Thứ bảy, 20/04/2024 08:57 (GMT+7)
Thứ ba, 13/09/2022 18:00 (GMT+7)

Hoàn thiện hệ thống đánh giá tác động môi trường

Theo dõi KTMT trên

Trong những năm qua, nước ta sử dụng tổng hợp các công cụ nhằm bảo đảm hài hòa sự phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, nhất là các công cụ đánh giá môi trường chiến lược (ÐMC), đánh giá tác động môi trường (ÐTM)...

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã và đang diễn ra nhanh chóng và đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội mà không tổn hại tới môi trường sống của con người; để đạt tới sự hài hòa, bền vững giữa phát triển sản xuất và môi trường thiên nhiên. Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó, Việt Nam đã và đang tiệm cận các chính sách phát triển, sử dụng tổng hợp các công cụ như hệ thống pháp luật, công cụ kinh tế (thuế, phí, ký quỹ), chế tài (hành chính, hình sự), các quy chuẩn về môi trường, các công cụ như đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đặc biệt là quy hoạch BVMT.

Hoàn thiện hệ thống đánh giá tác động môi trường - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ. (Nguồn:Internet)

Những thành tựu trong công tác ĐTM

Về thành tựu, trong hơn 20 năm qua, các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước theo từng giai đoạn phát triển. Các quy trình, thủ tục thẩm định ĐTM được quy định rõ ràng, minh bạch theo hướng cải cách hành chính, đảm bảo chất lượng của công tác thẩm định.

Những năm gần đây, nội dung và chất lượng của báo cáo ĐTM có những tiến bộ nhất định. Nhiều dự án trước khi vận hành chính thức đã được xác nhận thực hiện các công trình BVMT theo yêu cầu của báo cáo ĐTM. Bên cạnh đó, việc giám sát BVMT đối với các dự án trọng điểm như dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên, dự án sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh đã được tiến hành một cách chặt chẽ. Từ năm 2005 đến nay, hơn 100 dự án đầu tư trên các lĩnh vực khác nhau đã phải thay đổi địa điểm hoặc không được phê duyệt vì không đảm bảo các yêu cầu về BVMT. Như vậy, có thể thấy ĐTM trở thành công cụ hữu ích khi gắn trách nhiệm của chủ dự án đối với công tác BVMT.

Cùng với thời gian, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về BVMT đã được thiết lập từ cấp Trung ương đến địa phương. Đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, đáp ứng theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, cơ quan truyền thông và toàn xã hội ngày càng quan tâm hơn đến công tác ĐTM. Việc tham vấn ý kiến cộng đồng khi thực hiện ĐTM trở thành yêu cầu bắt buộc, thể hiện sự dân chủ, nhân văn, khoa học… và đang từng bước tiếp cận với kinh nghiệm quốc tế.

Song song với hoàn thiện, văn bản pháp luật, quá trình đẩy mạnh kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã hình thành mô hình giám sát có sự phối hợp “4 bên” (Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT, các tổ giám sát cộng đồng tại địa phương và các dự án/cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao). Sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất giữa Trung ương, địa phương đã giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tại các địa phương, hầu hết các Sở TN&MT đã ký kết các Chương trình phối hợp, Nghị quyết liên tịch với các cấp Hội địa phương. Qua đó, sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư vào các hoạt động BVMT ở Trung ương cũng như ở địa phương đã ngày càng phát triển và đi vào thực chất, có định hướng rõ hơn về nội dung, phong phú hơn về hình thức. Nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục môi trường của các tổ chức chính trị - xã hội không còn dừng lại ở mức nâng cao nhận thức mà đã tập trung vào tuyên truyền các phương pháp, kỹ năng thực hiện hành động BVMT, thực hiện các mô hình truyền thông lồng ghép trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Thách thức trong công tác ĐTM

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ĐTM còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Chất lượng báo cáo ĐTM còn phụ thuộc vào chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, loại hình dự án, nguồn lực thực hiện, hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định. Công tác ĐTM và quản lý ĐTM chưa đạt hiệu quả cao do nhiều nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan.

Cụ thể, một số quy định trong hệ thống văn bản pháp luật về BVMT chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn và khoa học, các quy định về việc lập lại ĐTM chưa thực sự rõ ràng; việc quy định về đánh giá tác động sức khỏe cộng đồng, xã hội áp dụng cho tất cả các loại hình dự án là không phù hợp và khó khả thi.

Trong hoạt động thẩm định thiết kế dự án, theo ngôn ngữ của ĐTM, thiết kế của dự án quyết định nguồn tác động đến môi trường, trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chỉ tham gia góp ý đối với thiết kế cơ sở của dự án, không có thẩm quyền phê duyệt. Thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết cho các bước tiếp theo của dự án do chính chủ đầu tư phê duyệt, do vậy trong một số trường hợp (đối với các chủ đầu tư có nhận thức hạn chế về BVMT), mức độ tin cậy về thiết kế của dự án có những giới hạn nhất định. Đây là một trong những thách thức cho cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM.

Trong một số trường hợp, vì sức ép tăng trưởng kinh tế, một số ngành, địa phương xem nhẹ vai trò của công tác ĐTM.

