Thứ ba, 23/04/2024 21:05 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/09/2022 14:24 (GMT+7)

Thực tiễn công tác đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Quy định ĐTM của Việt Nam lần đầu tiên được được đưa ra trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 1993, đến nay đã có những điều chỉnh đáng kể để phù hợp với thực tiễn.

Tiến trình xây dựng hệ thống pháp luật về ĐTM

ĐTM lần đầu tiên được quy định tại Điều 17 và 18 của Luật BVMT ban hành ngày 27/12/1993, và tiếp đó là Nghị định 175/CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật BVMT 1993.

Theo đó, các quy định này yêu cầu tất cả các dự án trong nước và đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đều là đối tượng áp dụng – phải thực hiện ĐTM. Các dự án đã đi vào hoạt động cũng cần lập báo cáo đánh giá tác động dưới dạng “kiểm toán môi trường” theo quy định của Thông tư 1420-TT/MTg-BKHCNMT ngày 26/11/1994 Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đối với cơ sở đang hoạt động. Theo thống kê ban đầu, đã có khoảng 14 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ĐTM đã ban hành từ năm 1995 đến năm 2004.

Từ sau năm 2005, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐTM ngày càng đa dạng và chi tiết hơn. Luật BVMT sửa đổi ban hành ngày 29/11/2005 đã dành một chương (chương III: Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường, gồm 14 điều từ điều 14 đến điều 27, quy định về công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Theo thống kê ban đầu, từ năm 2006 đến nay, có hơn 20 văn bản pháp luật liên quan đến ĐTM đã được ban hành.

Điểm khác biệt cơ bản của 2 hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này nằm ở quy trình thực hiện ĐTM và khái niệm mới “ĐTM bổ sung”. Nếu như bước tiến hành báo cáo ĐTM sơ bộ được coi là bắt buộc đối với các dự án trước khi có Luật BVMT 2005, thì sau khi luật này có hiệu lực, bước này đã bị xoá bỏ. Giai đoạn từ năm 1994 đến trước khi Luật BVMT 2005 được ban hành là giai đoạn “vừa làm - vừa học - vừa rút kinh nghiệm” của Việt Nam (World Bank, 2006). Đến năm 2008, một bảng danh mục các đối tượng gồm 162 loại dự án khác nhau phải lập báo cáo ĐTM đã được quy định tại Nghị định 21/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/2/2008. Với mỗi dự án, nếu có tên trong danh mục này thì sẽ phải thực hiện báo cáo ĐTM chi tiết; nếu không chỉ cần thực hiện cam kết BVMT. Đối tượng của quy định “ĐTM bổ sung” là các dự án mở rộng hoặc thay đổi công nghệ của các cơ sở đang sản xuất. Khái niệm này đã thay thế cho dạng báo cáo ĐTM của các cơ sở đang hoạt động trước đây.

Thực tiễn công tác ĐTM ở Việt Nam

Bản chất của công tác ĐTM là quá trình tìm hiểu, dự báo các tác động môi trường và tác động xã hội tiêu cực, đề xuất giải pháp ngăn ngừa, hạn chế các tác động này khi dự án được thực hiện, đảm bảo dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, một bộ phận các nhà quản lý và chủ đầu tư chưa nhận thức được ý nghĩa cuả công tác này. Họ thường coi yêu cầu lập báo cáo ĐTM như là một thủ tục trong quá trình chuẩn bị hoặc thực hiện dự án.

Hoặc hiện tượng không tuân thủ đầy đủ quy trình và các quy định về xây dựng nội dung báo cáo ĐTM còn diễn ra phổ biến. Vì vậy, việc tuân thủ quy trình và yêu cầu chất lượng báo cáo ĐTM thường bị làm ngơ hoặc xem nhẹ. Báo cáo ĐTM hiện nay “mới chỉ quan tâm đến tác động có hại, trực tiếp, trước mắt, tác động tới môi trường tự nhiên trong khi ít quan tâm đến các tác động có lợi, gián tiếp, lâu dài và tác động xã hội. Các phương án giảm thiểu tác động thì hoặc là quá sơ sài, hoặc thiếu tính khả thi, hoặc chỉ là lời hứa hẹn không có cơ sở.

Tuy nhiên, hơn 15 năm trôi qua kể từ khi có quy định đầu tiên về ĐTM ở Việt Nam, không thể phủ nhận những cố gắng và nỗ lực cuả Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện đánh giá tác động môi trường. Từ quá trình hoàn thiện dần hệ thống văn bản QPPL đến phát triển đội ngũ và năng lực thực hiện ĐTM đã có những phát triển đáng ghi nhận.

Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2022, Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 23 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 45 Chiến lược, Kế hoạch, Đề án, Chỉ thị, Chương trình hành động về BVMT, trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về môi trường; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Đánh dấu bước phát triển đột phá của hệ thống pháp luật về BVMT là sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Luật Bảo vệ môi trường 2020 tăng 9 nội dung so với Luật Bảo vệ môi trường 2014. Trong đó có các nội dung mới như: Đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đăng ký môi trường; chất ô nhiễm khó phân hủy; vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; cộng đồng dân cư; hạn ngạch phát thải khí nhà kính…

Thông qua công tác ĐMC, ĐTM, các chiến lược, quy hoạch phát triển đã điều chỉnh các định hướng phát triển, bố trí không gian phát triển và đầu tư phù hợp hơn về môi trường, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường; đặc biệt, đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, dừng triển khai đối với một số dự án lớn, có nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường.

Có thể thấy trong công tác ĐTM, các quy định pháp luật đã được hình thành, phát triển và có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh chính sách mở cửa, khuyến khích đầu tư phát triển để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ đặt ra cho công tác ĐTM là tạo sự thông thoáng cho môi trường đầu tư nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu của công tác BVMT. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, thảo luận rộng rãi nhằm đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới của Việt Nam.

Tạ Nhị 

Bạn đang đọc bài viết Thực tiễn công tác đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.