các rạn san hô này bắt đầu phát triển tự nhiên, nhà sinh vật biển John Burt cho biết.
Quang Huy