Học viên K72.B12 HV Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu thực tế tại Trường ĐH Đà Lạt
Ngày 24/2, Đoàn nghiên cứu thực tế lớp Cao cấp lý luận chính trị K72.B12 - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có chuyến nghiên cứu thực tế tại Trường Đại học Đà Lạt.
Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn nghiên cứu thực tế lớp Cao cấp lý luận chính trị K72.B12 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có TS. Đặng Kim Oanh, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng (Trưởng đoàn); TS. Nguyễn Anh Dũng cán bộ Vụ Đào tạo, Chủ nhiệm lớp K72.B12 (Phó Đoàn) cùng 58 học viên.
Về phía Trường Đại học Đà Lạt có sự tham dự của TS. Mai Minh Nhật – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt; Ths. Vương Nữ Minh Khuê – Chánh Văn phòng, phụ trách công tác Đảng của Trường Đại học Đà Lạt.
Được biết, buổi nghiên cứu thực tế và làm việc này nằm trong chương trình nghiên cứu thực tế tại tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng của lớp K72.B12.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Mai Minh Nhật – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt bày tỏ niềm vui khi được tiếp đón lớp Cao cấp lý luận chính trị K72.B12 - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đồng thời sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp của các cán bộ trong đoàn cho sự phát triển của nhà trường.
Bề dày truyền thống
TS.Mai Minh Nhật giới thiệu, ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 426/TTg thành lập Trường Đại học Đà Lạt trên cơ sở kế thừa Viện Đại học Đà Lạt – được xây dựng vào năm 1957 và bắt đầu đào tạo vào năm 1958. Từ năm 1976 đến năm 1990, Trường Đại học Đà Lạt hoạt động theo mô hình đại học tổng hợp, và là một trong số bốn trường đại học tổng hợp của cả nước.
Trải qua lịch sử hơn 60 năm, với 45 năm đổi mới và phát triển, Trường Đại học Đà Lạt ngày nay là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực; và đã khẳng định vị thế vững chắc là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng có chất lượng và uy tín cao ở khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của quốc gia.
Trường Đại học Đà Lạt có chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo tiên tiến, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, không chỉ trang bị cho người học kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn chú trọng trau dồi cho họ các kỹ năng và thái độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thế giới việc làm trong kỷ nguyên số.
“Hiện nay nhà trường đã ban hành chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu, đến năm 2030 phát triển Đại học Đà Lạt thành 3 trường đại học gắn liền với ba khối: Khoa học - công nghệ, Xã hội - Nhân văn và và Kinh tế - Luật - Du lịch. Hiện nhà trường đã đạt được nhiều chỉ tiêu qan trọng, song vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa hoàn thành, cần thêm thời gian và sự nỗ lực chung của toàn thể cán bộ”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt nhấn mạnh.
Theo TS. Mai Minh Nhật, do nằm ở vị trí đặc thù, vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh - chính trị của đất nước, cũng là khu vực tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, quan hệ tộc người, tôn giáo, nên Ban Giám hiệu Trường Đại học Đà Lạt qua các thời kì luôn làm tốt công tác chính trị tư tưởng, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị, trên địa bàn TP. Đà Lạt, Lâm Đồng cũng như vùng Tây Nguyên.
Với chủ trương xuyên suốt đó là đầu tư cho con người là sự đầu tư quan trọng nhất, do đó nhà trường có đầu tư rất lớn cho công tác đào tạo cán bộ cả về chuyên môn lẫn tư tưởng chính trị. Trường Đại học Đà Lạt có 20 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị.
Thành tựu ấn tượng
Về những kết quả đạt được, TS. Mai Minh Nhật cho biết, Trường Đại học Đà Lạt hiện có 500 cán bộ, viên chức và người lao động. Trong đó, có 300 giảng viên (01 Giáo sư, 16 Phó Giáo sư, 103 Tiến sĩ, 164 Thạc sĩ), số giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ chiếm đến 40%, cao so với trung bình cả nước (32%).
Quy mô đào tạo của nhà trường là 11.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Trong đó, 60% sinh viên của trường là con em của vùng đất Tây Nguyên. Nhà trường có 41 ngành đào tạo đại học, 10 ngành đào tạo thạc sĩ, và 6 ngành tiến sĩ, đầy đủ 3 bậc đào tạo. Trong bảng xếp hạng Đại học thì Đại học Đà Lạt xếp vị trí 38, nhà trường đang cố gắng hoàn thiện để cải tiến vị thế của mình trên bảng xếp hạng.