Việc đầu tư ngân sách cho công tác ĐTM còn hạn chế, chưa có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐTM. Các thông tin dữ liệu về hiện trạng môi trường vật lý, các yếu tố kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc còn tản mạn, không đầy đủ và thiếu hệ thống, trong khi đó, đây là những thông tin rất quan trọng phục vụ cho công tác ĐTM.

Kinh phí cho đào tạo tập huấn, hợp tác quốc tế về lĩnh vực ĐTM chưa được đầu tư thích đáng, chưa đủ nguồn lực để tiến hành ĐTM tổng hợp cho vùng, lãnh thổ và ĐTM xuyên biên giới.

Theo GS.TS. Hoàng Xuân Cơ, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: Việc thực hiện lập báo cáo ĐTM cho các dự án phát triển trên lãnh thổ Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề chưa được áp dụng, vẫn còn hạn chế, thậm chí có sai phạm.Trong đó có một số vấn đề liên quan tới xác định đối tượng phải lập báo cáo ĐTM. Liệu có hợp lý khi để chủ dự án thực hiện báo cáo ĐTM của chính dự án mà mình dự định thực hiện; có khách quan không khi họ vừa là người gây tác động lại là người lập báo cáo chỉ ra những tác động môi trường do dự án mình gây nên; liệu họ có “giấu giếm”, bỏ qua nhiều tác động có hại hay không?

Khi xem xét trách nhiệm không hoàn thành hoặc chất lượng báo cáo ĐTM không tốt, để xảy ra sự cố thì trách nhiệm lớn nhất phải là chủ dự án. - GS.TS. Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.

Giải pháp hoàn thiện hệ thống ĐTM

Một số giải pháp để hoàn thiện hệ thống và nâng cao hiệu quả thực hiện công tác ĐTM tại Việt Nam:

Thứ nhất, cần tiến hành nghiên cứu tổng thể về thực trạng ĐTM của Việt Nam thông qua hoạt động rà soát, đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá các điều kiện, nguồn lực thực hiện; hệ thống hóa những tồn tại, khó khăn thách thức, những bài học kinh nghiệm từ các sự cố môi trường trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu, tham khảo hệ thống ĐTM của một số nước trên thế giới đã áp dụng thành công.

Thứ hai, tiến hành sửa đổi các quy định về ĐTM cho cả 3 cấp độ là Luật, Nghị định, Thông tư, trong đó định hướng công tác ĐTM, khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức và tiếp cận hài hòa với các quy định quốc tế.

Thứ ba, cần xây dựng quy trình kỹ thuật ĐTM, đề xuất cấu trúc, nội dung của báo cáo ĐTM cho từng danh mục dự án; Xây dựng quy trình kiểm tra, xác nhận công tác BVMT theo từng giai đoạn của dự án và theo các cấp độ khác nhau; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật thẩm định báo cáo ĐTM, hình thành bộ tiêu chí thẩm định ĐTM thông qua việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Cần xem mỗi ĐTM là tập hợp các nghiên cứu chuyên sâu về các thành phần môi trường vật lý, sinh thái, văn hóa, kinh tế, xã hội; về khoa học dự báo và công nghệ môi trường… Như vậy mỗi ĐTM đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều thành phần chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm. Ngoài ra, hội đồng thẩm định phải gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và được đào tạo bài bản về ĐTM.

Thứ tư, cần sàng lọc và quyết định đầu tư dự án trên cơ sở thấm nhuần quan điểm phát triển bền vững - phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội từ chủ đầu tư cho đến các cấp có thẩm quyền. Xóa bỏ quan điểm xem ĐTM là một thủ tục hành chính để được cấp phép hoặc chấp thuận đầu tư, thay vào đó, cần xác định rằng ĐTM là công cụ khoa học - kỹ thuật - pháp lý, là một trong những căn cứ quan trọng để đi đến quyết định đầu tư hay không đầu tư dự án hoặc phải thay đổi phương án khác cho dự án. Theo đó, từng dự án phải được xem xét kỹ các yếu tố chi phí - lợi ích để đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn, phù hợp.

Hệ thống pháp luật về ĐTM khoa học, toàn diện, có tính thực tiễn và tuân thủ nghiêm minh sẽ giúp Việt Nam loại trừ được những bất cập liên quan đến công tác ĐTM như hiện nay. Tuy nhiên, bản chất ĐTM là dự báo, do vậy khó có thể một báo cáo ĐTM chi tiết đến mức có thể dự báo định lượng và nêu rõ các giải pháp giảm thiểu tất cả các tác động, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án. Vì vậy, đối với các dự án phức tạp, nhạy cảm về môi trường, cần xem công tác giám sát môi trường sau khi thẩm định ĐTM là yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường của dự án. Điều quan trọng là chủ dự án, cơ quan tư vấn, cơ quan thẩm định, lãnh đạo các cấp cần phải nhận diện các vấn đề phức tạp về môi trường của dự án có thể nảy sinh để quyết định phải giám sát đến mức độ nào đối với dự án đó.

Tạ Nhị 

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện hệ thống đánh giá tác động môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới