Học sinh có thể đi học trở lại ngay sau Tết
Liên quan đến lộ trình mở cửa trường học, đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cùng cho rằng có thể cho học sinh quay lại đi học ngay sau Tết.
Chiều 24/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ngô Thị Minh cho biết đến nay cả nước có 14 địa phương đang cho học sinh đi học trực tiếp, 30 địa phương học trực tiếp kết hợp trực tuyến, 19 địa phương còn đang học trực tuyến hoặc qua truyền hình.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến với các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, y tế về phương án đưa trẻ trở lại trường, và nhận được các ý kiến đồng thuận, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực về tâm sinh lý khi trẻ ở nhà quá lâu. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong triển khai kế hoạch đưa trẻ trở lại trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kiến nghị của các địa phương, đến ngày 7/2, dự kiến có 49 tỉnh, thành phố triển khai học trực tiếp, 14 tỉnh dự kiến cho trẻ trở lại trường vào ngày 12/2.
"Quan điểm của Bộ GD&ĐT là đưa trẻ trở lại trường trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của các cháu"- Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp ở một số nước trên thế giới, do chủng Omicron lây lan nhanh gấp 7 lần so với chủng Delta.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Sơn, hiện Việt Nam đã có những điều kiện, căn cứ để đưa trẻ trở lại trường học an toàn như: Tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trong nhóm cao nhất thế giới, tỷ lệ ca bệnh nặng, số ca tử vong thấp, kinh nghiệm chống dịch của các địa phương, ý thức của người dân được nâng cao, tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi cao (dự kiến hoàn thành tiêm mũi 2 sau Tết) và tăng cường tiếp cận vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
"Quan điểm của Bộ Y tế cũng cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau Tết. Song trong dịp Tết, các địa phương cần hết sức cảnh giác, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron. Sau Tết, Bộ Y tế sẽ có đánh giá cụ thể tình hình dịch để góp ý cho Bộ GD&ĐT về kế hoạch đưa trẻ trở lại trường"- ông Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, cũng thể hiện sự đồng tình đưa trẻ trở lại trường, mở lại hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, Covid-19 sẽ dần dần như virus cộng sinh và cũng giống như những virus khác gây bệnh về hô hấp. Đặc biệt, ở trẻ em, hệ miễn dịch và sức đề kháng tốt nên đa số trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, chúng ta cần chữa bệnh cho trẻ như chữa bệnh hô hấp bình thường.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, trẻ đã nghỉ học quá dài, cần phải được đến trường. Nếu không được đến trường, trẻ sẽ rất dễ mắc các bệnh về tâm thần. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, tại các nước như Mỹ, Anh, trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, nhiều trẻ em cũng không được đến trường. Thống kê cho thấy, có tới 40% trẻ bị trầm cảm hoặc mắc các bệnh về tâm thần như lo âu, thậm chí có ý định tử tự…
"Khi quyết định vấn đề gì chúng ta phải cân bằng lợi ích và nguy cơ. Trong giai đoạn dịch hiện nay, nếu không cho trẻ đến trường thì nguy cơ trẻ mắc các bệnh trầm cảm hoặc mắc các bệnh về tâm thần như lo âu, trầm cảm, thậm chí có ý định tự tử… sẽ gia tăng", PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cũng cho rằng, nếu không được tới trường trong một thời gian dài, các em không chỉ bị thiếu kiến thức, mà còn có thể mắc các bệnh không lây nhiễm như trầm cảm, nghiện trò chơi điện tử… Trẻ phải có sự tương tác với bạn bè và thầy cô giáo thì mới phát triển cả thể chất và tinh thần.
Hà Lan (T/h)