“Nhà trường luôn xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lâm Đồng, Tây Nguyên và cả nước là nhiệm vụ trọng tâm. Trong tất các các chiến lược phát triển thì nhà trường luôn tập trung cho nhiệm vụ này.
Trong những năm qua, nhà trường đã đào tạo hơn 70.000 cử nhân, hơn 2000 thạc sĩ và hàng chục tiến sĩ. Các học viên sau khi ra trường đã công tác ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có đến 50% cán bộ, sinh viên hiện đang công tác ở Tây Nguyên.
Về công tác nghiên cứu khoa học, Tạp chí khoa học của Trường Đại học Đà Lạt là một trong 6 tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam được chấp thuận chỉ mục vào Hệ thống trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á (ACI). Hiện Tạp chí đã chuẩn hóa tất cả các chính sách và quy trình xuất bản theo thông lệ quốc tế.
Về hợp tác quốc tế, nhà trường có quan hệ với nhiều trường Đại học, nhiều tổ chức Quốc tế. Trên cơ sở những mối quan hệ này nhà trường đã có nhiều chương trình đưa sinh viên đi học tập nghiên cứu tại một số trường Đại học trên thế giới, hoặc mời Giáo sư đầu ngành trên thế giới về giảng dạy tại trường.
Về cơ sở vật chất, Trường Đại học Đà Lạt được xem là một trong những trường Đại học đẹp nhất tại Việt Nam. Với khuôn viên rộng hơn 40 ha, có 40 tòa nhà lớn nhỏ dưới bóng rừng thông, kiến trúc hài hòa giữa mới và cũ, đóng góp không gian xanh cho thành phố. Khu giảng đường, thực hành, nghiên cứu đáp ứng tốt nhu cầu của giảng viên và sinh viên. Sắp tới nhà trường sẽ đăng ký Trường Đại học Đà Lạt trở thành điểm đến du lịch miễn phí của tỉnh Lâm Đồng”, TS. Mai Minh Nhật chia sẻ.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, Trường Đại học Đà Lạt đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Ngoài ra, nhà trường còn được trao nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen của trung ương và địa phương.
Nhiệm vụ chiến lược
Về phương hướng trong thời gian tới, TS. Mai Minh Nhật khẳng định, Trường Đại học Đà Lạt sẽ lấy Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (tháng 10/2022) làm kim chỉ nam. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị nêu rõ định hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên đến năm 2030, định hướng đến 2045.
Trong Nghị quyết 23, các vấn đề liên quan đến giáo dục, đào tạo, chuyển giao khoa học, công nghệ được xem là khâu đột phá, qua đó nâng cao dân trí, đáp ứng nguồn nhân lực là một trong những nội dung quan trọng; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố Buôn Ma Thuột, Thành phố Đà Lạt...
“Từ nội dung trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Trường Đại học Đà Lạt cũng xác định được sứ mệnh của mình trong việc đào tạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho phát triển bền vững vùng Tây Nguyên”, TS. Mai Minh Nhật nêu rõ.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Đà Lạt sẽ triển khai 7 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác chính trị, tư tưởng và coi đây là công tác thường xuyên liên tục. Thứ hai, duy trì sự ổn định về chất lượng đào tạo của nhà trường trên tất cả các lĩnh vực. Thứ ba, đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo ở cả ba bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất các các hoạt động của nhà trường. Thứ năm, mở rộng quan hệ giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thứ sáu, đẩy mạnh xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, tạo ra bản sắc riêng của Đại học Đà Lạt. Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất của nhà trường, xác định đến năm 2025 đạt được tự chủ đại học.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Đặng Kim Oanh - Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng (Trưởng đoàn) bày tỏ sự ấn tượng trước những thành tựu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và quan hệ quốc tế của trường Đại học Đà Lạt.
"Thay mặt lớp Cao cấp lý luận chính trị K72.B12 - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tôi xin chân thành cảm ơn sự tiếp đón thịnh tình của Ban giám hiệu trường Đại học Đà Lạt, xin kính chúc các đồng chí trong Ban giám hiệu nhà trường, kính chúc trường Đại học Đà Lạt ở tuổi 65 luôn vững vàng, gặt hái được thật nhiều thành tích, và đạt được những mục tiêu đã đề ra", TS. Đặng Kim Oanh chia sẻ.
Hoàng Hải