Thứ bảy, 20/04/2024 19:14 (GMT+7)
Thứ năm, 20/01/2022 23:00 (GMT+7)

Chuyên gia nói gì về việc sớm cho học sinh quay trở lại trường?

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia cho rằng, nếu không được tới trường trong thời gian dài, học sinh có thể gặp các vấn đề về tâm lý và sức khỏe thể chất. Vì vậy, cần triển khai nhanh chóng hiện nay là cần có lộ trình đưa học sinh, sinh viên sớm quay lại trường học.

Nhận định về tình hình dịch bệnh, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, Covid-19 sẽ dần dần như virus cộng sinh và cũng giống như những virus khác gây bệnh về hô hấp. Đặc biệt, ở trẻ em, hệ miễn dịch và sức đề kháng tốt nên đa số trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, chúng ta cần chữa bệnh cho trẻ như chữa bệnh hô hấp bình thường.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, trẻ đã nghỉ học quá dài, cần phải được đến trường. Nếu không được đến trường, trẻ sẽ rất dễ mắc các bệnh về tâm thần. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, tại các nước như Mỹ, Anh, trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, nhiều trẻ em cũng không được đến trường. Thống kê cho thấy, có tới 40% trẻ bị trầm cảm hoặc mắc các bệnh về tâm thần như lo âu, thậm chí có ý định tử tự…

Chuyên gia nói gì về việc sớm cho học sinh quay trở lại trường? - Ảnh 1
Học sinh khi phải học trực tuyến, qua truyền hình thời gian dài sẽ gặp các vấn đề về tâm lý và sức khỏe thể chất. (Ảnh minh họa)

"Khi quyết định vấn đề gì chúng ta phải cân bằng lợi ích và nguy cơ. Trong giai đoạn dịch hiện nay, nếu không cho trẻ đến trường thì nguy cơ trẻ mắc các bệnh trầm cảm hoặc mắc các bệnh về tâm thần như lo âu, trầm cảm, thậm chí có ý định tự tử… sẽ gia tăng", PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cũng cho rằng, nếu không được tới trường trong một thời gian dài, các em không chỉ bị thiếu kiến thức, mà còn có thể mắc các bệnh không lây nhiễm như trầm cảm, nghiện trò chơi điện tử… Trẻ phải có sự tương tác với bạn bè và thầy cô giáo thì mới phát triển cả thể chất và tinh thần.

Đồng quan điểm trên, là chuyên gia tư vấn tâm lý, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, học sinh khi phải học trực tuyến, qua truyền hình thời gian dài sẽ gặp các vấn đề về tâm lý và sức khỏe thể chất. 

Theo đó, việc không được đến trường dẫn đến các mối quan hệ bạn bè, hoạt động vui chơi ngoài trời bị gián đoạn khiến trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, cảm thấy cô độc, sợ hãi. Bên cạnh đó, việc học trực tuyến nhiều giờ, lặp đi lặp lại, bó hẹp trong gian nhỏ khiến trẻ dễ có cảm giác bị cô lập, bỏ rơi và buồn chán.

Ngoài ra, việc ở nhà thời gian dài, tiếp cận với phương tiện Internet nhiều nhưng thiếu kiểm soát dễ khiến trẻ lạm dụng game, rối loạn cảm xúc, kích động, hoang mang. Tình trạng cha mẹ giám sát quá chặt và can thiệp vào việc học của con cũng khiến trẻ sợ hãi, lo lắng, mất phương hướng.

Thực trạng này kéo dài sẽ khiến cả thầy và trò đều bị động trong việc dạy và học online, khiến học sinh gặp khó trong tiếp thu kiến thức. Thêm vào đó chất lượng đường truyền kém, phương tiện học tập không đảm bảo với màn hình nhỏ cũng khiến học sinh căng thẳng, mệt mỏi, giảm trí nhớ.

Trước tình hình trên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, giải pháp cần triển khai nhanh chóng hiện nay là đề ra lộ trình đưa học sinh quay lại trường học, cần triệt để đổi mới phương thức học tập từ 100% trực tiếp hoặc 100% online sang hình thức dạy học kết hợp. 

Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục vừa đảm bảo các nội dung chuyên môn, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch, xây dựng các kịch bản trong trường hợp phát hiện ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học tập.

Đồng thời, xây dựng lại hệ thống kiểm tra đánh giá để đảm bảo đánh giá đúng năng lực người học trong cả phương thức học tập trực tiếp, học trực tuyến hay học tập kết hợp, tránh gian lận trong thi cử và các hình thức biến tướng khác.

Theo nhận định của ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT, việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm "Sống chung với Covid".

Ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học như khuyến cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông nhằm chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích ứng cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về việc sớm cho học sinh quay trở lại trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới